Ngày 16/5, bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM, cho biết khi tiếp nhận cuộc gọi vào lúc 15h40 hôm qua, tổng đài viên đã hướng dẫn người gọi ngắt điện, chỉ dẫn sơ cứu qua điện thoại và điều phối Trạm cấp cứu vệ tinh của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đến hiện trường.
Sau khoảng 2 phút sơ cứu, nạn nhân tỉnh lại, qua cơn nguy kịch. Đến 15h55, kíp cấp cứu có mặt, xác định tình trạng cô gái đã ổn định và chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Quân y 175 để theo dõi.
Bác sĩ Long cho biết thời gian gần đây, Trung tâm Cấp cứu 115 tiếp nhận nhiều ca tai nạn do điện giật, nhất là khi thành phố bắt đầu vào mùa mưa. Hầu hết tai nạn liên quan đến việc chủ quan với thiết bị điện hư hỏng, dây điện rò rỉ hoặc môi trường ẩm ướt.
Hôm 12/5, nam thanh niên 24 tuổi, ngụ Hóc Môn, tử vong khi dùng máy bơm nước ngập ở vườn nhà ra ngoài trong cơn mưa lớn, nghi do điện giật. Khi nhân viên 115 đến nơi, bệnh nhân đã ngừng tim, ngừng thở, êkíp cấp cứu hồi sức nhưng không thể cứu được.

Điều phối viên hướng dẫn sơ cứu và điều phối trạm cấp cứu vệ tinh đến hiện trường. Ảnh: Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM
Bác sĩ khuyến cáo mùa mưa thường mang theo nhiều nguy cơ tai nạn tiềm ẩn, trong đó đáng lo ngại nhất là các tai nạn về điện, ngập úng và cây xanh gãy đổ. Không ít trường hợp bị điện giật do rò rỉ điện từ các thiết bị không an toàn, dây điện trần, ổ cắm ngoài trời bị ướt. Mưa ngập nước còn làm chập cháy thiết bị điện, dẫn đến nguy cơ phát hỏa hoặc giật điện.
Ngoài ra, cây xanh bật gốc, gãy đổ do gió lớn, gây nguy hiểm cho người đi đường hoặc làm đứt dây điện. Sét đánh tại các khu vực trống trải, đặc biệt nguy hiểm với người cầm vật kim loại, sử dụng điện thoại ngoài trời hoặc đứng dưới gốc cây.
Để phòng tránh tai nạn, tuyệt đối không sử dụng thiết bị điện khi tay ướt, nền nhà ẩm hoặc khu vực bị ngập nước. Ngắt cầu dao (CB) hoặc aptomat ngay khi phát hiện có hiện tượng rò rỉ điện, nước tràn vào ổ cắm, thiết bị điện. Tránh trú mưa dưới gốc cây, gần cột điện, hay nơi có dây điện bị võng hoặc đứt.
Chủ động kiểm tra, bảo trì hệ thống điện định kỳ, đặc biệt là các thiết bị ngoài trời như máy bơm, quạt, đèn sân vườn. Hạn chế ra đường trong lúc mưa lớn, tránh đi vào đoạn đường ngập sâu hoặc nơi có công trình đang thi công.
Khi bị điện giật, nạn nhân có thể có các tổn thương như bỏng tại chỗ tiếp xúc với nguồn điện, rối loạn nhịp tim do tác dụng của dòng điện, tổn thương hệ thần kinh mạch máu, tử vong do ngưng tuần hoàn hô hấp. Các di chứng về sau như yếu liệt cơ, giảm chức năng vận động, tàn phế, cắt cụt chi...
Việc phát hiện và sơ cứu ban đầu cho bệnh nhân là vô cùng quan trọng. Người phát hiện cần phải bình tĩnh, không hốt hoảng, không tiếp xúc trực tiếp với nạn nhân khi chưa bảo đảm cách điện an toàn. Nhanh chóng tách nguồn điện ra khỏi nạn nhân bằng cách ngắt điện, cúp cầu dao, dùng dụng cụ cách điện như cây khô, đồ nhựa, mũ... tách nguồn điện ra khỏi nạn nhân.
Chuyển nạn nhân đến nơi khô ráo, thoáng khí. Chỉ thực hiện điều này khi đảm bảo an toàn cho cả nạn nhân và người thực hiện, nếu không, cần gọi 114 để được hỗ trợ. Sau đó, gọi 115 và thực hiện sơ cứu cho nạn nhân theo hướng dẫn.