Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa gửi Chính phủ, Bộ Tài nguyên Môi trường văn bản đề nghị không ban hành bảng giá đất hàng năm (mỗi năm một lần) vì chưa hội đủ điều kiện thực hiện. Thay vào đó, HoREA cho rằng chỉ nên ban hành bảng giá đất định kỳ 3 năm hoặc 2 năm một lần. Điều này nhằm phù hợp với thực tiễn trình độ, năng lực của bộ máy hành chính, trang thiết bị công nghệ thông tin, phần mềm quản lý hiện nay.
Ngoài ra, hội này cho rằng nguyên nhân còn do trình tự, thủ tục xây dựng bảng giá đất định kỳ hiện quy định nhiều công đoạn và công việc rất chi tiết, phức tạp, mất nhiều thời gian. Cụ thể, hiện có 9 bước thủ tục để xây dựng bảng giá đất. Đây là khối lượng công việc đồ sộ và đầy thách thức kể cả khi ban hành bảng giá đất 5 năm một lần.
Kiến nghị của HoREA được đưa ra trong bối cảnh dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang được cơ quan soạn thảo là Bộ Tài nguyên và Môi trường xin ý kiến nhân dân. Dự luật bỏ quy định khung giá đất, chuyển sang xác định giá đất phù hợp với giá phổ biến trên thị trường. UBND cấp tỉnh xây dựng và trình HĐND cùng cấp thông qua bảng giá đất, hệ số điều chỉnh biến động giá trước khi ban hành.
Đề xuất bảng giá đất sẽ được xây dựng định kỳ hàng năm và công bố vào ngày 1/1 của năm. Trong thời gian thực hiện, khi giá đất phổ biến trên thị trường có biến động, UBND cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp.
Nói với VnExpress, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết với trình tự, thủ tục xây dựng bảng giá đất hiện nay, nếu quy định xây dựng hàng năm, cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện suốt năm bận rộn, loay hoay cho việc này và sẽ khó làm tròn nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn.
Bởi theo ông, Bộ Tài nguyên Môi trường tuy đã lập bản đồ giá đất cho hàng triệu thửa đất nhưng cơ sở dữ liệu đầu vào (bao gồm cả dữ liệu thuế) vẫn chưa đảm bảo tính chính xác và chưa được cập nhật kịp thời theo thời gian thực.
Ông Châu đánh giá, Việt Nam cần có cơ sở dữ liệu quốc gia về giá đất ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và Chat GPT được cập nhật theo thời gian thực kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư theo Đề án 06 liên thông đồng bộ, thống nhất với cơ sở dữ liệu lớn của quốc gia (Big Data) để hỗ trợ cho việc ban hành bảng giá đất. Song song đó, cần phải sửa đổi đồng bộ các quy định pháp luật, trước hết là Luật Thuế đi đôi với việc người dân tự giác khai đúng giá mua bán, chuyển nhượng nhà đất, mới đủ dữ liệu xây dựng được bản đồ giá đất đến từng thửa đất.
Chủ tịch HoREA nhận định, trí tuệ nhân tạo (AI), Chat GPT sẽ thay con người thực hiện khối lượng đồ sộ công việc khảo sát, so sánh, đối chiếu các số liệu chỉ trong tích tắc. Trên cơ sở đó, Nhà nước có thể biết rõ ngay chỉ số giá đất trung bình tại một khu vực bất kỳ được xác định bằng bình quân các mức giá giao dịch thực tế của loại đất có cùng mục đích sử dụng.
"Với sự giúp sức của công nghệ cao, Nhà nước có thể kiểm soát được giá bất động sản, giá đất 24/7 để xây dựng cơ chế chính sách hoặc có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả", ông Châu nói.
9 bước xây dựng bảng giá đất hiện nay
Đầu tiên là xác định loại đất, vị trí theo xã đồng bằng, trung du, miền núi và theo loại đô thị trên địa bàn đơn vị hành chính cấp tỉnh. Bước hai, điều tra, tổng hợp, phân tích thông tin giá đất thị trường, các yếu tố tự nhiên, kinh tế - xã hội, quản lý và sử dụng đất đai ảnh hưởng đến giá đất. Bước ba, phân tích, đánh giá kết quả thực hiện bảng giá đất hiện hành.
Bước bốn, xây dựng bảng giá đất và Tờ trình về việc ban hành; xử lý giá đất trong bảng giá đất tại khu vực giáp ranh theo quy định. Bước năm, tổ chức lấy ý kiến về dự thảo bảng giá đất. Bước sáu, hoàn thiện dự thảo bảng giá đất trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Bước bảy, thẩm định dự thảo bảng giá đất. Bước tám, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua bảng giá đất. Bước thứ chín, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định ban hành bảng giá đất.