Chứng khoán

Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim, VNSteel, Tôn Đông Á đồng loại xả kho, tồn kho ngành thép vẫn còn 75.000 tỷ trước khi giá thép thế giới rơi về mức thấp nhất 8 năm

Sau khi đẩy lượng tồn kho lên cao nhất kể từ quý 4/2022, các doanh nghiệp thép đã thu hẹp đáng kể quy mô hàng tồn kho sau quý 2 vừa qua. Thời điểm 30/6, tổng giá trị tồn kho của ngành thép trên sàn chứng khoán ước tính vào khoảng 75.000 tỷ đồng, giảm khoảng 7.000 tỷ so với cuối quý 1 trước đó. Dù vậy, đây vẫn là lượng tồn kho lớn thứ 2 trong vòng 7 quý trở lại đây.

photo-1722772517202

Hầu hết các doanh nghiệp thép trên sàn chứng khoán đều giảm quy mô tồn kho sau quý 2 vừa qua. Trong đó, giá trị hàng tồn kho của Hòa Phát và Hoa Sen đều giảm trên nghìn tỷ so với thời điểm cuối quý 1 trước đó. Dù vậy, mức tồn kho hiện tại của các doanh nghiệp vẫn cao hơn đáng kể so với mặt bằng chung trong năm 2023.

Về cơ cấu, 5 doanh nghiệp là Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim, VNSteel, Tôn Đông Á chiếm đến gần 90% tổng giá trị tồn kho toàn ngành thép trên sàn chứng khoán. Trong đó, riêng Hòa Phát đã chiếm hơn 53% với giá trị tồn kho tại ngày cuối quý 2 hơn 40.000 tỷ đồng (đã bao gồm cả trích lập dự phòng giảm giá".

photo-1722772533713

Tồn kho ngành thép giảm trong bối cảnh xu hướng giá thép thế giới không thuận lợi. Sau một nhịp hồi nhẹ trong quý 2 vừa qua, giá thép thanh tương lai đã lao dốc mạnh và lần đầu xuống dưới 3.000 CNY/tấn kể từ năm 2016. Nguyên nhân do nhu cầu ngày càng yếu và nguồn cung dồi dào tại quốc gia tiêu thụ hàng đầu là Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc đã ban hành các tiêu chuẩn chất lượng mới cho thép thanh vào tháng 9 năm ngoái, khiến các nhà máy và thương nhân tràn ngập thị trường bằng các kho dự trữ cũ. Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp hơn dự kiến trong quý 2 và thị trường bất động sản ảm đạm khiến nhu cầu thép suy yếu.

photo-1722772553231

Trong báo cáo mới đây, Vietcap cho rằng xuất khẩu thép từ Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024, sau khi đã tăng 25% so với cùng kỳ trong 5 tháng đầu năm 2024. Do sản lượng xuất khẩu năm 2023 tương đương với giai đoạn 2014-16 khi thép xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc tràn vào thị trường toàn cầu, lo ngại về việc thép của Trung Quốc bán phá giá đang xuất hiện trở lại.

Với xu hướng giá thép bất lợi, lượng tồn kho dù đã giảm so với cao điểm cuối quý 1 nhưng vẫn ở mức khá cao sẽ tạo ra áp lực không nhỏ lên các doanh nghiệp thép thời gian tới. Trước đó, trong quý 2 vừa qua, các doanh nghiệp thép phần nào đã được hưởng lợi từ sự hồi phục của giá thép (dù không nhiều) cùng với lượng tồn kho lớn.

photo-1722772568940

Đa phần các doanh nghiệp thép đều ghi nhận lợi nhuận hồi phục mạnh trong quý 2 vừa qua. Lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát, Nam Kim, VNSteel, Tôn Đông Á đều ở mức cao nhất trong vòng 2 năm, kể từ quý 2/2022. Tổng lợi nhuận ngành thép (không tính Pomina do chưa công bố BCTC) trong quý 2 vừa qua vào khoảng 3.900 tỷ đồng, trong đó phần lớn đến từ Hòa Phát.

"Nín thở" chờ các quyết định chống bán phá giá

Việt Nam là điểm đến hàng đầu cho lượng thép xuất khẩu tăng gần đây của Trung Quốc, với sản lượng tăng 84% so với cùng kỳ trong 5 tháng đầu năm 2024. Điều này đã thúc đẩy 2 nhà sản xuất thép HRC trong nước của Việt Nam (Hòa Phát và Formosa) và 5 nhà sản xuất tôn mạ (trong đó bao gồm Hoa Sen và Nam Kim) đệ trình lên Bộ Công Thương đề xuất điều tra chống bán phá giá (CBPG).

Trọng tâm của các cuộc điều tra là HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ và tôn mạ kẽm nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy nhiên, Vietcap cho rằng khả năng áp dụng thuế CBPG đối với HRC là khá thấp do nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu HRC. Nhu cầu HRC hàng năm của Việt Nam là 12-14 triệu tấn, vượt xa nguồn cung trong nước (4-5 triệu tấn) và công suất tối đa trong nước là 8-9 triệu tấn.

Theo Vietcap mối nguy đối với các nhà sản xuất tôn mạ là đáng kể và khả năng áp dụng thuế CBPG đối với các sản phẩm này cao hơn. Nếu tìm thấy đủ bằng chứng về việc bán phá giá, Vietcap kỳ vọng biện pháp CBPG tạm thời sẽ được áp dụng sớm nhất là vào giữa tháng 9/2024. Hòa Phát sẽ là bên hưởng lợi lớn nhất nếu thuế CBPG được áp dụng cho cả HRC và tôn mạ. Các nhà sản xuất tôn mạ, bao gồm Hoa Sen và Nam Kim, sẽ chỉ được hưởng lợi từ thuế CBPG đối với tôn mạ.

Trong một diễn biến khác, Ngày 30/7/2024, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) nhận được thông tin về việc Ủy ban Châu Âu (EC) đã nhận được Hồ sơ đầy đủ hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp CBPG đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng không hợp kim hoặc hợp kim nhập khẩu từ Việt Nam. Danh sách các nhà sản xuất bị khiếu nại bao gồm Hòa Phát và Formosa. Đây cũng là 2 doanh nghiệp duy nhất có thể sản xuất Thép cuộn cán nóng tại Việt Nam.

Nhìn chung, các quyết định CBPG nếu được thông qua sẽ có tác động nhất định đến giá thép cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành. Ở thời điểm này, rất khó để dự báo về quyết định cuối cùng và các doanh nghiệp sẽ phải lên các kịch bản ứng phó với tất cả trường hợp có thể xảy ra.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm