Khánh Vy bỗng bị phản ứng vì trong bữa ăn: “Em mời cả ekip ạ”
Mới đây, MXH Threads thu hút sự chú ý khi xuất hiện bài đăng kèm bài đăng là hình ảnh của Hoa hậu Thuỳ Tiên và MC Khánh Vy khi có dịp xuất hiện chung trong một show thực tế phát sóng hồi tháng 4 năm nay. Tác giả bài viết đưa ra quan điểm: Khánh Vy có đang thảo mai hay không?
Theo đó, Khánh Vy là khách mời trong series Đu Đêm của Thuỳ Tiên, cả hai cùng trải nghiệm làm nhân viên trong quán bán khổ qua dồn thịt tại Quận 5 (TP.HCM). Trước khi bắt đầu công việc, cả hai được chủ tiệm mời thưởng thức món ăn đặc trưng tại quán cũng như trải nghiệm không gian ăn uống đường phố, vỉa hè đặc trưng. Cũng vì vậy mà cuộc trò chuyện của Khánh Vy và Thuỳ Tiên liên quan nhiều đến những chia sẻ về văn hoá, thói quen ăn uống, sinh hoạt,...
Đáng chú ý, khi chuẩn bị thưởng thức món ăn, Khánh Vy có nói một câu: “Em mời cả ekip ạ”. Ngay lập tức, Thuỳ Tiên cảm thấy bất ngờ và “chặt” đẹp đàn em: “Ekip không có gì ăn hết em. Em đang trêu ngươi mọi người à?”.
Tưởng chỉ là màn đùa vui, tung hứng hài hước của cặp chị em Gen Z, song thực tế điều này lại làm bùng lên một cuộc tranh luận sôi nổi trên MXH. Nhiều ý kiến cho rằng, Khánh Vy vẫn giữ nét thảo mai, “mời lơi” ekip dùng bữa.
Bởi theo nhiều người quan niệm, việc “mời” ai đó có nghĩa là sẽ thêm bát, thêm đũa để cùng vào ăn chứ không phải mời xã giao, không thật lòng. Trong khi đó, ekip vẫn đang làm việc, ghi hình cho Khánh Vy và Thuỳ Tiên nên câu nói của nữ MC bị netizen đánh giá là thiếu nhạy cảm, không có sự tinh tế, thảo mai không đúng thời điểm.
Không phải thảo mai, đây là ý nghĩa thực sự của lời mời trong văn hoá ứng xử
Tuy nhiên, ngược lại với quan điểm trên, rất đông người lại đứng về phía Khánh Vy, bày tỏ sự thấu hiểu ý nghĩa câu nói của cô trong trường hợp này.
Cụ thể, nhiều người cho rằng văn hoá “mời cơm” vẫn thường có trong các gia đình như một phép lịch sự tối thiểu trong bữa ăn. Chẳng hạn như nhiều gia đình vẫn giữ thói quen, nề nếp, người nhỏ bắt buộc phải mời người lớn trước khi ăn cơm: “Con mời ông bà ăn cơm”, “Con mời bố mẹ ăn cơm”, “Em mời anh chị ăn cơm”,... Điều này thể hiện sự kính trọng bề trên trong bữa ăn nói riêng và trong văn hóa ứng xử nói chung.
Hay trong trường hợp nếu cả nhà đang ngồi ăn cơm, có khách đến vẫn sẽ có một lời mời: “Mời anh chị ăn cơm”. Câu nói này được hiểu thay cho một lời chào hay cũng thể coi là một lời xin phép, thông báo dạng như: “Tôi xin phép dùng bữa”.
Hơn nữa, nhiều người cũng cho rằng điều này khi đã trở thành thói quen, đi sâu vào tiềm thức, cách ứng xử thường ngày sẽ rất khó thay đổi. Do đó với Khánh Vy trong trường hợp trên, nếu cứ ngang nhiên dùng bữa trước mặt nhiều người mà không có một câu nói sẽ cảm thấy như vậy là bất lịch sự, không thoải mái.
Ngoài ra, cộng đồng mạng cũng cho rằng vấn đề này không có gì đáng tranh cãi hay phán xét cách thể hiện của bất kỳ ai. Bởi mỗi người có một thói quen, quan niệm khác nhau trong lời mời. Một bên quan niệm, lời mời là biểu thị sự tôn trọng và nhận diện còn một bên thì quan niệm, mời là phải ăn. Và dù cách nào thì “lời mời vẫn cao hơn mâm cỗ”, đều thể hiện sự tôn trọng với mọi người xung quanh.
Một số bình luận của cộng đồng mạng:
- “Mình thấy chỉ là mỗi người hiểu ý nghĩa khác nhau của một câu nói thôi, nên sẽ hơi quá nếu nhận xét Khánh Vy thảo mai hay giả tạo trong trường hợp này”.
- “Như gia đình mình thường có thói quen mời trong bữa ăn, còn gia đình chồng sẽ là mời ra bàn để ăn cơm. Đơn giản vậy thôi nhưng cũng là sự khác biệt do thói quen của mỗi nhà. Mỗi người hiểu nhau một chút là được”.
- “Hiểu câu nói của Khánh Vy như một lời xin phép lịch sự để dùng bữa thôi. Dạng như: “Xin phép mọi người em ăn đây ạ”. Chứ đông người xung quanh như vậy mà không nói lời nào cũng ngại”.
- “Mình thấy trong bối cảnh của Khánh Vy và Thuỳ Tiên thì cô bé đó lễ phép, lịch sự. Còn bình thường nếu muốn mời ai đó vào ăn chung có thể nói rõ ý: “Mời anh chị vào ăn cơm cùng em” hay “Anh chị ở lại dùng bữa cùng gia đình nhé”,...”.