Doanh nghiệp

Chỉ DN quản trị tốt mới được trả giá cao 10-20%, lãnh đạo HSC, PAN Group, Deloitte… nói bí quyết “vừa giỏi vừa ngoan” khi Việt Nam đang ở dưới mức trung bình về quản trị công ty

Năm 2024 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc nâng cao chất lượng Quản trị Công ty (QTCT) tại Việt Nam. Khi các yêu cầu về QTCT ngày càng gia tăng, việc đầu tư vào quản trị hiệu quả gắn với ESG không chỉ là lựa chọn mà đã trở thành nhu cầu quan trọng đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết và các công ty đại chúng.

Hiện nay, các nhà đầu tư, đặc biệt là các quỹ đầu tư quốc tế, đang tập trung và dịch chuyển các khoản đầu tư bền vững vào những doanh nghiệp thực thi QTCT gắn với đo lường mức độ tạo tác động đến môi trường và xã hội. QTCT được đánh giá là một kênh rất quan trọng để dẫn vốn vào thị trường, vào doanh nghiệp.

“Tuy nhiên, mặt bằng QTCT nói chung và QTCT gắn với ESG của Việt Nam hiện nay đang ở cấp độ thấp nhất trong 6 nước ASEAN, và thấp hơn mức độ trung bình trong đánh giá”, chia sẻ đáng chú ý tại vừa tổ chức diễn đàn thường niên lần thứ 7 của Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD), với chủ đề “Đầu tư vào Quản trị Công ty: Chiến lược Thu hút Nhà đầu tư có trách nhiệm trong Xu thế Quốc tế hóa thị trường”.

Chỉ có những công ty quản trị tốt mới gọi vốn được và gọi được giá cao

Tham gia chia sẻ tại sự kiện, ông Vũ Quang Thịnh - Giám đốc điều hành, Công ty Quản lý Quỹ Dynam Capital, dẫn chứng trên thế giới, trong vòng 20 năm qua các nhà đầu tư đã nói về quản trị rất nhiều. “ Nếu trước đây, doanh nghiệp, nhà đầu tư chỉ quan tâm tài chính, lợi nhuận… thì nay họ quan tâm nhiều hơn vào việc đầu tư có trách nhiệm. Thế giới cũng chứng kiến nhóm các nhà đầu tư trách nhiệm gia tăng mạnh ”, ông Thịnh nói.

Theo một nghiên cứu, ông Thịnh cho biết thêm, quy mô thị trường kinh doanh có trách nhiệm hiện vào mức hàng trăm ngàn tỷ USD. Trong khi nỗi sợ hãi lớn nhất của nhà đầu tư là mất tiền, nên việc làm thế nào để cải thiện yếu tố quản trị trong doanh nghiập ngày càng được ưu tiên.

Dưới góc nhìn công ty chứng khoán, Tổng Giám đốc Chứng khoán HSC – ông Trịnh Hoài Giang – đồng tình, ông cho rằng đúng là các nhà đầu tư ngày nay thay vì quan tâm nhiều về tài chính, thì họ quan tâm nhiều hơn về mặt phi tài chính. Phi tài chính ở đây, theo ông Giang ngoài các vấn đề liên quan pháp lý… thì họ nói rất nhiều về quản trị doanh nghiệp.

Tôi thấy để có được một thương vụ thành công và giá cao, thì chỉ có những công ty nào có quản trị tốt mới đạt được”, ông Giang nói. Đơn cử ở lĩnh vực tài chính, một Ngân hàng TMCP vừa chốt được “deal” với giá cao gấp 20 lần EBITDA.

Do đó, theo đại diện HSC, doanh nghiệp ngày nay cần tập trung vào 5 vấn đề chính: quản trị rủi ro, minh bạch, quản lý về xung đột lợi ích và hơn hết là việc áp dụng thực tiễn . “Chủ doanh nghiệp phải có cái nhìn toàn diện nhiều khía cạnh, không chỉ lợi nhuận, lợi ích cho cổ đông mà phải bao gồm cả tác động đến môi trường, tác động xã hội…. ”, ông Giang nhấn mạnh.

