Tài chính

Hơn 130 triệu USD đầu tư, hàng trăm nghị sĩ đắc cử: Canh bạc thắng lớn của tiền số trong cuộc bầu cử Mỹ

TIN MỚI

Tờ New York Times (NYT) cho hay Ứng cử viên đảng Cộng hòa Bernie Moreno đã nhận được hỗ trợ bất ngờ chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử Thượng nghị sĩ cho bang Ohio, đó là 40 triệu USD từ thị trường tiền số.

Số tiền này được dùng để tài trợ cho các quảng cáo phát sóng trên khắp Ohio và là một trong vô số những canh bạc đầu tư của thị trường tiền điện tử cho cuộc bầu cử năm nay.

Nhờ sự hỗ trợ đó mà ông Moreno, vốn cũng là một người chơi tiền số lâu năm, đã đánh bại Thượng nghị sĩ Sherrod Brown của đảng Dân chủ vốn có quan điểm giám sát chặt thị trường tiền số.

"Thị trường tiền số đang có hành động", giám đốc Tyler Winklevoss của một sàn tiền số nói với NYT.

"Canh bạc của thị trường tiền số đã được đền đáp", người phát ngôn của nhóm vận động hành lang cho tiền số tự hào nói sau kết quả bầu cử ở Ohio.

Hơn 130 triệu USD đầu tư, hàng trăm nghị sĩ đắc cử: Canh bạc thắng lớn của tiền số trong cuộc bầu cử Mỹ- Ảnh 1.

Ứng cử viên đảng Cộng hòa Bernie Moreno

Theo NYT, thị trường tiền số đang chi hàng chục triệu USD để vận động cho các ứng cử viên có quan điểm mềm mỏng trong lĩnh vực này trong cuộc bầu cử năm nay.

Những nhóm vận động hành lang như Fairshake, Protect Progress và Defend American Jobs đã chi tổng cộng 135 triệu USD được tài trợ, quyên góp bởi các công ty tiền số như Coinbase và Ripple, cho cuộc bầu cử năm nay.

Hệ quả là theo số liệu của Stand With Crypto, năm nay có 253 ứng cử viên ủng hộ tiền số đã được bầu vào Hạ viện Mỹ, nhiều hơn so với 115 ứng cử viên phản đối. Tại Thượng viện, 16 ứng cử viên ủng hộ tiền số đã được bầu so với 12 ứng cử viên phản đối thị trường này.

"Nghị viện Mỹ tới đây sẽ là nghị viện ủng hộ tiền số mạnh mẽ nhất từ trước đến nay", báo cáo của Stand With Crypto nêu rõ.

Vận động hành lang

Tờ NYT cho hay những nhóm vận động hành lang tiền số như Fairshake và các tổ chức liên quan đã đổ tiền vào hơn 50 cuộc chạy đua vào nghị viện.

Ngoài ứng cử viên Moreno của Ohio thì hầu hết các ứng cử viên khác được thị trường tiền số hậu thuẫn đều chiến thắng ở Arizona, Indiana, Maryland, Missouri và các tiểu bang khác.

Bởi vậy không phải riêng gì chiến thắng của Ứng cử viên Tổng thống Donald Trump mà là do hàng loạt chiến thắng khác đã thúc đẩy giá Bitcoin lên mức cao kỷ lục hơn 75.000 USD trong phiên vừa qua.

Ông Donald Trump đã từng tuyên bố sẽ biến Mỹ thành trung tâm tiền số của thế giới và nhiều chuyên gia nhận định chính phủ mới có thể thông qua một bộ luật mới nhằm vô hiệu hóa sự quản lý của Ủy ban giao dịch chứng khoán (SEC) với thị trường tiền số.

Thậm chí nhiều chính trị gia dù không được hậu thuẫn bởi thị trường tiền số cũng sẽ phải xem xét lại lời nói của mình sau khi chứng kiến sức mạnh vận động hành lang của ngành này.

Điều này cũng tương tự như ngành thuốc lá, vũ khí, rượu bia, dầu mỏ từng làm với các cuộc bầu cử hay giới chính trị Mỹ.

"Tiền số đã chi rất nhiều tiền trong cuộc bầu cử năm 2024 và nhiều mảng khác sẽ sao chép chiến lược này", giám đốc nghiên cứu Rick Claypool của Public Citizen bày tỏ lo ngại.

