Tiếng hô thất thanh lúc 0 giờ
Vào lúc 00h52 ngày 18-7, Công an quận Hoàn Kiếm nhận được tin báo cháy nhà dân tại số 378 Phúc Tân, phường Phúc Tân. Đơn vị xuất 1 xe chỉ huy, 2 xe chữa cháy, Công an quận Ba Đình chi viện thêm 2 xe chữa cháy đến hiện trường triển khai chữa cháy, cứu người bị nạn. Đám cháy xảy ra tại tầng 1 của ngôi nhà 5 tầng, 1 tum, diện tích mỗi tầng khoảng 30m2. Các tầng 2, 3, 4, 5 và tum bị khói phủ kín.
Lực lượng chữa cháy phối hợp cùng người dân nhanh chóng dập tắt đám cháy tại tầng 1 ngôi nhà, mở cửa sổ các tầng trên để thoát khói, đồng thời cứu, di chuyển 4 người trong nhà ra ngoài an toàn và đưa đi bệnh viện cấp cứu. Đến thời điểm hiện tại, 3 nạn nhân sức khỏe dần ổn định, cháu Đỗ Chí Bằng (sinh năm 2004) bị bỏng và hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Bỏng quốc gia.
Hình ảnh Thượng úy Nguyễn Viết Quân lao vào đám cháy cõng nạn nhân từ tầng tum của ngôi nhà 5 tầng thoát nạn an toàn khiến bao người xúc động.
Cùng ngày, trở lại hiện trường vụ cháy, ngôi nhà 378 phố Phúc Tân đã được cơ quan chức năng tiến hành niêm phong, phân công người bảo vệ để phục vụ công tác điều tra. Người dân sống quanh khu vực vẫn chưa quên được hình ảnh, lằn ranh giữa sự sống và cái chết trong vụ hỏa hoạn xảy ra lúc rạng sáng.
Bà Nguyễn Thu Thơm (trú tại số 413 Phúc Tân, đối diện ngôi nhà xảy ra cháy) nhớ như in: “Lúc đó khoảng 00h50, khi quán ăn của gia đình tôi đang dọn thì thấy bà Nguyễn Lan Anh (chủ nhà 378) đứng trên tầng 2 hô hoán: “Cháy nhà! Cháy nhà rồi!”. Thấy bà Lan Anh hướng sang bên này hô, tôi tưởng nhà mình cháy liền giục chồng chạy lên các phòng kiểm tra. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra xong, chồng tôi vừa chạy xuống đến tầng 1, chưa kịp nói gì thì bất ngờ một tiếng nổ rất to phát ra từ phía nhà bà Lan Anh, đồng thời khói đen nghi ngút bắt đầu bốc qua khe cửa từ trong ra ngoài. Thấy vậy, chồng tôi chạy dọc phố hô hoán mọi người cùng tham gia chữa cháy”.
“Do gia đình bà Lan Anh sử dụng cửa cuốn, công tắc bên trong nên rất khó tiếp cận. Rất may, mọi người lùa được cây sắt vào bên trong, kéo được cầu sắt gia đình bà Lan Anh sử dụng để dắt xe máy, rồi kê dưới cửa cuốn để mọi người tiếp tục cạy cửa chữa cháy. Sau một hồi, cánh cửa được nâng lên. Lúc này, cảnh sát khu vực, công an phường đã có mặt cùng người dân sử dụng hàng chục bình chữa cháy xách tay các loại tiến hành dập lửa. Gia đình tôi có bể nước ngầm lúc nào cũng sẵn nên mỗi người một tay cùng nhau múc nước dập lửa. Vài phút sau, lực lượng cảnh sát cứu hỏa cũng có mặt triển khai các phương án chữa cháy, cứu nạn nhân bị mắc kẹt bên trong”, bà Thơm cho biết.
Thượng úy Nguyễn Viết Quân chia sẻ về hành động cứu người bị nạn với phóng viên Báo CAND.
Cũng theo bà Thơm, lúc xảy ra sự việc đã muộn, nhiều người đi ngủ và do thời tiết nắng nóng nên gia đình nào cũng bật điều hòa, đóng kín cửa. Lúc đầu bà Lan Anh hô hoán nhưng không ai biết. Cũng may, gia đình bà bán hàng muộn nên mới phát hiện sự việc. Khi sự việc xảy ra, người dân sống quanh khu vực rất đoàn kết, hò nhau lao vào chữa cháy. Gia đình nào có bình chữa cháy đều mang ra hết.
