Anh Hoàng, 45 tuổi sống ở TP Hồ Chí Minh, lên thành phố lập nghiệp đã nhiều năm, điều anh trăn trở nhất là cha mẹ vẫn sống ở Đồng Tháp. Bởi công việc bận rộn, anh Hoàng ít có thời gian ghé về thăm cha mẹ. Mỗi lần về cũng chỉ chớp nhoáng là đi ngay. Dịp Tết là kỳ nghỉ dài nhất trong năm vợ chồng anh và con cái có thể về quê sum vầy cùng cha mẹ già, chăm sóc phụng dưỡng công ơn sinh thành. Sau 9 ngày nghỉ Tết Ất Tỵ, mong muốn được ở gần cha mẹ của anh Hoàng càng trở nên mạnh mẽ hơn.
“Tôi nhiều lần rước bố mẹ lên thành phố chơi ở chơi với gia đình, đưa ông bà đi thăm thú các nơi, trải nghiệm cuộc sống tiện nghi, hiện đại để bố mẹ làm quen dần, chờ cơ hội đón ông bà lên ở cùng. Nhưng cha mẹ đều một mực “đòi về quê”. Nhà cửa ở thành thị chật hẹp, đông đúc, ồn ào khiến cha mẹ không quen”, anh Hoàng tâm sự.
Cha mẹ anh ở Đồng Tháp sống trong ngôi nhà rộng rãi, có sân vườn thoáng mát. Hàng ngày, ông bà làm vườn nhẹ nhàng cho khỏe người. Lúc rảnh rỗi lại đi bộ thể dục, chơi khắp nơi với bà con, họ hàng xung quanh. Nhưng tuổi già nhiều khi ốm đau, muốn khám chữa bệnh lại phải đi gần 150km lên thành phố để vào các bệnh viện lớn, vừa mất thời gian vừa gây thêm mệt mỏi.
Chứng kiến cha mẹ ngày một già đi mà sống xa con cháu, khi ốm khi đau không có người chăm sóc, phụng dưỡng, anh Hoàng đã nhiều lần có ý định đón cha mẹ lên thành phố ở cùng. Có lần, anh giữ cha mẹ ở lại chơi cả tuần, đi thăm thú nhiều nơi, trải nghiệm cuộc sống tiện nghi ở thành phố. Nhưng ông bà vẫn “xin về quê” sớm vì khó quen với căn nhà phố trong ngõ, nhớ vườn cây trái không ai tưới, “ra khỏi nhà nhà là đường phố tấp nập nhìn thôi đã chóng mặt”.
Ở tuổi 45, sự nghiệp đã chín, có điều kiện kinh tế, anh đang có kế hoạch mua một ngôi nhà lớn hơn, có sân vườn rộng rãi, thoáng đãng để tiện đón cha mẹ già đến ở cùng.
Anh Hoàng tâm sự: “Cha mẹ tôi quen cuộc sống thoải mái, thân tình ở quê. Nhưng ông bà mong con cháu nhiều lắm. Nhưng điều kiện công việc khiến tôi ít có thời gian về ở với bố mẹ lâu. Ở Việt Nam, hầu hết các bậc cha mẹ không nghĩ tới việc đầu tư tuổi già, họ chỉ đầu tư cho con cháu tất cả những gì họ có và luôn mong về già sẽ nhờ con. Nhưng không biết đến tuổi này rồi, tôi còn gặp bố mẹ được bao nhiêu lần nữa?”
“Người già thường sợ ở một mình và không được bên cạnh người thân, trong họ đa số đều không muốn nghĩ tới cảm giác "bị con cháu bỏ rơi”, cảnh lạnh lẽo, cô đơn.
Để bố mẹ sống thoải mái, tiêu chí sống gần chứ không sống chung, tôi thuyết phục cha mẹ chuyển gần đến chỗ con gái sống, để thu hẹp khoảng cách về cả địa lý và tình cảm. Con cái có thời gian và cơ hội được chăm sóc cha mẹ, cháu chắt được vui chơi cùng ông bà”, anh Hoàng nói.
Anh Hoàng cho biết rất hiểu và thương cho cảnh tuổi già mà phải sống với người lạ, vì con cháu bận cuộc sống riêng nên không thể ở bên. Bởi thế, với anh, tiền kiếm đủ là đủ, còn thời gian hãy dành cho người thân, gia đình, được ở bên cha mẹ, vợ con, mới là ý nghĩa nhất.
Nhiều người ở thế hệ 7x, 8x cũng cùng trăn trở như anh Hoàng. Họ hiện có được cuộc sống sung túc, tiện lợi, đạt được những thành tựu nhất định trong cuộc sống. Nhưng, điều họ tiếc nuối nhất có lẽ là không thể ở gần ba mẹ. Dù có điều kiện mua nhà, mua xe, chăm sóc cha mẹ già, nhưng sự khác biệt về lối sống, không gian sống, khiến mong ước gia đình đoàn viên thêm khó khăn.
Rời quê sau Tết, mỗi người có mỗi tâm trạng, mỗi suy nghĩ khác nhau, nhưng họ đều có chung một mong ước là sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn, có được ngôi nhà đủ không gian sống phù hợp với tất cả các thành viên trong gia đình, để hiện thực hóa được ước mơ gia đình đoàn viên. Đó có lẽ là nơi đủ xa để tránh xô bồ hối hả chật chội, đủ gần để kết nối với thành phố làm việc mỗi ngày; là nơi người già có không gian thể dục vận động trong thư thái, tận hưởng; là nơi người trẻ tái tạo năng lượng tích cực sau mỗi ngày làm việc, học tập. Đó cũng là nơi trẻ nhỏ được hít thở căng lồng ngực không khí trong lành, thả chân trần trên cỏ để được hưởng những lợi ích sức khỏe, tinh thần thiên nhiên mang lại.
Ngọc Mai