
Trên thực tế, khi thực hiện chủ trương không tổ chức cấp huyện, 696 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 85 thành phố thuộc tỉnh cũng sẽ không còn tổ chức như hiện nay. Trong số 85 thành phố trực thuộc tỉnh, có một số mới được thành lập như Phú Mỹ (năm 2025), Hoa Lư (2025), Đông Triều (2024), Bến Cát (2024)... Bên cạnh đó, thành phố Thủy Nguyên (trực thuộc thành phố cấp trung ương Hải Phòng) được thành lập ngày 1/1/2025.
Trong số 85 thành phố trực thuộc tỉnh dự kiến sẽ dừng hoạt động từ ngày 1/7/2025 có TP Sầm Sơn, thuộc tỉnh Thanh Hóa.
Thành phố Sầm Sơn là thành phố trực thuộc tỉnh có diện tích nhỏ nhất Việt Nam, với diện tích 44,94km2. Đây chính là thành phố ven biển và được nâng cấp lên đô thị loại III vào tháng 4/2017.

Sầm Sơn là thành phố trực thuộc tỉnh có diện tích nhỏ nhất Việt Nam. Đây là một trong những điểm du lịch biển nổi tiếng của nước ta. Ảnh: NT
Sầm Sơn cách trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng 16 km. Phía Bắc của Sầm Sơn giáp huyện Hoằng Hóa với sông Mã là ranh giới tự nhiên, phía Nam và Tây giáp huyện Quảng Xương, phía Đông giáp Vịnh Bắc Bộ. Vị trí này không chỉ thuận lợi cho giao thông và kết nối vùng mà đồng thời còn tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ ngành du lịch biển.
Trên thực tế, Sầm Sơn được coi là một trong những điểm du lịch biển nổi tiếng của Việt Nam, khi thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm. Bới khoảng 13 km đường bờ biển cùng hệ thống hạ tầng được đầu được đầu tư đồng bộ, giao thông thuận lợi và hàng loạt sự kiện lễ hội được tổ chức dịp hè, Sầm Sơn được coi là điểm đến lý tưởng cho du khách.
Trong năm 2024, du lịch Sầm Sơn tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu của tỉnh Thanh Hóa, khi là điểm đến hấp dẫn, thân thiện và an toàn của du khách. Cụ thể, trong năm 2024, Sầm Sơn đã đón được 8,86 triệu lượt khách, bằng 109,3% so với cùng kỳ, đạt 104,3% so với kế hoạch. Tổng thu từ khách du lịch của thành phố nhỏ nhất cả nước đạt hơn 17.000 tỷ đồng, bằng 140,6% so với cùng kỳ năm trước đó, bằng 108,8% so với kế hoạch. Trong năm 2024, Sầm Sơn cũng đã tổ chức thành công nhiều chương trình, chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch và lễ hội lớn, thu hút được sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế.
Trong năm 2025, thành phố Sầm Sơn đặt mục tiêu đón được 9,68 triệu lượt khách và doanh thu từ du lịch ước đạt 21.000 tỷ đồng.
Thanh Hóa sẽ giảm gần 70% số lượng xã, phường hiện nay

Một góc trung tâm của thành phố Thanh Hóa hiện nay. Ảnh: TM
Ngày 19/4, ông Lại Thế Nguyên, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa, đã ký thông báo Kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hóa.
Theo đó, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa thống nhất chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh từ 547 xã, phường, thị trấn xuống còn 166 xã, phường (tức là giảm 381 đơn vị, tương ứng giảm 69,65% ).
Trong số đó, đơn vị hành chính cấp huyện có ít xã, phường nhất là thị xã Bỉm Sơn và TP Sầm Sơn, mỗi đơn vị có 2 xã mới được thành lập, thị xã Nghi Sơn là địa phương có số đơn vị hành chính cấp xã nhiều nhất, với 10 đơn vị.
Với việc đặt tên cho đơn vị hành chính sau sắp xếp, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa yêu cầu phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, cân nhắc thận trọng các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa. Cụ thể, ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành mới, đồng thời hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ, chỉ dẫn địa lý.
Hơn nữa, tên gọi của đơn vị hành chính mới cần dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học và phát huy được lợi thế so sánh của địa phương, phù hợp với xu thế hội nhập.