Chiến thuật đầy tham vọng
Kể từ khi thành lập, Jet.com đã đặt mục tiêu đánh bại Amazon qua chính thế mạnh về giá của gã khổng lồ này. Jet.com luôn duy trì mức giá thấp hơn từ 4 đến 5% đối với tất cả công ty thương mại điện tử hiện có.
Nói một cách khác, bằng cách không thu lợi nhuận trên mỗi sản phẩm, Jet.com đã sử dụng % lợi nhuận của đối thủ làm vũ khí chống lại họ. Táo bạo hơn, Jet.com còn bỏ luôn việc thu phí thường niên chỉ vài tháng sau khi hoạt động và gia tăng chất lượng dịch vụ của mình hết mức có thể. Công ty non trẻ này đã khiến những người dùng trung thành nhất của Amazon “lung lay” vì không biết phí thường niên 99 USD của dịch vụ Amazon Prime liệu có đáng không.
Về phương diện người tiêu dùng, Jet.com không chỉ đơn thuần là một trang web bán hàng giá rẻ. Một khi đã trở thành thành viên của Jet, người dùng có thể trực tiếp mua sắm tại hàng chục thương hiệu lớn khác nhau để tích lũy điểm JetCash cho các giao dịch tương lai. Một số tên tuổi lớn là đối tác của Jet như: Apple (hoàn trả 5% JetCash), Zara (hoàn trả 3,5% JetCash), Nike (hoàn trả 30% JetCash), Levis (hoàn trả 11,5% JetCash)
Không dừng lại ở đó, khách hàng khi mua sắm trên Jet.com ngoài % giảm giá và số điểm tích lũy cho mua sắm trong tương lai còn được hỗ trợ bởi các thuật toán của Jet để so sánh và lựa chọn những mẫu sản phẩm đang có giá tốt nhất thị trường.
Và một khi quyết định mua sản phẩm. Khách hàng còn tiếp tục được giảm giá khi nhập địa chỉ email (Giảm 5 USD), khi thanh toán qua thẻ (Giảm 1,5% tổng đơn hàng), và giá sẽ giảm hơn nữa khi khách hàng không chọn phương án “Có thể trả hàng lại” …
Chưa hết, khách hàng còn được gợi ý và giảm giá khi mua thêm những sản phẩm cùng một nhà cung cấp. Với Jet.com, mỗi hoạt động mua sắm của khách hàng đều được tối ưu hóa để giảm chi phí. Và không chỉ với khách hàng, các nhà cung cấp cũng được hưởng lợi với những đơn hàng lớn hơn, cắt giảm được chi phí đóng gói cũng như vận chuyển.
Và tốc độ phát triển vũ bão
Khi chưa ra mắt website, Jet đưa ra một chương trình ‘Jet Insider’, nhằm sử dụng chiến thuật marketing truyền miệng đến nhiều người nhất có thể.
Qua chương trình này, nếu khách hàng đăng ký thông tin, họ sẽ được “6 tháng miễn phí dịch vụ” và nếu vị khách này giới thiệu được thêm nhiều người nữa, họ sẽ được miễn phí 1 năm, 5 năm dịch vụ, và thậm chí là cổ phiếu của công ty Jet.com.
Và chiến thuật này đã thành công vang dội. Vào tháng 1 năm 2015, Jet.com đã sở hữu hơn 250.000 tài khoản và trở thành một chủ đề bàn tán rộng rãi trên mạng xã hội.
Sau hơn một năm thu hút tài khoản và nhiều tháng thử nghiệm Beta, vào tháng 7 năm 2015, Jet.com chính thức được ra mắt với hơn 4,5 triệu sản phẩm.
Vào cuối năm 2015, Jet.com bắt đầu tăng tốc và gia tăng số lượng nhà cung cấp trên trang web của mình, tung ra hàng loạt các mẫu quảng cáo trên TV với thông báo sẽ hủy bỏ phí thường niên. Bước đi này không chỉ gia tăng số lượng khách hàng mà còn thu hút nhiều nhà cung cấp hơn trước.
Chỉ một năm sau khi ra mắt, Jet.com đã có hơn 900 nhân viên và được dự đoán sẽ mang lại lợi nhuận vào năm 2020 với 15 triệu khách hàng thường xuyên.
Tin vào tiềm năng của mô hình này, từ trước khi ra mắt và chính thức hoạt động website, Jet đã thu hút được 820 triệu USD tiền đầu tư qua những tên tuổi lớn như Google Ventures, Goldman Sachs, Bain Capital Ventures, Accel Partners, Alibaba Group, Fidelity, và Bessemer Ventures.
Điều thú vị là một số quỹ đầu tư như Bessemer Ventures chưa từng đầu tư vào bất cứ một mô hình thương mại điện tử nào nhưng vẫn tự tin đầu tư vào Jet.com vì tin tưởng mô hình này sẽ thành công.
Và vào tháng 8 năm 2016, tức chỉ một năm sau khi đưa vào hoạt động chính thức, Walmart đã mạnh tay chi đến 3,3 tỷ USD để thâu tóm Jet.com, đồng thời CEO của Jet được mời về để dẫn dắt mảng thương mại điện tử của ông hoàng bán lẻ nước Mỹ, chuẩn bị cho cuộc chiến với Amazon sắp tới.
Walmart và Jet.com, “song kiếm” chia đôi nước Mỹ để chinh phục
Vào đầu tháng này, Walmart đã đưa ra chiến lược sử dụng Jet.com như là một “vũ khí” chính để tấn công thị trường thành thị, nơi mà Walmart đang tỏ ra thất thế so với các đối thủ hiện đại mới nổi.
Sự kiện này nối tiếp một loạt thương vụ thâu tóm của Walmart, nổi bật là hai nhãn hiệu thời trang cực kỳ trẻ trung là Bonobos và Modcloth. Nhiều chuyên gia không khỏi băn khoăn liệu hai nhãn hiệu dành cho giới trẻ thành thị này liệu có phù hợp khi được bán tại chuỗi siêu thị “giá rẻ” bậc nhất nước Mỹ hay không. Nhưng với Jet.com, đây là sẽ là một bộ ba cực kỳ tương hợp.
Ông hoàng bán lẻ sẽ sử dụng vũ khí “hiện đại” Jet.com của mình để nhắm vào thị trường tại New York, Chicago, Boston và các thành phố lớn khác, và song song đó duy trì sự thống trị của mình với hơn 4.700 cửa hàng ở các thành phố nhỏ hơn và thị trường ngoại ô.
Gần đây nhất, Amazon cũng có một động thái táo bạo không kém là thu mua lại chuỗi siêu thị Whole Foods để lấn sâu vào thị trường bách hóa tại các thành phố lớn.