Thời sự

Huyện lên quận ở Hà Nội: Sẽ có những phường vẫn cấy lúa

Xã Lệ Chi đến nay vẫn là xã thuần nông, trong đó đất trồng lúa chiếm tỷ trọng lớn

Dựa theo tình hình thực tế, Sở KH&ĐT Hà Nội dự kiến đến năm 2025 sẽ có 2 huyện có khả năng hoàn thành đề án là huyện Đông Anh và huyện Gia Lâm; 3 huyện còn lại là Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng sẽ rà soát, xem xét điều chỉnh giãn tiến độ với lộ trình phù hợp.

Là một trong hai huyện sắp lên quận vào năm 2023 nhưng Gia Lâm vẫn còn một số xã làm nông nghiệp thuần túy. Bà Bắc (thôn Chi Đông, xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm) cho biết, gia đình bà hiện có 5 người. Trong đó ngoài đứa cháu vẫn còn đang đi học, cả nhà vẫn đang làm lúa thuần túy. Từ năm 2015, xã thực hiện xong dồn điền đổi thửa, có làm quy hoạch chuyển đổi trồng cây màu nhưng không phù hợp với điều kiện bà con. Do đó, gia đình vẫn cấy một năm 2 vụ, xen canh trồng thêm lạc, đỗ để tăng thu nhập. Hai con của bà Bắc đang làm ở một công ty địa phương nhưng hết giờ làm vẫn về để phụ giúp gia đình cấy lúa. Về việc năm sau có thể xã được lên phường, bà Bắc nói: “Lên phường cũng chỉ là đổi tên, dân ở thôn vẫn trồng lúa, chăn nuôi là chủ yếu, cũng không có thay đổi gì”.

Lãnh đạo UBND xã Lệ Chi cho biết, xã vẫn đang thực hiện mục tiêu lên phường theo Đề án huyện lên quận đã đề ra. Hiện xã vẫn còn 415ha đất nông nghiệp, trong đó có hơn 100ha đất cấy lúa.

Tỷ lệ trồng lúa, nông nghiệp cao cũng có tại các xã Trung Màu, Văn Đức thuộc huyện Gia Lâm.

Là nơi tập trung nhiều làng nghề, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh lại vướng phải nỗi lo về ô nhiễm môi trường do nước thải xả từ các cơ sở sản xuất. Những năm qua, UBND xã Tiên Dương vận động người dân, doanh nghiệp đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại các hộ gia đình, doanh nghiệp; đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng để tổ chức đấu giá các khu đất xen kẹt, tăng nguồn thu cho ngân sách.

Khó khăn tìm nguồn lực

Lãnh đạo UBND huyện Gia Lâm cho biết, Gia Lâm đã đạt 26/27 tiêu chí thành lập quận. Huyện đã xây dựng, triển khai Kế hoạch “Xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và đầu tư, xây dựng huyện Gia Lâm trở thành quận, giai đoạn 2021 - 2025”, phấn đấu trong năm 2022 có 8 xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao và 3 xã đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.

Huyện đã chủ động báo cáo đề xuất với Ban Chỉ đạo và UBND thành phố Hà Nội về các nhiệm vụ, giải pháp, đề xuất, kiến nghị để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt đầu tư hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt; tập trung triển khai Kế hoạch xây dựng Đề án thành lập quận và các phường thuộc quận theo chỉ đạo của thành phố.

Ðối với đề xuất của UBND thành phố Hà Nội về việc xây dựng, quy hoạch vùng huyện Ðông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh thành thành phố trong 5 năm tới, các chuyên gia cho rằng các tiêu chí thành phố sẽ “dễ thở” hơn so với lên quận, cơ bản các huyện đều có thể đạt. Tuy nhiên cũng có áp lực lớn khi các huyện này sẽ phải đóng góp cho ngân sách Trung ương, kèm theo các chi phí nâng cấp, đầu tư đường sá, hạ tầng, thiết chế văn hóa...

Tại huyện Đông Anh, đối với bộ tiêu chí xây dựng xã, thị trấn thành phường, trong 6 tháng đầu năm 2022, các xã đã đạt thêm 77 chỉ tiêu, nâng tổng số xã hoàn thành 15 tiêu chí lên 14 trong tổng số 24 đơn vị của huyện. Bên cạnh đó, huyện tập trung xây dựng nông thôn mới, phấn đấu năm 2022 có thêm từ 6-8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và một xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là cơ sở thuận lợi để tháng 9, huyện hoàn thành dự thảo Đề án thành lập quận, thành lập các phường, tháng 11 tổ chức họp hội đồng nhân dân cấp xã, cấp huyện và tháng 12 sẽ trình thành phố.

Theo đại diện UBND huyện Đông Anh, nguồn lực thực hiện các dự án gặp nhiều khó khăn. Để có nguồn lực đầu tư các dự án, huyện sẽ đẩy mạnh thu thuế, phí, lệ phí và các khoản nợ đọng; đấu giá, đấu thầu các ô đất, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án, đồ án quy hoạch các điểm dân cư.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm