Gần một tuần nay, Hữu Vinh (Hà Nội) dần quen với việc điện thoại của anh tự động chuyển đổi qua lại giữa Wi-Fi và 4G tại nhà. Đường truyền Internet cố định được anh mua với gói băng thông 100 Mbps, nhưng hiện hoạt động chập chờn, tốc độ đo được bằng Speedtest chưa đến 10 Mps. Mạng 4G, theo đánh giá của anh, duy trì kết nối ổn định hơn, đủ để lướt web đọc báo hay vào mạng xã hội.
"Tôi đang tham gia một khóa học online buổi tối, nhưng liên tục bị ngắt kết nối. Đổi sang 4G thì không biết đăng ký bao nhiêu GB cho đủ", Vinh nói.
Đức Tiến, chủ cửa hàng máy tính tại Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết mạng chậm nhất vào cuối tháng 1. Sang tháng 2, tình trạng "có cải thiện", nhưng tốc độ hiện tại cũng chỉ bằng 1/3 trước đây.
Tình trạng kết nối Internet chậm diễn ra trong bối cảnh bốn trên năm tuyến cáp quang biển kết nối Việt Nam đi thế giới gặp sự cố. Cụ thể, tuyến AAG và APG mất toàn bộ dung lượng sau sự cố vào 11/12/2022. APG sau đó gặp thêm hai sự cố khác và đều chưa có lịch khắc phục. Tuyến AAE-1 mất theo hướng đi Hong Kong từ ngày 24/11/2022. Đến ngày 28/1, thêm tuyến IA gián đoạn ở hướng đi Singapore.
Tuyến cáp quang biển duy nhất còn nguyên vẹn là SMW3, nhưng lại là tuyến cáp cũ, dung lượng khả dụng thấp và không đóng góp nhiều cho đường truyền Internet đi quốc tế của Việt Nam.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), đánh giá việc bốn tuyến gặp sự cố đồng thời khiến các nhà mạng chỉ có thể thác được một phần nhỏ trong hệ thống cáp quang biển kết nối quốc tế.
"Chất lượng Internet trong vài tuần sẽ có hiện tượng chập chờn, chậm cục bộ một số đích và dịch vụ. Lý do là nhà mạng cần thời gian để bổ sung bù đắp phần dung lượng bị mất, cũng như do chuyển hướng nên độ trễ đến nhiều đích bị tăng lên, làm tốc độ truy cập giảm", ông Bình nói.
Theo đại diện VIA, sự cố xảy ra với nhiều tuyến cáp, lại đúng kỳ nghỉ lễ khiến việc đảm bảo chất lượng là thách thức với nhà mạng. Giải pháp chính được đưa ra là mua dung lượng Internet qua hệ thống cáp trên đất liền, kết nối qua phía Bắc cũng như phía Tây Nam Việt Nam.
VNPT cho biết đã chủ động thực hiện phương án ứng cứu để đảm bảo kết nối Internet quốc tế, như chia sẻ tải giữa các link quốc tế, làm việc với các dịch vụ như Facebook, TikTok, YouTube để tối ưu lưu lượng theo các hướng cáp, mở ứng cứu bổ sung tài nguyên cáp đất. Nhà mạng khẳng định một số dịch vụ như mạng xã hội, giao dịch chứng khoán tài chính, bảo hiểm, ngân hàng "có thể sử dụng và trải nghiệm gần như bình thường", đồng thời đảm bảo chất lượng của dịch vụ Internet di động.
Viettel cũng cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố đã nhanh chóng lên phương án định tuyến, điều tiết dung lượng trên các hướng cáp biển còn lại và cáp đất liền; đồng thời mua bổ sung dung lượng ứng cứu nhằm đảm bảo tốt nhất chất lượng dịch vụ. Đo thực tế bằng công cụ Speedtest, tốc độ nhà mạng này gần đạt mức trung bình so với trước.
Tuy nhiên, hầu hết biện pháp ứng phó kể trên chỉ là tạm thời. Cả hai nhà mạng này đều cho biết bên đối tác chưa cung cấp thời gian cụ thể cho việc sửa cáp quang biển.
Thực tế, nhiều người dùng phản ánh vẫn chưa thể kết nối Internet một cách bình thường. Theo khảo sát của VnExpress từ 30/1, tức sau khi các nhà mạng đã bắt đầu triển khai các phương án ứng cứu, 95% trong số 12,6 nghìn người tham gia khẳng định tốc độ mạng chậm hơn, chỉ 4% không thấy khác biệt và 1% thấy mạng nhanh hơn.
Theo đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam, các nhà mạng đã chủ động, tích cực ứng phó, nhưng sự cố hy hữu, dung lượng bị mất rất lớn, nên đến nay cũng chưa bù đắp được hết. Vấn đề cũng không chỉ ảnh hưởng tới Việt Nam mà cả những nước kết nối vào tuyến cáp, nhưng tác động có thể không đáng kể. "Ví dụ Singapore có hàng chục tuyến cáp kết nối và là trạm trung chuyển khu vực và quốc tế, nên đứt 1-2 tuyến không ảnh hưởng nhiều", ông nói.
Theo ông, sự cố cáp quang biển thời gian qua đặt câu hỏi về việc Việt Nam cần bổ sung, đa dạng hóa cáp biển cả về số lượng cũng như hướng đi, trạm cập bờ, nhằm có được chất lượng ổn định hơn. "Internet giờ không còn được coi là dịch vụ viễn thông, mà là thành phần quan trọng của hạ tầng nền kinh tế số", ông nhận định.
Theo thống kê của Speedtest tháng 12/2022, tốc độ Internet băng rộng cố định tại Việt Nam đạt 82 Mb/giây, đứng thứ 46 thế giới, còn Internet di động đạt 42 Mb/giây, đứng thứ 51. Thống kê riêng Việt Nam vào quý IV/2022, Viettel là nhà mạng có tốc độ cao nhất về cố định và di động, trong khi nhà mạng cố định có độ trễ thấp nhất FPT Telecom, di động là VinaPhone.