Thị trường chứng khoán liên tục gặp phải lực cản mạnh quanh vùng đỉnh khiến rung lắc diễn liên tục với biên độ lớn. Phần lớn các nhóm ngành đều chịu áp lực bán khá mạnh tuy nhiên cổ phiếu Phân bón vẫn "sống khỏe", thậm chí đi ngược thị trường với sắc xanh phủ rộng. DPM, DCM, BFC, LAS, VAF, PMB,... đều đồng loạt tăng mạnh thu hút dòng tiền.
Thực tế, sóng ngành Phân bón đã bắt đầu từ cuối tháng 1/2022 khi các cổ phiếu nhóm này liên tục bứt phá với nhiều phiên tăng nóng. Trong 2 tháng trở lại đây, các cổ phiếu như DPM (+80%), DCM (+75%), BFC (+65%), LAS (+52%), PMB (+38%), VAF (+44%),... đều tăng vượt trội so với nhiều nhóm ngành khác và VN-Index trong cùng thời kỳ.
Cổ phiếu Phân bón bứt phá mạnh
Diễn biến khởi sắc của cổ phiếu Phân bón được hỗ trợ bởi các thông tin tích cực cả về giá và sản lượng xuất khẩu. Hai yếu tố này được dự báo sẽ thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp phân bón trong thời gian tới.
Theo Tổng cục Hải quan, lượng phân bón xuất khẩu của cả nước tính từ đầu năm 2022 đến hết 15/3 đạt 395.222 tấn (tăng mạnh 53,8% so với cùng kỳ), thu về gần 264,8 triệu USD. Trước đó trong năm 2021, xuất khẩu phân bón cả nước cũng đạt kỷ lục về lượng với hơn 1,35 triệu tấn (tăng 16,4% so với cùng kỳ), thu về 559,35 triệu USD (tăng 64,2% so với năm 2020).
Về giá, chỉ số giá phân bón ở Bắc Mỹ trên kênh Green Markets của Bloomberg trong tuần kết thúc vào ngày 18/3 là 1.248 USD/tấn, so với mức 1.138 USD/tấn trong tuần trước đó, tăng gần 10%. So với một tháng trước, khi chiến sự tại Ukraine nổ ra, giá mặt hàng này tăng 40% và là mức cao nhất lịch sử.
Diễn biến chỉ số giá phân bón ở Bắc Mỹ. Nguồn: Bloomberg
Diễn tiến của thị trường phân bón thế giới có sự phụ thuộc rất lớn vào Nga vì nước này xuất khẩu phân bón nhiều hàng đầu thế giới. Báo cáo mới đây của Mirae Asset cho biết nguồn dự trữ phân bón thế giới đang suy giảm có thể tạo áp lực tăng giá phân bón tiếp tục trong quý 2/2022. Áp lực nguồn cung phân bón trên thế giới tiếp tục gia tăng khi Nga chính thức ngừng xuất khẩu phân bón bên cạnh nhu cầu sản xuất lương thực cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu phân bón.
Theo Mordor Intelligence, ngành phân bón Việt Nam sẽ tăng trưởng 4,9% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2026 với kỳ vọng đến từ dự án mới và nhập khẩu. Biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp trong ngành có thể tăng mạnh khi kỳ vọng tăng trưởng giá bán sẽ cao hơn tăng trưởng chi phí đầu vào.
Đồng quan điểm, SSI Research cũng nhận định căng thẳng Nga-Ukraine có thể kéo dài tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên ở Châu Âu và tạo cơ hội đầu tư ngắn hạn cho các cổ phiếu phân bón của Việt Nam vốn có thể hưởng lợi từ giá bán Urê cao hơn. Giá Urê sẽ giảm với tốc độ chậm hơn từ mức đỉnh vào tháng 12/2021 do nguồn cung Urê ở châu Âu dự kiến sẽ thiếu hụt và nguồn cung Urê ở Trung Quốc tăng chậm và các hạn chế xuất khẩu đang diễn ra.
Theo ước tính của SSI Research, trong 6 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ (mã DPM) và Đạm Cà Mau (mã DCM) có thể đạt tăng trưởng ấn tượng nhờ mức giá Urê thấp trong 6 tháng đầu năm 2021 và giá xuất khẩu cao trong tháng 1/2022 (giá xuất khẩu được chốt ở mức cao trong tháng 12).
Mặt khác, bộ phận phân tích này cho rằng lợi nhuận 6 tháng cuối năm 2022 của DPM và DCM có thể giảm so với cùng kỳ với giả định rằng tình trạng thiếu than ở Trung Quốc sẽ giảm bớt và nông dân không thể tiếp tục chịu giá phân bón cao.
Dự phóng lợi nhuận DPM và DCM của SSI Research