Báo cáo tài chính đã kiểm toán của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho thấy, doanh thu năm trước ghi nhận hơn 628,9 tỷ đồng. Mức này tăng 22% so với năm 2023 và đạt kỷ lục.
Trong doanh thu, bán vé ghi nhận 89,7 tỷ đồng, tức chiếm khoảng 14,3%. Gần 539,3 tỷ đồng còn lại đến từ trợ giá.
Giá vốn tăng chậm hơn giúp lợi nhuận gộp cải thiện 2,3 lần lên hơn 18 tỷ đồng. Kỳ này, công ty bắt đầu ghi nhận giá vốn ở tuyến Nhổn - ga Hà Nội ở mức gần 138,5 tỷ đồng. Còn tuyến Cát Linh - Hà Đông được vận hành với giá vốn 472,4 tỷ đồng.

Người dân xếp hàng đi tàu điện tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh: Giang Huy
Doanh thu hoạt động tài chính giảm nhẹ về 24,8 tỷ đồng do lãi suất tiền gửi hạ bớt. Ở chiều ngược lại, công ty không ghi nhận chi phí tài chính và bán hàng. Chi phí quản lý doanh nghiệp kỳ này tăng thêm 24% lên gần 22,5 tỷ đồng, chủ yếu ở chi phí vật liệu quản lý, nhân viên quản lý và dịch vụ mua ngoài.
Trừ thuế, Hanoi Metro lãi hơn 15,4 tỷ đồng, cao hơn năm 2023 khoảng 17,6%. Doanh nghiệp này đã có 3 năm liên tiếp có lợi nhuận dương và tăng liên tục.
So với kế hoạch được giao, công ty vượt gần 19% chỉ tiêu doanh thu và lãi hơn dự kiến gần 15%. Tuy nhiên, kế hoạch ban đầu chỉ được xây dựng với tuyến Cát Linh - Hà Đông. Tháng 8 năm trước, tuyến Nhổn - ga Hà Nội đã vận hành thương mại đoạn trên cao sau 15 năm khởi công.
Giá vé của hai tuyến Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội khá tương đồng với mức thấp nhất là 8.000 đồng một lượt và tối đa 12.000-15.000 đồng nếu đi toàn tuyến. Giá vé ngày (không giới hạn lượt di chuyển) là 24.000-30.000 đồng cho một người. Vé tháng có giá 200.000 đồng cho khách phổ thông và 100.000 đồng cho học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp.
Năm nay, Hanoi Metro được giao chỉ tiêu vận chuyển hơn 19,3 triệu lượt hành khách. Theo đó, tổng doanh thu ước đạt hơn 878,4 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 20,7 tỷ đồng. Công ty dự kiến nộp ngân sách hơn 16,4 tỷ đồng.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của họ năm nay là triển khai áp dụng KPI, hệ thống quản lý và đánh giá chất lượng toàn công ty. Đồng thời, Hanoi Metro cũng nghiên cứu các giải pháp để gia tăng tiện ích cho hành khách, gia tăng doanh thu và giảm chi phí trợ giá của Nhà nước.
Theo quy hoạch đến năm 2030, Thủ đô sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417 km. Ngoài hai tuyến hiện có, 8 tuyến còn lại vẫn chưa khởi công. Tháng trước, UBND Hà Nội yêu cầu các đơn vị khẩn trương lập dự án đầu tư dự án metro Văn Cao - Hòa Lạc để trình thành phố phê duyệt trong năm nay.