Huyết áp bất thường: nguy hiểm không phân biệt cao hay thấp
Theo ThS.BS Nguyễn Hiền Minh - Giám đốc Y khoa Hệ thống Nhà thuốc Pharmacity - huyết áp bất thường, dù tăng hay giảm đều ảnh hưởng lớn tới sức khỏe. Tuy nhiên, khi xét về gánh nặng bệnh tật, tăng huyết áp vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy mỗi năm có hơn 10 triệu người tử vong do các biến chứng liên quan đến tăng huyết áp.

Huyết áp bất thường dù ở tình trạng huyết áp tăng hay huyết áp thấp đều có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm (Ảnh: Pharmacity).
Riêng tại Việt Nam, thống kê từ Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, có khoảng 17 triệu người trưởng thành bị tăng huyết áp, tương đương gần 25% dân số. Đáng lo ngại, hơn một nửa trong số này chưa được phát hiện bệnh, và chỉ khoảng 30% người bệnh kiểm soát huyết áp tốt. Đây chính là nguyên nhân lớn gây ra các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, nhồi máu cơ tim và suy thận.
Trong khi đó, huyết áp thấp tuy ít được quan tâm hơn nhưng cũng không an toàn. Huyết áp thấp được xác định khi chỉ số huyết áp tâm thu dưới 90 mmHg hoặc khi huyết áp giảm đột ngột từ 20 mmHg trở lên so với mức bình thường. Biểu hiện của tình trạng này là chóng mặt, hoa mắt, ngất xỉu. Đặc biệt nguy hiểm với người cao tuổi do nguy cơ té ngã, chấn thương não hoặc gãy xương.
"Dù được đánh giá là ít nguy hiểm hơn tăng huyết áp nhưng huyết áp thấp cũng có thể dẫn đến những biến chứng, nhất là ở người lớn tuổi và người trẻ có các bệnh lý nền. Các trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến sốc, suy đa cơ quan nếu không xử lý kịp thời", ThS.BS Hiền Minh cảnh báo.
Chủ động theo dõi, phát hiện sớm các vấn đề về huyết áp
ThS.BS Nguyễn Hiền Minh khuyến cáo người dân cần chủ động theo dõi huyết áp mỗi ngày để phát hiện sớm bất thường, kịp thời điều chỉnh. Không nên chờ đến khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu rõ ràng mới bắt đầu quan tâm. Đặc biệt đối với những người đang mắc các bệnh liên quan đến tim mạch, tuyệt đối không tự ý thay đổi liều lượng thuốc huyết áp mà không có chỉ định của bác sĩ.
Theo BS Minh, để tự theo dõi tại nhà hiệu quả, người dân nên đo huyết áp vào thời gian cố định (sáng sau khi thức dậy và tối trước khi đi ngủ). Cần ghi chép cẩn thận kết quả ít nhất trong 30 ngày để giúp bác sĩ dễ dàng đánh giá sức khỏe. Đặc biệt, không nên vận động mạnh, ăn no hoặc sử dụng các chất kích thích như cà phê, trà đặc, thuốc lá trước khi đo.
"Với những người có chỉ số huyết áp dao động bất thường, lúc cao lúc thấp, thường xuyên gặp tình trạng hoa mắt, chóng mặt, việc đo huyết áp thường xuyên và lưu lại thông tin này sẽ giúp bác sĩ đánh giá chính xác hơn tình trạng bệnh, từ đó đưa ra hướng điều trị phù hợp," bác sĩ Minh lưu ý.

Đội ngũ dược sĩ của Pharmacity đo huyết áp cho người dân trong chương trình "Doctor Tour - Ngày hội sức khỏe" tại UBND phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước (Ảnh: Pharmacity).
Thay đổi thói quen nhỏ, bảo vệ sức khỏe lâu dài
Bên cạnh việc theo dõi huyết áp thường xuyên, mỗi người cần lưu ý những thói quen sinh hoạt hằng ngày để phòng ngừa bệnh lý huyết áp. Tránh thay đổi tư thế đột ngột, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế muối (dưới 5g/ngày theo WHO), uống đủ nước, bổ sung rau quả tươi giàu kali, magie như chuối, cam, cà chua, táo. Đặc biệt, không sử dụng các chất kích thích như cà phê, rượu bia và thuốc lá.
Chủ động bảo vệ sức khỏe ngay từ bây giờ là cách tốt nhất để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch, cải thiện chất lượng sống lâu dài cho bản thân và gia đình.