Do đó, việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai sẽ tạo hiệu quả về sử dụng nguồn lực đất đai trong công tác quản lý, điều hành, tổng hợp cũng như khai thác hợp lý, bền vững cho các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Theo Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai được thực hiện với dữ liệu đầu vào là dữ liệu địa chính (gồm bản đồ địa chính, hồ sơ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận, hồ sơ địa chính, Giấy chứng nhận), dữ liệu giá đất, dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai, dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…
Đối với cơ sở dữ liệu đất đai do Trung ương xây dựng, hiện nay đã xây dựng xong 4 dữ liệu thành phần. Đó là: Dữ liệu về hiện trạng sử dụng đất cấp vùng và cả nước; dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; dữ liệu về khung giá đất; dữ liệu về điều tra cơ bản về đất đai cấp vùng và cả nước.
Đối với cơ sở dữ liệu đất đai do địa phương xây dựng, trên cả nước, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai, trong đó 455/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành cơ sở dữ liệu địa chính với hơn 46 triệu thửa đất đưa vào vận hành phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai và giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cho người dân, doanh nghiệp…
Đến nay, việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai trên cả nước đã đạt những kết quả nhất định, tuy nhiên tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai vẫn còn chậm. Trong đó, nguyên nhân chính của việc chậm tiến độ là do một số địa phương chưa chủ động và quyết liệt trong công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Việc quan tâm chỉ đạo, đầu tư nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai của các địa phương còn hạn chế, chưa tương xứng so với yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Nhiều nơi chưa ý thức được vai trò tích cực của hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai đối với công tác quản lý và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Hồ sơ, tài liệu đất đai được hình thành qua nhiều giai đoạn khác nhau, thông tin dữ liệu không thống nhất; dữ liệu rất lớn, phức tạp, bao gồm cả dữ liệu đồ họa và dữ liệu thuộc tính với rất nhiều trường thông tin. Nhiều thông tin biến động gây khó khăn cho công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.
Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn, kỹ thuật cán bộ xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai ở Trung ương và địa phương còn hạn chế. Trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin, mức độ về an toàn, bảo mật thông tin của các địa phương còn chưa đáp ứng yêu cầu, gây khó khăn cho việc vận hành, kết nối, chia sẻ với các hệ thống thông tin khác…
Ngày 17/3/2023, Chính phủ đã có Nghị quyết số 37/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Trong đó yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số về đất đai. Mục tiêu đến năm 2025, hoàn thành xây dựng cơ dữ liệu và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai thống nhất, đồng bộ và kết nối liên thông.
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Công văn 3787/BTNMT-CĐKDLTTĐĐ ngày 26/5/2023 chỉ đạo về việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai, trong đó đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; rà soát đưa các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai vào quản lý, vận hành, cập nhật, khai thác.
Hệ thống thông tin đất đai quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản trị, quản lý, vận hành, có thể chia sẻ cho các địa phương sử dụng để quản lý vận hành cơ sở dữ liệu đất đai của địa phương; vận hành, kết nối, tích hợp cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương vào cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; hướng dẫn, đào tạo kỹ năng về quản trị, vận hành hệ thống thông tin đất đai quốc gia cho người dùng theo phân cấp quản lý.
Hệ thống thông tin đất đai quốc gia cung cấp thông tin, đưa nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thông qua kết nối, liên thông, chia sẻ thông tin với các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin như: dân cư, xây dựng, thuế, sàn giao dịch bất động sản, cơ sở dữ liệu công chứng... phục vụ công tác quản lý, giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.