Minh Ngọc chia sẻ, thông thường, các nhà sản xuất sử dụng các loại trà nhập khẩu để làm trà kompucha. Nước trà sẽ có vị chua ngọt đặc trưng lẫn vị chát nhưng giá thành cao, không phải ai cũng có điều kiện được sử dụng. Ngọc và Yến đã có ý tưởng tạo ra một thức uống ngon, tốt cho sức khoẻ, giá thành hợp lí từ hoa nhài.
Nguyên liệu để làm trà gồm hoa nhài sấy khô, con giống scooby, đường và nước, trong đó hoa nhài hiện được người dân trồng nhiều nên có giá thành khá rẻ. Theo tính toán của hai nữ sinh, một lít trà kompucha hoa nhài thành phẩm có giá khoảng 60.000 đồng - 80.000 đồng.
![]() |
Đỗ Bảo Yến và Trần Minh Ngọc giới thiệu trà kompucha từ hoa nhài sấy khô cho thầy cô, phụ huynh. |
Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, hai nữ sinh mày mò thử nghiệm các công thức, điều chỉnh hàng trăm lần trong vòng gần một năm để cho ra được sản phẩm phù hợp nhất.
Sau đó, các em được sự hỗ trợ của các thầy cô ở Đại học Bách Khoa Hà Nội kiểm định vi sinh. Kết quả, trong sản phẩm trà, không có loại vi sinh nào có hại, an toàn cho người sử dụng khi đó mới đem sản phẩm đi dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp thành phố.
Để sản phẩm có dấu ấn riêng cũng như hương vị đặc trưng, hai nữ sinh tiếp tục thử nghiệm cho thêm các loại hoa quả, vỏ cam quýt vào lên men. Trà được đựng trong chai thuỷ tinh vừa đảm bảo đẹp mắt vừa an toàn cho người dùng.
Trong buổi triển lãm sản phẩm sáng tạo của học sinh, Minh Ngọc và Bảo Yến mời thầy cô giáo, phụ huynh cùng bạn bè thử trà, ai cũng tấm tắc khen thức uống ngọt mát, chua dịu, có thể giải nhiệt rất tốt trong mùa hè.
“Chúng em mong muốn dịp hè, có thể thử nghiệm bán sản phẩm ra thị trường với giá thành hợp lý để tiếp cận được nhiều khách hàng”, Minh Ngọc nói.
Làm trà kombuca từ hoa nhài chỉ là một trong những đề án mang tính ứng dụng thực tiễn của học sinh. Với kiến thức tích hợp từ các môn học, học sinh THCS ngày nay đã có thể làm được những dự án như: Máy tưới cây tự động, Hệ thống chữa cháy và chiếu sáng tự động, Máy phân loại rác…
Trong Hội thảo chuyên đề về giáo dục STEM năm 2025 với chủ đề "Nhà khoa học nhí" do Phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng và Trường THCS Trưng Nhị tổ chức, bà Nguyễn Thị Bích Nga, Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Nhị cho biết, giáo dục STEM trở thành xu hướng giáo dục hiện đại, góp phần phát triển tư duy học sinh.
![]() |
Các "Nhà khoa học nhí" giới thiệu sản phẩm với thầy cô giáo, khách mời và phụ huynh. |
Ba năm qua, nhà trường đã thành lập CLB nhà khoa học nhí, cử thầy cô giáo ở các bộ môn hướng dẫn, tạo môi trường cho nhiều học sinh có đam mê nghiên cứu khoa học kỹ thuật, có nhiều dự án đạt giải thưởng cấp thành phố.
“Nghiên cứu khoa học ở cấp THCS cũng tạo tiền đề, nuôi dưỡng đam mê để lên THPT, các em tiếp tục nghiên cứu các công trình có ý nghĩa thiết thực cho đời sống xã hội”, theo bà Nga.
Ông Hà Nam Sơn, chuyên viên Sở GD&ĐT Hà Nội đánh giá, việc trường học có các hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, tạo ra các sản phẩm gần gũi với đời sống là đi đúng hướng với mục tiêu của chương trình GDPT 2018.
“Dù còn nhiều khó khăn về cách triển khai, kinh phí, con người, tài liệu nhưng thầy cô giáo, học sinh các nhà trường quyết tâm dần dần sẽ thực hiện được”, ông Sơn nói.