UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch Triển khai thực hiện Đề án đầu tư, xây dựng phát triển 5 huyện (Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng) thành quận.
Trong đó, Hoài Đức chủ động phối hợp với các sở ngành, cung cấp hồ sơ, số liệu phục vụ việc đánh giá tiêu chí; xây dựng các giải pháp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêu chí chưa đạt để trình Thường vụ Quốc hội phê duyệt đề án thành lập quận vào quý IV/2025.
Nằm ở ngoại thành Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 16km, huyện Hoài Đức có phía Bắc giáp huyện Đan Phượng, phía Tây giáp huyện Quốc Oai và huyện Phúc Thọ với ranh giới là sông Đáy, phía Nam giáp quận Hà Đông, và phía Đông giáp quận Nam Từ Liêm và quận Bắc Từ Liêm.
Quận Hoài Đức được thành lập trên cơ sở giữ nguyên trạng diện tích tự nhiên gần 85 km2, dân số 291.450 người và 20 xã, thị trấn hiện có.
Theo UBND huyện, đến nay đã đạt 27/31 tiêu chí, còn 4 tiêu chí chưa đạt là: Cân đối thu chi ngân sách (đạt khoảng 64%), trường trung học phổ thông đạt chuẩn Quốc gia, tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật, công trình xanh. Vì vậy, huyện đang “tăng tốc” để về đích trở thành quận trong thời gian sớm nhất.
Đặc biệt, trong năm 2024, Hoài Đức sẽ có đột phá trong thực hiện công tác quy hoạch, quan tâm phát triển hạ tầng đô thị, trung tâm thương mại lớn, khu công nghiệp, hệ thống giao thông đồng bộ, khớp nối… để thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn, nhằm sớm hoàn thiện các tiêu chí quận.
Ưu tiên cho các dự án quan trọng
Về hạ tầng giao thông, huyện Hoài Đức dành nguồn lực ưu tiên cho các dự án quan trọng, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2023 - 2024 như đường Liên khu vực 1; đường Liên khu vực 8; đường Lại Yên - Vân Canh; đường ĐH 02; đường Liên khu vực 6.
Các tuyến đường lớn kết nối trực tiếp Hoài Đức với khu trung tâm Mỹ Đình và khu vực nội đô cũng được mở rộng, xây dựng với tổng vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, tuyến đường Tây Thăng Long kết nối khu Tây Hồ với huyện Hoài Đức, Đan Phượng chạy song song quốc lộ 32; đường vành đai 3,5 kết nối từ Nhổn tới Đại lộ Thăng Long chạy qua huyện Hoài Đức; cung đường Trịnh Văn Bô kéo dài kết nối giữa Hoài Đức với Nam Từ Liêm và đường Vành đai 3; tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội…
Cũng tại huyện Hoài Đức, năm 2023 đã khởi công đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô. Dự án có tổng vốn đầu tư 86.000 tỷ đồng, đi qua nhiều địa bàn thuộc 3 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Trong đó, phần dự án đi qua huyện Hoài Đức có chiều dài khoảng 17km, thời gian thi công dự kiến là 3 năm.
HĐND TP. Hà Nội vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng tuyến đường liên khu vực 5 (đoạn từ đường tỉnh lộ 422 đến đường Kim Chung - Di Trạch), huyện Hoài Đức. Đây là dự án nhóm B với tổng mức đầu tư dự kiến là 125 tỷ đồng (sử dụng ngân sách huyện Hoài Đức).
Khi hoàn thành tuyến đường sẽ kết nối với Dự án Xây dựng mới bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức. Hơn nữa, tuyến đường sẽ kết nối được 2 trục đường chính trên địa bàn là đường tỉnh 422 và đường Vành đai 3,5.
Ngoài các dự án về hạ tầng giao thông, tại Hoài Đức, các trung tâm thương mại, dịch vụ trong các khu đô thị cũng được đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Điển hình, dự án cảng nội địa ICD Mỹ Đình được xây dựng tại xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, có diện tích khoảng 23 ha, được kỳ vọng là địa điểm thông quan mới cho các doanh nghiệp với đầy đủ hệ thống kho bãi tiêu chuẩn.
Liên quan đến tiêu chí nước thải đô thị chưa đạt được, huyện Hoài Đức cũng đẩy mạnh rà soát, đốc thúc hoàn tất quá trình xây dựng, đảm bảo tiến độ các dự án nhà máy xử lý nước thải.
Điển hình là dự án nhà máy xử lý nước thải xã Sơn Đồng, được xây dựng trên diện tích 5.000m2 với tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng; dự án nhà máy xử lý nước thải Vân Canh được thành phố giao làm chủ đầu tư; các trạm xử lý nước thải cục bộ và hệ thống thu gom tại các xã vùng bãi như: Đông La, Vân Côn, Yên Sở, Song Phương, Cát Quế… và tại các khu đô thị.
Mặt khác, huyện Hoài Đức cũng đề nghị UBND thành phố triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư, thi công xây dựng nhà máy xử lý nước thải Lại Yên, nhà máy xử lý nước thải tại khu vực Nam An Khánh.
Thu hút nhiều "ông lớn" trong lĩnh vực bất động sản
Không chỉ thu hút các các dự án hạ tầng giao thông, Hoài Đức đã thu hút đầu tư của nhiều tập đoàn bất động sản với các dự án chung cư, khu đô thị được đầu tư quy mô, bài bản góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội nơi đây.The Wisteria thuộc đại dự án khu đô thị Hinode Royal Park (xã Kim Chung và xã Di Trạch) với tổng vốn đầu tư 41.248 tỷ đồng, do Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng (WTO) làm chủ đầu tư. Dự án được xây dựng trên khu vực rộng hơn 1,6ha, gồm 3 tòa tháp cao 25 tầng nổi và 2 tầng hầm, cung cấp 840 căn hộ.
Khu đô thị Vinhomes Thăng Long tọa lạc bên trong khu đô thị Nam An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư.
Theo thiết kế, các biệt thự Thăng Long được xây dựng với tổng diện tích khoảng 26 ha, hồ điều hòa rộng 10 ha, đất cây xanh 2,5 ha, mật độ xây dựng chưa tới 30%.
Khu đô thị An Lạc Green Symphony tọa lạc tại xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội do Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Lạc làm chủ đầu tư. Đây là dự án khu đô thị mới bao gồm nhiều chức năng, trong đó có những chức năng đặc biệt như cơ sở y tế, giáo dục đào tạo…
Ngoài ra, Hoài Đức cũng có nhiều dự án khu đô thị khác gồm: Khu đô thị Geleximco An Khánh (135 ha, 3.000 tỷ đồng) tại xã An Khánh; Khu đô thị The Phoenix Garden (45ha, 1.400 tỷ đồng) tại thị trấn Phùng, Đan Phượng; và Khu đô thị Vườn Cam (45.6 ha; 3.000 tỷ đồng) tại Vân Canh.