Trên thực tế, thị trường tiền số đã vận động hành lang từ năm 2022 trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ nhưng không thành công.

Hơn 130 triệu USD đầu tư, hàng trăm nghị sĩ đắc cử: Canh bạc thắng lớn của tiền số trong cuộc bầu cử Mỹ- Ảnh 2.

Nhà sáng lập Sam Bankman-Fried của sàn FTX

Nhà sáng lập Sam Bankman-Fried của sàn FTX đã gặp gỡ các chính trị gia và quyên góp hàng triệu USD cho ứng cử viên của cả 2 đảng.

Thế nhưng FTX vẫn sụp đổ và Bankman bị truy tố rồi thụ án ngồi tù 25 năm.

Sau khi FTX sụp đổ, chính phủ Mỹ bắt đầu siết chặt thị trường tiền số trên diện rộng khi kiện cáo một số công ty như Coinbase vì vi phạm luật chứng khoán liên bang. Những chính trị gia từng nhiệt tình ủng hộ thị trường tiền số cũng đột nhiên im lặng.

Bất chấp điều đó, thị trường tiền số vẫn cố gắng vận động hành lang để tìm đường sống và cuối cùng họ đã đặt cược thắng.

Tấn công

Tờ NYT cho hay các tổ chức vận động hành lang của thị trường tiền số không chỉ chi tiền ủng hộ ứng cử viên mà còn quảng cáo tấn công đối thủ còn lại. Đây chính là điều khiến nhiều chính trị gia dù không ủng hộ tiền số nhưng cũng phải suy xét trước khi mở lời.

Đầu năm nay, tổ chức Fairshake đã chi 10 triệu USD quảng cáo tấn công Ứng cử viên Katie Porter của đảng Dân chủ cho ghế Thượng nghị sĩ bang California.

Hậu quả là bà Porter đã thua trong cuộc bầu cử sơ bộ tháng 3/2024 và người chiến thắng là Adam Schiff, một Ứng cử viên đảng Dân chủ từng ủng hộ thị trường tiền số.

Theo NYT, kết quả ở California đã khiến nhiều ứng cử viên trên toàn nước Mỹ phải dè chừng.

Không lâu sau thất bại của bà Porter, tổ chức Fairshake tuyên bố họ đang có kế hoạch can thiệp vào cuộc đua Thượng viện ở Montana, đối đầu với đương kim Thượng nghị sĩ Dân chủ Jon Tester khi ông này bày tỏ sự hoài nghi về tiền số.

Cuối cùng dù Fairshake không chi tiền trong cuộc đua ở Montana nhưng Thượng nghị sĩ Tester vẫn thất bại.

Tờ NYT cho hay Fairshake đã tung ra hàng loạt đợt chi tiêu mạnh khi ngày bầu cử Tổng thống Mỹ đến gần, nhắm đến cả các cuộc đua vào Thượng viện hay Hạ viện trên toàn quốc bất kể là ứng cử viên đảng Dân chủ hay Cộng hòa.

Hơn 130 triệu USD đầu tư, hàng trăm nghị sĩ đắc cử: Canh bạc thắng lớn của tiền số trong cuộc bầu cử Mỹ- Ảnh 3.

Mặc dù chiến thuật này gây ra nhiều khiếu nại vì ủng hộ ứng cử viên cả 2 đảng bất kể là ai miễn là ủng hộ tiền số, thế nhưng các giám đốc điều hành tiền số chẳng quan tâm.

Tương tự, các tổ chức vận động hành lang cho tiền số đã chi tổng cộng 20 triệu USD cho 2 ứng cử viên đảng Dân chủ tranh cử vào Thượng viện, đó là Elissa Slotkin ở Michigan và Ruben Gallego ở Arizona.

Sau chiến thắng lần này, Fairshake thậm chí thông báo họ đã huy động được hơn 78 triệu USD để chi cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2026.

Rất rõ ràng, thị trường tiền số đang đi đúng con đường của các ngành kinh doanh như bia rượu, thuốc lá, dầu mỏ, vũ khí tại Mỹ để vận động hành lang cho chính mình.

*Nguồn: NYT

Cùng chuyên mục

Đọc thêm