Nỗi ám ảnh chưa nguôi ngoai
Ông Nguyễn Tiến Phương (ở số 380 Phúc Tân, sát gia đình nạn nhân) cho biết, rất may khi xảy ra cháy, gia đình bà Thơm còn thức mới phát hiện bà Lan Anh kêu cứu và kịp thời hô hoán mọi người trợ giúp. “Khi biết sự việc, tôi vội lên tầng trên cùng của gia đình thì thấy bà Lan Anh và cháu Bằng đang rất hoảng loạn. Tôi liền đập khóa cửa thoát hiểm của gia đình để hai mẹ con bà Lan Anh trèo sang. Do cháu Bằng vừa bị ngạt khói, vừa bị bỏng nên khi trèo được sang bên nhà tôi, cháu rất yếu. Sờ vào người chỗ nào cháu cũng kêu đau. Đến khi lực lượng chữa cháy có mặt, hai người được đưa xuống khu vực an toàn, chở đi bệnh viện cấp cứu” - ông Phương kể.
Trưa 18-7, dường như còn nguyên nỗi ám ảnh và tâm trạng đầy hoang mang, chị Đỗ Linh Chi (sinh năm 1993, con gái bà Lan Anh) kể lại sự cố bất ngờ ập tới gia đình mình: “Sau khi phát hiện nhà mình xảy cháy, mọi người trong gia đình tôi hầu như không ai giữ được bình tĩnh. Chúng tôi chỉ biết đứng bên trong hô hoán để mọi người cứu giúp. Do điểm cháy xuất phát từ tầng 1 và ngọn lửa bùng phát rất lớn, khói độc nhanh chóng bao trùm căn phòng khiến mọi người tháo chạy, mỗi người một chỗ. Lúc này chỉ có tôi ở tầng 2 nghe được mọi người hướng dẫn vào nhà tắm sử dụng khăn ướt để chống ngạt, chống khói độc. Khi được các chiến sĩ chữa cháy đưa ra ngoài, lên xe Cảnh sát 113 đưa đến Bệnh viện 108, tôi không biết những người trong gia đình mình sống chết ra sao. Tôi hoàn toàn mất phương hướng, hoảng loạn và lo lắng. Giờ nghĩ lại mọi chuyện, nỗi ám ảnh vẫn còn nguyên trong tôi”.
Hiện trường vụ cháy tại phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm
Đến sáng, biết tin cả nhà đã thoát khỏi vụ hỏa hoạn, tôi thấy gia đình mình may mắn hơn những trường hợp khác. Đây là điều kỳ diệu. Gia đình tôi mãi mãi khắc ghi những người lính cứu hỏa, chính quyền, hàng xóm và nhân dân đã hồi sinh lại cuộc đời cho các thành viên gia đình tôi. Đặc biệt, sáng sớm nay, đọc được thông tin về vụ hỏa hoạn của gia đình mình trên báo, hình ảnh chiến sĩ lao vào lửa chữa cháy, cõng bố tôi từ tầng tum xuống nơi an toàn, tôi đã òa khóc và không biết nói gì để bày tỏ lòng cảm ơn chân thành đến anh và đồng đội của anh...”, chị Chi nghẹn ngào nói.
Cùng ngày, phóng viên cũng có mặt tại Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an quận Hoàn Kiếm. Dù đồng hồ đã điểm sang 12 giờ trưa nhưng một số cán bộ, chiến sĩ của đội vẫn tất bật với công việc. Các anh đang sắp xếp cũng như kiểm tra lại toàn bộ phương tiện, dụng cụ... sau trận chiến với “giặc lửa” ngày 18-7.
Do hẹn trước nên vừa mới gặp, Đại úy Trần Quốc Oai, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Hoàn Kiếm đã chờ sẵn ở cửa và quay sang người cán bộ của đội đứng cạnh giới thiệu: Người hùng mà anh nhắc đến đây! Đó chính là Thượng úy Nguyễn Viết Quân, Cán bộ Đội PCCC và CNCH Công an quận Hoàn Kiếm - người nổi tiếng với hình ảnh cõng một nạn nhân trong vụ cháy với khuôn mặt lấm lem, mồ hôi chảy ròng ròng tràn ngập trên các trang báo và mạng xã hội.
Lực lượng chữa cháy di chuyển 4 người trong nhà ra ngoài an toàn
Anh hùng trong khoảnh khắc
Thượng úy Nguyễn Viết Quân chia sẻ, tối 17-7 anh tham gia ca trực như thường lệ. Do đặc thù công việc, ngày nào vào ca trực, anh em cũng ngủ muộn. Khi anh chuẩn bị đi ngủ thì đơn vị nhận được tin báo cháy của Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an TP Hà Nội xảy ra cháy tại nhà số 378 Phúc Tân, phường Phúc Tân. Ngay lập tức, anh cùng đồng đội lên đường. Khi đến hiện trường, lực lượng chữa cháy đã phối hợp với các lực lượng của UBND, Công an phường Phúc Tân cùng nhân dân triển khai tổ chức chữa cháy và tìm kiếm nạn nhân mắc kẹt trong ngôi nhà.
“Lúc đó, đám cháy đã bao trùm toàn bộ diện tích tầng 1, có 4 người mắc kẹt bên trong và những người này đã di chuyển rải rác lên các tầng trên. Sau khi báo cáo chỉ huy triển khai phương án chữa cháy, tôi và 3 cán bộ, chiến sĩ nữa của đơn vị (gồm Trung úy Lê Minh Khôi, Trung úy Phùng Nam Anh và Thượng úy Phạm Minh Đức) đeo bình thở, sử dụng các thiết bị chuyên dụng phối hợp lực lượng chữa cháy của Công an quận Ba Đình di chuyển vào trong, tổ chức tìm kiếm người bị nạn, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để thoát khói trong ngôi nhà. Tại thời điểm đó, các tầng của ngôi nhà có rất nhiều khói, khí độc, nếu không được cứu nạn và di chuyển ra bên ngoài nhanh chóng thì nguy cơ tử vong rất cao. Để đảm bảo an toàn cho việc tìm kiếm, các đồng đội còn lại triển khai 2 lăng B và 1 lăng làm mát khu vực cháy”, anh cho biết.
Thượng úy Nguyễn Viết Quân kể tiếp: “Thời điểm nhận được tin báo có 4 người mắc kẹt trong đám cháy, tôi rất nôn nóng nhưng lại dặn lòng cần phải bình tĩnh, cẩn trọng để đảm bảo an toàn cho chính mình và cứu các nạn nhân ra ngoài an toàn mới là mục đích cuối cùng. Do kết cấu cầu thang của ngôi nhà bằng gỗ, lại xoáy trôn ốc nên lúc đó lửa cháy ở cầu thang vẫn còn khiến tôi phải lần từng bậc, từng khu vực. Khi lên đến tầng tum, tôi phát hiện được ông Đỗ Đức Kiện (chồng bà Lan Anh) đang bị ngạt khói, nằm thoi thóp ở khu vực bồn nước của gia đình. Tôi liền tháo bình khí thở của mình cho nạn nhân. Tuy nhiên, mũi của nạn nhân bị muội khí bám kín, tôi đã rửa mũi cho nạn nhân, sau đó mới đeo bình khí thở cho ông rồi cõng một mạch từ tum xuống tầng 1 ra khu vực y tế chờ sẵn một cách an toàn. Lúc này, quay lại nhìn nạn nhân, thấy ông đang nhăn nhó, bỗng trong lòng tôi lâng lâng sung sướng vì cùng đồng đội vừa cứu sống được một mạng người”.
Bà Nguyễn Thu Thơm - người phát hiện sự việc đầu tiên và chứng kiến toàn bộ vụ hỏa hoạn
Khi hỏi về khoảnh khắc lao vào lửa cứu người mắc kẹt trong đó, anh có suy nghĩ như nào? Vẫn nụ cười hiền hậu ấy, Thượng úy Nguyễn Viết Quân trả lời: “Lúc đó, tôi chỉ mong muốn làm sao tìm kiếm và đưa được nạn nhân ra vị trí an toàn sớm nhất chứ đâu có nghĩ gì. Tôi cũng như những đồng đội trong đơn vị mỗi khi nghe tiếng chuông reo và cuộc đối đầu với “giặc lửa”, với hiểm nguy là không nghĩ suy, lại... lao ngay vào cuộc chiến”.
Bộ trưởng Bộ Công an gửi Thư khen các đơn vị, cá nhân giải cứu nạn nhân trong vụ cháy Ngày 18-7-2022, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an có Thư biểu dương, khen ngợi Công an thành phố Hà Nội, các cá nhân, đơn vị trực tiếp tham gia chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại số nhà 378 Phúc Tân. Nội dung có đoạn: Các đồng chí đã mưu trí, dũng cảm, không sợ hiểm nguy, gian khổ, kịp thời dập tắt đám cháy và giải cứu kịp thời 4 nạn nhân, thể hiện tinh thần, trách nhiệm với Nhân dân, để lại hình ảnh đẹp về người chiến sĩ Công an trong lòng Nhân dân; đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống của lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam. Bộ trưởng Tô Lâm giao Cục Công tác đảng và công tác chính trị chủ trì phối hợp với Công an thành phố Hà Nội nghiên cứu, đề xuất lãnh đạo Bộ có hình thức khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ theo đúng quy định và làm tốt công tác tuyên truyền về những gương người tốt, việc tốt trong CAND... |