Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 11 và 11 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê, hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 11 tiếp tục xu hướng tích cực docác doanh nghiệp đang đẩy mạnh sản xuất chuẩn bị hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cuối năm.
Ước tính, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 tăng tăng 2,3% so với tháng 10 và tăng 8,9% so với tháng 11/2023. Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất ngành chế biến, chế tạo tăng 11,2%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,5%, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,7%, ngành khai khoáng giảm 9,8%.
Bình quân 11 tháng năm nay, IIP ước tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,9%).
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo đóng góp 8,5 điểm % vào mức tăng chung với tốc độ tăng 9,7%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,2%, đóng góp 0,9 điểm %; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,6%, đóng góp 0,2 điểm %; ngành khai khoáng giảm 7,3%, làm giảm 1,2 điểm %.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 11 tháng đầu năm, một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II ghi nhận IIP tăng cao so với cùng kỳ năm trước, như: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 25,6%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 24,7%; sản xuất xe có động cơ tăng 18,3%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 14,5%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 13,4%...
Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành tăng thấp hoặc giảm, như: Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 12,2%; khai thác than cứng và than non giảm 5,3%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 0,6%; sản xuất đồ uống tăng 0,8%...
So với cùng kỳ năm 2023, IIP 11 tháng năm nay tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện; ngành khai khoáng tăng cao.
Trong những địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 11 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, Phú Thọ là tỉnh duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng trên 40%. Theo sau đó lần lượt là: Lai Châu, Bắc Giang và Thanh Hóa.
Địa phương có chỉ số sản xuất của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao là: Khánh Hoà, Điện Biên, Cao Bằng, Trà Vinh, Lai Châu và Sơn La.
Địa phương có chỉ số sản xuất của ngành khai khoảng tăng cao gồm: Cao Bằng tăng 27,0%; Thanh Hóa tăng 13,6%; Quảng Nam tăng 11,2%.
Bên cạnh đó, một số địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 11 tháng đầu năm tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước, như: Đắk Nông tăng 3,1%; Quảng Trị tăng 3,0%; Hà Tĩnh giảm 4,8%; Gia Lai giảm 1,1%; Quảng Ngãi giảm 0,9%.
Một số địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ gồm: Quảng Trị tăng 3,0%; Bạc Liêu tăng 2,2%; Lạng Sơn giảm 14,8%; Quảng Ngãi giảm 5,8%; Gia Lai giảm 4,8%; Lâm Đồng giảm 3,9%.
Tổng cục Thống kê cho biết thêm, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/11 tăng 0,7% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 4,4% so với cùng thời điểm năm trước.
Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,1% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 0,1% so với cùng thời điểm năm trước, doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 2,7% so với năm trước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 5,3% so với năm trước.