Vị này cũng ví von, nếu doanh nghiệp được ví như một anh học sinh, thì anh học sinh đó phải giỏi và ngoan. Giỏi tức tăng trưởng và phát triển, còn ngoan là phải có phát triển bền vững.

CEO PAN nói về nguy cơ về nạn đói 2050 và tầm quan trọng của quản trị

Chỉ DN quản trị tốt mới được trả giá cao 10-20%, lãnh đạo HSC, PAN Group, Deloitte… nói bí quyết “vừa giỏi vừa ngoan” khi Việt Nam đang ở dưới mức trung bình về quản trị công ty- Ảnh 1.

Ảnh: Các bên chia sẻ về cách quản trị công ty.

Là một trong những Tập đoàn nông nghiệp lớn tại Việt Nam, góc nhìn của CEO Tập đoàn PAN – Nguyễn Thị Trà My – mở đầu chia sẻ với một dự báo đến năm 2050, nạn đói có thể xảy ra. “ An ninh lương thực là vấn đề vô cùng quan trọng, đặc biệt khi Việt Nam được coi như bếp ăn của thế giới. Là một doanh nghiệp, tập đoàn đứng đầu trong ngành nông nghiệp, chúng tôi nhận thấy sứ mệnh của mình ”, bà nói.

Cũng theo bà My, thế giới hiện nay đang thay đổi rất nhanh, các rủi ro địa chính trị và sự phát triển nhanh về công nghệ, AI đã làm cho mọi thứ trở nên khó đoán định. Ngoài các rủi ro nói trên, ngành nông nghiệp – thực phẩm của chúng tôi còn có thêm rủi ro về biến đổi khí hậu.

“Chúng tôi không mơ ước cao xa như Elon Musk, thiết kế tàu vũ trụ đưa con người lên mặt Trăng. Tập đoàn PAN có 11.000 nhân viên với hơn 10 công ty thành viên, đa phần là công ty niêm yết , do đó bài toán khó của chúng tôi là quản trị. Và khái niệm quản trị công ty là cách 1 công ty được định hướng và kiểm soát ”, CEO PAN nhấn mạnh.

Trong đó, điểm khác biệt nhất theo bà My là sự đa dạng về lĩnh vực, kinh nghiệm, lứa tuổi U40-80 và cả giới tính. Đặc biệt, trong cơ cấu HĐQT công ty mẹ, nữ giới chiếm tỷ trọng 44%. Trong khi, báo cáo của HOSE cho biết chưa tới 10% số công ty niêm yết hiện nay có ít nhất 1/3 số thành viên HĐQT là nữ. Do đó, làm thế nào để quản trị công ty tốt trong một bức tranh nhiều màu với PAN cần nhất là sự đổi mới sáng tạo và quản trị rủi ro.  Đây là “combo” mà lãnh đạo PAN luôn luôn đau đáu.

Theo bà My, hàng năm, PAN có giải thưởng The PAN Group Innovation Awards, năm 2024 Tập đoàn có hơn 560 sáng kiến được áp dụng, trong đó có 10 sáng kiến được vinh danh và trao thưởng. Chưa kể, giữa thế giới đầy biến động, PAN cũng nghiên cứu phát triển sản phẩm mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. PAN đã nghiên cứu ra những giống lúa chịu mặn, chịu ngập, chịu nóng và cứng cáp, có thể sống sót qua bão gió....

Nhìn chung, quản trị công ty đang là một trong những yếu tố quan trọng hiện nay. Theo McKinsey và World Bank, các công ty có chất lượng quản trị tốt sẽ được định giá cao hơn 10-20% và có chi phí vốn thấp hơn 10-15% khi gọi vốn. Điều này minh chứng cho việc quản trị công ty tốt không phải là điều kiện cần, mà là điều kiện sống còn.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm