Chứng khoán

HPG phá kỷ lục thanh khoản khi giá xuống đáy hai năm, khớp lệnh gần 82 triệu cổ phiếu một phiên

Kết phiên 1/11, VN-Index tăng 5,8 điểm lên gần 1.034 điểm, VN30-Index cũng tăng 1,1% lên 1.038 điểm. Các chỉ số của sàn HNX và UPCoM đều đóng cửa trong sắc xanh. Toàn thị trường có 529 mã xanh so với 361 mã giảm.

Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát đi ngược xu hướng chung khi mất 4,15% và kết phiên ở 15.000 đồng/cp. Biểu đồ bên dưới cho thấy đây là mức giá thấp nhất của cổ phiếu đầu ngành thép này kể từ tháng 10/2020. Vốn hóa của HPG giảm còn 91.000 tỷ đồng, ngày càng rời xa top 10 toàn thị trường.

HPG hiện đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 10/2020.

Thanh khoản của HPG tăng đột biến với 81,6 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, mức cao chưa từng thấy trong lịch sử cổ phiếu này. Tổng giá trị khớp lệnh của HPG hôm nay đạt 1.244 tỷ đồng.

Cổ phiếu Tập đoàn Hòa Phát dẫn đầu toàn thị trường cả về khối lượng cũng như giá trị giao dịch trong phiên đầu tháng 11.

HPG dẫn đầu về khối lượng giao dịch phiên 1/11/2022 với gần 82 triệu đơn vị khớp lệnh.

Phiên hôm qua (31/10), HPG cùng hàng loạt cổ phiếu khác giảm kịch sàn như HSG của Tập đoàn Hoa Sen, NKG của Thép Nam Kim, VGS của Thép Việt Đức, …

Sang phiên hôm nay, NKG mất thêm 4,8% và đi xuống cùng HPG. Trái lại, cổ phiếu HSG hồi phục 2,2%, VGS tăng 2%, POM vọt lên 5,5%.

Sau các phiên giảm sâu liên tiếp, HPG hiện kém mức đầu năm 2022 khoảng 57% và kém mức đỉnh lịch sử thiết lập tháng 10/2021 gần 66%.

 HPG dẫn đầu về giá trị giao dịch phiên đầu tháng 11/2022, bỏ xa các cổ phiếu đứng sau.

HPG nói riêng và cổ phiếu ngành thép nói chung diễn biến tiêu cực trong bối cảnh kết quả kinh doanh quý III sa sút nghiêm trọng. Tập đoàn Hòa Phát bất ngờ báo lỗ kỷ lục 1.786 tỷ đồng và đánh dấu quý thua lỗ đầu tiên trong 14 năm qua.

Về sản lượng tiêu thụ, Hòa Phát bán ra gần 1,1 triệu tấn thép xây dựng trong quý III, tăng trưởng hơn 12% so với cùng kỳ 2021. Tiêu thụ thép cuộn cán nóng đạt 611.000 tấn, tương đương quý III năm ngoái. Về thị phần, Hòa Phát vẫn đang dẫn đang dẫn đầu ở mặt hàng thép xây dựng và ống thép.

Hòa Phát gia tăng thị phần tiêu thụ thép xây dựng trong 9 tháng đầu 2022.

Tuy nhiên, giá bán thép giảm làm cho doanh thu đi xuống 12% so với cùng kỳ, cộng thêm việc chi phí đầu vào lên cao đã khiến cho lợi nhuận gộp chỉ còn 1.000 tỷ đồng, chưa bằng 1/10 cùng kỳ 2021.

Chi phí tài chính tăng vọt 138,5% lên 2.309 tỷ đồng, tức là cao gấp 2,3 lần lợi nhuận gộp, do lãi suất và tỷ giá USD đều tăng trong bối cảnh chính sách tiền tệ toàn cầu ngày càng thắt chặt.

Riêng chi phí lãi vay là 837 tỷ đồng, chiếm hơn 36% tổng chi phí tài chính trong kỳ và tăng 24% so với quý III năm ngoái. Lỗ chênh lệch tỷ giá (đã thực hiện cũng như chưa thực hiện) lên tới 1.414 tỷ đồng, cao gấp 5,6 lần cùng kỳ.

Trong tháng đầu tiên của quý IV, lãi suất và tỷ giá có xu hướng tăng còn mạnh hơn so với quý III. Vì vậy, thách thức tài chính của Hòa Phát trong quý cuối năm sẽ là không nhỏ.

Tập đoàn Hoa Sen, Thép Nam Kim, Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) cũng báo lỗ quý III cao kỷ lục do những diễn biến bất lợi của thị trường tiêu thụ và nguyên liệu đầu vào.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm