Tài chính

Khi mì ăn liền trở thành chỉ báo lạm phát: Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á lo món ăn “quốc dân” tăng giá

Khi làn sóng chấn động từ cuộc xung đột tại Ukraine lan ra toàn cầu, người dân Indonesia đặc biệt lo ngại đến việc chi trả nhiều tiền hơn cho thực phẩm trên bàn ăn, đặc biệt là món mì ăn liền được nhiều người yêu thích.

Nguyên liệu chính làm nên mì gói là lúa mì đã tăng giá, ảnh hưởng đến Indonesia, quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lúa mì. Nguồn lương thực chính của đa số người dân Indonesia như mì gói và gạo tăng giá có thể đẩy lạm phát lên cao.

Tại cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos hồi cuối tháng 5, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto dự đoán giá mì sẽ tăng. Ông bày tỏ quan ngại trong bối cảnh mất an ninh lúa mì toàn cầu.

Ông Airlangga có thể đã nghĩ đến Indomie, một thương hiệu mì ăn liền cực kỳ nổi tiếng của công ty Indofood Sukses Makmur, thành viên cốt lõi của tập đoàn Salim Group. Mì ăn liền là một món ăn "quốc dân" ở Indonesia. Indomie tự nhận là "nhà tiên phong về mì ăn liền" ở quốc gia này. Công ty sản xuất khoảng 19 tỷ gói mì hàng năm và được bày bán tại hơn 100 quốc gia.

Món mì ăn liền Indomie của Indonesia với nhiều loại hương vị và giá cả phải chăng đã chiếm được cảm tình của công chúng. Món ăn này được người dân trên khắp cả nước ưa chuộng, từ sinh viên cho đến những người có nhu cầu dùng đồ ăn nhanh.

Theo Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới, nhu cầu mì gói của Indonesia đạt 13,27 tỷ suất ăn trong năm 2021, chỉ đứng sau Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông) với 43,99 tỷ suất ăn. Khi so sánh mức tiêu thụ trên đầu người, Indonesia vượt Trung Quốc với 50 suất/người/năm.

Hầu hết các loại mì gói được tiêu thụ là mì ăn liền của Indofood, trong đó có cả mì Indomie. Giá cả của mì gói có liên quan trực tiếp đến sinh kế của người dân.

Giá thực phẩm đang tăng lên. Lúa mì, loại nguyên liệu sử dụng cho mì Indomie, đang có giá 11.600 rupiah/kg (tương đương 0,62 USD theo tỷ giá hiện tại) theo giá ngày 8/6, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mì Indomie được bán tại các cửa hàng với giá trung bình khoảng 2.800 rupiah. Đây là một mức giá phải chăng đối với một quốc gia có mức lương trung bình hàng tháng tương đương khoảng 200 USD.

Giá bán lẻ phản ánh đợt tăng thuế giá trị gia tăng trong tháng 4, nhưng Indofood vẫn giữ nguyên giá của sản phẩm. Khi giá lúa mì leo thang, người tiêu dùng cũng như chính phủ của Tổng thống Joko Widodo đang theo dõi sát sao giá của Indomie.

Indofood đang có thu nhập cao, đặc biệt là trong thời gian gần đây. Lợi nhuận ròng của tập đoàn năm 2021 đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm. Doanh số bán hàng của Indomie chính là nguyên nhân thúc đẩy tăng trưởng. Mì ăn liền trở thành một món ăn phù hợp cho những người mắc kẹt ở nhà trong bối cảnh hạn chế của đại dịch.

Khi được hỏi về khả năng tăng giá mì gói, một quan chức của Indofood cho biết công ty sẽ xem xét giá nguyên liệu và thành phần, cũng như nền kinh tế và sức mua của người tiêu dùng.

Theo một nhân viên văn phòng ở Jakarta, các gói mì Indomie tăng giá sẽ làm thay đổi hành vi người tiêu dùng. Ông nói: "Ngay cả khi giá chỉ tăng lên 500 rupiah, khi bạn nhân lên số ngày trong một tháng, nó sẽ có tác động lớn. Hiện tại, tôi ăn mì Indomie 3 hoặc 4 lần một tuần, nhưng tôi sẽ phải thay đổi thành 1 hoặc 2 lần một tuần".

Indonesia đã và đang phải đau đầu giải quyết vấn đề lương thực. Giá dầu ăn tăng cao thổi bùng các cuộc biểu tình của sinh viên, thúc đẩy chính phủ ban hành lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ. Lệnh cấm này được dỡ bỏ 3 tuần sau đó. Tổng thống Widodo đã sa thải Bộ trưởng Thương mại Indonesia Muhammad Lutfi trong cuộc cải tổ nội các được công bố ngày 15/6.

Theo Nikkei

Cùng chuyên mục

Đọc thêm