Thời sự

Hãng xe tăng đãi ngộ để “giữ chân” tài xế

Gọi xe lâu hơn, dù trong giờ cao điểm hay thấp điểm; đôi khi còn không tìm được tài xế…, đó là phản ánh của một số người dân trong thời gian gần đây.

Theo lý giải của các hãng xe , hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tài xế đã chuyển sang làm nghề khác trong 2 năm qua, cùng với nhu cầu đi lại của người dân tăng cao sau dịch COVID-19, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Ứng dụng gọi xe Gojek hiện có hơn 200.000 đối tác tài xế trên cả nước. Dù cho biết lượng tài xế đăng ký vẫn đang tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng họ cũng thừa nhận, việc hành khách khó gọi xe ở một số thời điểm, do nhu cầu tăng đột biến hậu COVID-19.

Để duy trì lực lượng lao động ổn định, ứng dụng phải tăng cường các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là khi các chi phí đầu vào đang có xu hướng tăng.

"Tặng phiếu xăng điện tử cho các tài xế để hỗ trợ phần nào chi phí đầu vào cho các tài xế hoạt động liên tục và có hiệu suất tốt. Ngoài ra, chúng tôi còn hỗ trợ chi phí bảo hiểm sức khỏe, tạo điều kiện vay vốn", ông Đặng Hoàng Linh, Giám đốc chính sách công và quan hệ Chính phủ, Công ty Gojek Việt Nam, cho biết.

Thu hút và duy trì lực lượng lao động hậu COVID-19 cũng là "bài toán" với nhiều doanh nghiệp vận tải truyền thống.

Theo Hiệp hội Taxi Hà Nội, năm 2019, thành phố có 15.000 taxi hoạt động, năm 2020 còn khoảng 13.000, đến năm 2021 còn khoảng 11.000 và sang tới quý 2 năm nay, chỉ còn khoảng gần 10.000 xe hoạt động.

Trong giai đoạn này, nhiều hãng xe chấp nhận tự bỏ tiền túi, hy sinh lợi nhuận để hỗ trợ cho tài xế.

"Chủ yếu hỗ trợ về mặt tỷ lệ ăn chia, hỗ trợ về mặt khai thác thêm khách hàng cho lái xe. Trong gian đoạn vừa qua, doanh nghiệp cũng cố gắng khai thác khách hàng để tăng doanh thu lên, hỗ trợ phần nào đó chi phí cho các tài xế", ông Dương Trí Thanh, Phó Tổng Giám đốc G7 Taxi, chia sẻ.

"Ban điều hành sẽ bị giảm thu nhập để bù lỗ cho lái xe. Thứ hai là xem xét hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động ở tỉnh", ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, thông tin.

Để cân đối dòng tiền, về lâu dài, cả hãng xe công nghệ và truyền thống đều cho biết có thể sẽ tăng giá cước để đảm bảo thu nhập cho các tài xế.

Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, đến giữa tháng 3 vừa qua, 12/15 doanh nghiệp taxi trên địa bàn đã đăng ký lại giá cước. Trong đó, 6 doanh nghiệp tăng giá từ 5 - 12%. Còn với các ứng dụng gọi xe như Grab, Gojek và Be cũng đã tiến hành tăng giá dịch vụ xe cả 2 bánh lẫn 4 bánh.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm