Doanh nghiệp

Hành trình chinh phục thị trường Việt Nam của Starbucks

Thời điểm Starbucks đến Việt Nam, thị trường cà phê thế giới và trong nước có nhiều xáo trộn: giá xấu, biến động nhiều, cung vượt cầu. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) phát hành trong tháng 12/2013 ước rằng sản lượng cà phê toàn thế giới niên vụ 2012/13 là trên 153 triệu bao, trong khi lượng tiêu thụ ở mức 145 triệu bao, nghĩa là có khoảng 8 triệu bao dư thừa. Bối cảnh chung của thế giới khiến thị trường cà phê tại Việt Nam - quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới - không tránh khỏi nhiều thiệt hại.

Bên cạnh đó, ngành cà phê tại Việt Nam vốn có truyền thống lâu đời cũng đã chứng kiến sự tham gia của hàng loạt chuỗi cửa hàng cũng như thương hiệu lớn, nhỏ. Tuy nhiên, những thương hiệu thực sự lớn mạnh và có tầm ảnh hưởng quốc tế chưa nhiều. Vì thế, sự xuất hiện của Starbucks tại Việt Nam lúc bấy giờ là một trong những dấu ấn nổi bật song cũng có không ít thách thức đặt ra cho thương hiệu này.

Thách thức đầu tiên và cũng quan trọng nhất chính là vượt qua được những khác biệt về văn hóa, cụ thể là hành vi của người tiêu dùng. Robusta là loại cà phê ưa thích của người Việt, bởi vị đắng đặc trưng khiến người uống thấy sảng khoái, tinh thần phấn chấn. Trong khi đó, cà phê Starbucks được làm từ hạt cà phê Arabica với vị nhẹ nhàng, không bị đắng gắt, cùng mùi thơm đặc trưng quyến rũ.

"Chúng tôi không thể kỳ vọng rằng vị cà phê được khách hàng quốc tế ưa chuộng thì người tiêu dùng Việt Nam cũng ưa chuộng. Đó là bài toán mà Starbucks Vietnam cần tìm lời giải", bà Patricia Marques, Tổng Giám đốc Starbucks Vietnam phân tích.

Thứ hai là làm thế nào để sở hữu đội ngũ nhân viên hiểu được văn hóa của Starbucks và vẫn phục vụ tốt khách hàng Việt Nam. Starbucks Vietnam đã xây dựng các chương trình đào tạo riêng, truyền cảm hứng cho đội ngũ nhân viên để có thể hiểu giá trị của thương hiệu. Đơn vị cũng kết nối đội ngũ nhân sự tại Việt Nam với các quốc gia khác để họ có thể tiếp tục phát huy giá trị cốt lõi, sứ mệnh chung của Starbucks.

Cửa hàng Starbucks đầu tiên tại Việt Nam, tọa lạc ở ngã 6 Phù Đổng (TP HCM). Ảnh: Starbucks Vietnam

Cửa hàng Starbucks đầu tiên tại Việt Nam, tọa lạc ở ngã 6 Phù Đổng (TP HCM). Ảnh: Starbucks Vietnam

Ghi dấu ấn tại Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế và thị trường còn nhiều khó khăn, song với sự kiên định đi theo con đường làm sản phẩm nghiêm túc, Starbucks Vietnam đã thu về trái ngọt trong suốt một thập kỷ qua.

Kể từ cửa hàng Starbucks đầu tiên khai trương tại khách sạn New World tại TP HCM, Starbucks Vietnam đã không ngừng mở rộng, đến với nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Đơn vị cũng đặt ra mục tiêu "các cửa hàng Starbucks là điểm đến thứ ba" của người tiêu dùng, xếp sau thời gian làm việc tại văn phòng và tại nhà.

Mong muốn phục vụ khách hàng những sản phẩm cà phê với chất lượng tốt nhất, Starbucks Vietnam cũng luôn tìm kiếm những cà phê hạt chất lượng, rang xay cẩn thận, đồng thời mang văn hóa cà phê bản địa giới thiệu đến thị trường quốc tế. Từ năm 2015 dòng cà phê Starbucks Reserve Vietnam Da Lat được thu mua trực tiếp từ những trang trại cà phê tại Lạc Dương, Cầu Đất đã mang hương vị cà phê đặc trưng của cao nguyên Việt Nam đến với nhiều nơi trên thế giới. Bên cạnh đó, việc quan tâm hỗ trợ người nông dân trồng cà phê tại Việt Nam cải thiện đời sống cũng là một trong những mục tiêu được Starbucks Vietnam quan tâm nhằm xây dựng một cộng đồng phát triển bền vững.

Dòng cà phê Starbucks Reserve Vietnam Da Lat dự kiến sẽ trở lại vào năm 2023. Ảnh: Starbucks Vietnam

Dòng cà phê Starbucks Reserve Vietnam Da Lat dự kiến sẽ trở lại vào năm 2023. Ảnh: Starbucks Vietnam

"Hoa thơm đơm trái ngọt" còn được thể hiện khi chuỗi cửa hàng mang thương hiệu Starbucks tại Việt Nam đã đạt con số 87 cửa hàng vào cuối năm 2022, và mục tiêu năm 2023 sẽ đạt được 100 cửa hàng trên toàn quốc.

10 năm qua, Starbucks Vietnam đã nhận được nhiều bằng chứng nhận và giải thưởng trong và ngoài nước. Năm 2022, Starbucks Vietnam được vinh danh ở hạng mục "Doanh nghiệp xuất sắc 2022" Bảng B - Hạng mục Chiến lược phát triển năng lực tổ chức và "Doanh nghiệp xuất sắc 2022" Bảng B - Hạng mục Chiến lược đổi mới mô hình quản trị nhân sự trong khuôn khổ giải thưởng Vietnam HR Awards. Đội ngũ nhân viên của Starbucks Vietnam không ngừng phát triển. Mỗi nhân viên đều được đào tạo chuyên sâu để đảm bảo giữ nguyên chuẩn về chất lượng sản phẩm và pha chế trên toàn hệ thống.

Bà Patricia Marques khẳng định với sự nghiêm túc xây dựng một thương hiệu cà phê đặt "trải nghiệm của khách hàng" là yếu tố hàng đầu, Starbucks Vietnam luôn nỗ lực cải thiện để phục vụ khách hàng tốt hơn những gì mà thương hiệu đã làm trước đó.

"Starbucks không ngừng phát triển. Chúng tôi không chạy theo số lượng cửa hàng, đặt nặng con số doanh thu mà luôn bền bỉ trong việc phục vụ khách hàng thật tốt. Starbucks cũng có nhiều quy định đối với các nhà sản xuất cà phê. Trong đó cam kết không sử dụng hoá chất, không sử dụng lao động trẻ em, đảm bảo an toàn lao động... là những tiêu chuẩn của Starbucks mà giúp chúng tôi phát triển bền vững trong suốt thời gian qua", bà Patricia Marques nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm