Sống

Hoại tử toàn thân sau bữa ăn lòng lợn

Tóm tắt:
  • Người đàn ông 49 tuổi sốt cao và xuất huyết hoại tử sau khi ăn lòng lợn.
  • Ông được cấp cứu và chuyển đến bệnh viện với tình trạng nặng do nhiễm liên cầu khuẩn lợn.
  • Bệnh nhân được điều trị tích cực nhưng tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao.
  • Liên cầu khuẩn lợn lây từ lợn sang người qua thực phẩm chưa nấu chín hoặc vết thương hở.
  • Bác sĩ khuyến cáo không ăn tiết canh, lòng lợn và cần vệ sinh an toàn thực phẩm khi chế biến.

Người đàn ông quê Thái Bình được đưa vào bệnh viện địa phương cấp cứu, phải đặt nội khí quản, dùng thuốc vận mạch để duy trì huyết áp. Do diễn tiến nặng, người này được chuyển khẩn cấp đến Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng ban xuất huyết hoại tử lan khắp cơ thể, tập trung nhiều ở tay chân và vùng mặt.

Theo bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó Giám đốc Trung tâm, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm liên cầu khuẩn lợn (Streptococcus suis) – loại vi khuẩn có thể lây từ lợn sang người qua thực phẩm chưa nấu chín kỹ, hoặc vết thương hở khi tiếp xúc.

Bệnh nhân được điều trị tích cực bằng kháng sinh mạnh, thở máy, lọc máu, hồi sức dịch, truyền khối tiểu cầu và huyết tương. Tuy nhiên, tình trạng vẫn rất nặng, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao.

“Liên cầu khuẩn lợn là bệnh nguy hiểm, chưa có vaccine phòng ngừa. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, thì bệnh có thể dẫn đến điếc, tổn thương thần kinh, suy đa tạng, thậm chí tử vong”, bác sĩ Khiêm cảnh báo.

Người đàn ông ban xuất huyết hoại tử vùng mặt lan nhanh toàn thân và tập trung chủ yếu ở hai chân, hai tay. (Ảnh: BVCC)

Người đàn ông ban xuất huyết hoại tử vùng mặt lan nhanh toàn thân và tập trung chủ yếu ở hai chân, hai tay. (Ảnh: BVCC)

Liên cầu khuẩn lợn là bệnh lây truyền từ động vật sang người, chưa có bằng chứng bệnh lây từ người sang người. Hầu hết bệnh nhân đều liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các món đồ chưa nấu chín. Một số trường hợp không ăn tiết canh, không giết mổ lợn vẫn mắc bệnh. Nguyên nhân là ăn thịt lợn nhiễm bệnh tái sống, hoặc tiếp xúc với lợn bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da khi chế biến.

Trường hợp nặng, bệnh có thể tiến triển nhanh chóng thành nhiễm khuẩn huyết sốc nhiễm khuẩn, trụy mạch, tụt huyết áp, rối loạn đông máu nặng, ban xuất huyết hoại tử toàn thân, tắc mạch, suy đa phủ tạng... hôn mê và tử vong.

Bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn tiết canh, lòng lợn hay các món từ thịt lợn chưa nấu chín. Khi mua thịt, nên chọn sản phẩm rõ nguồn gốc, tránh thịt có màu sắc bất thường hoặc dấu hiệu phù nề, xuất huyết. Người giết mổ, chế biến cần đeo găng tay, khẩu trang, vệ sinh tay sạch sẽ. Nếu có vết thương hở, nên băng kín bằng gạc không thấm nước.

Đặc biệt, với đồ ăn sẵn mua ngoài hàng, bác sĩ khuyên nên trần lại bằng nước sôi hoặc nấu kỹ trước khi ăn để phòng ngừa các nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Các tin khác

Giá vàng đang tăng rất mạnh

Sáng nay (18/4), giá vàng SJC được các doanh nghiệp kinh doanh vàng điều chỉnh tăng mạnh. Tuy nhiên, cùng loại vàng SJC là thương hiệu quốc gia nhưng giá bán ra lại khác nhau, thậm chí có doanh nghiệp niêm yết cao nhất lên tới 121 triệu đồng/lượng.

Chứng khoán giảm sâu

FPT giảm hết biên độ và không có bên mua, trở thành tác nhân chính khiến VN-Index mất 17 điểm, nối mạch giảm 2 phiên liên tiếp.

Cảnh báo từ những ca đột quỵ vì thuốc tránh thai

Trong khi thuốc tránh thai đường uống ngày càng phổ biến nhờ sự tiện lợi và hiệu quả cao, các chuyên gia y tế đang lên tiếng cảnh báo về những nguy cơ nghiêm trọng, đặc biệt là tai biến mạch máu não liên quan đến biến chứng huyết khối. Hai trường hợp lâm sàng được ghi nhận gần đây tại Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai là lời cảnh tỉnh rõ ràng cho cộng đồng.