Thông tin trên được Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, Cục CSGT (Bộ Công an) nêu tại Hội thảo "Công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc - Thực trạng và giải pháp"
Theo Đại tá Nhật, hiện nay còn tồn tại nhiều vấn đề, bất cập trong quy hoạch, xây dựng, quản lý, bảo trì đường cao tốc gây ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bảo đảm an toàn giao thông.
Các tuyến cao tốc liên tục xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng do chưa bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn đường cao tốc ngay từ khi xây dựng như: chưa có trạm dừng nghỉ cho lái xe, không có dải phân cách cứng, không có làn dừng xe khẩn cấp hoặc có nhưng chưa bảo đảm bề rộng tiêu chuẩn, không đảm bảo hệ thống chiếu sáng ban đêm, tầm nhìn hạn chế…
132 bất hợp lý trong tổ chức giao thông cao tốc
Đại tá Nguyễn Quang Nhật thông tin, năm 2023, Cục CSGT phát hiện 132 mục bất hợp lý về tổ chức giao thông trên các tuyến đường bộ cao tốc, trong đó nổi lên những bất hợp lý chưa được khắc phục.
Sau khi xảy ra một số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng trên tuyến Cam Lộ - La Sơn, Nội Bài - Lào Cai, Cục CSGT tham mưu Bộ Công an chỉ đạo rà soát lại toàn bộ các kiến nghị chưa được khắc phục và các bất hợp lý phát sinh mới.
Đại diện Cục CSGT chỉ ra những kiến nghị cần khắc phục như: Tổ chức giao thông trên các tuyến còn nhiều tồn tại, xuất hiện tình trạng mở nhiều điểm mở cho phương tiện đi thẳng vào tuyến cao tốc (Hà Nội - Lào Cai).
Hệ thống hàng rào lưới thép còn nhiều vị trí chưa khép kín, thiếu người trực chốt, gác nên người dân vẫn có thể tự ý đi bộ, điều khiển xe máy, xe ba gác vào tuyến cao tốc, súc vật đi trên cao tốc. Tồn tại này xuất hiện trên các tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Trung Lương - Mỹ Thuận, Hạ Long - Vân Đồn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Dầu Giây.
Tại tuyến Pháp Vân - Mai Sơn, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên xảy ra tình trạng cắt rào, trèo lên đường cao tốc để đón xe khách.
Một số tuyến vừa khai thác hoạt động giao thông vừa thi công, thậm chí còn tháo dỡ hộ lan để phương tiện chở vật liệu đi từ cao tốc xuống đường gom, thi công đường gom gây bụi làm cản trở, che khuất tầm nhìn của lái xe, như tuyến Nha Trang - Cam Lâm.
Cá biệt, ông Nhật còn dẫn ra ví dụ tuyến cao tốc bị ngập sâu do mưa, làm phương tiện không lưu thông được, gây ùn tắc giao thông kéo dài.
Một số tuyến đường trong quá trình khai thác, sử dụng chất lượng bị xuống cấp, mặt đường hằn lún, sập lún tại các mối của hầm, cầu, lưu thông không êm thuận, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nhưng chậm trễ trong việc khắc phục, sửa chữa. Tình trạng này xảy ra trên các tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Thái Nguyên.
Ngoài ra, một số tuyến cao tốc thiếu hệ thống chiếu sáng, sóng điện thoại...
Khắc phục những bất cập trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn (Ảnh: Nguyễn Vương)
Riêng tuyến Hà Nội – Lào Cai, sau thời gian dài khai thác, thu phí (từ năm 2014), mặc dù lưu lượng tăng cao, xảy ra nhiều vụ tai nạn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nhưng tuyến này vẫn chưa được đầu tư mở rộng lên 4 - 6 làn xe theo đúng phê duyệt.
"Đối với những đoạn, tuyến không có dải phân cách cứng ở giữa, không có làn dừng khẩn cấp luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Khi xảy tai nạn thường đặc biệt nghiêm trọng (tuyến Cam Lộ - La Sơn, đoạn tuyến Yên Bái – Lào Cai).
Những tuyến không có làn dừng khẩn cấp khi xảy ra sự cố, tai nạn giao thông thì lực lượng chức năng khó tiếp cận điểm xảy ra vụ việc để xử lý ngay, nguy cơ cao gây tai nạn liên hoàn và ùn tắc kéo dài", Đại tá Nhật cho hay.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật chỉ ra thêm, hiện nay các tuyến cao tốc đều chưa hoàn thiện hệ thống đường gom, cầu, hầm dân sinh (Nội Bài – Lào Cai, Hà Nội – Bắc Giang – Lạng Sơn, Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Móng Cái). Đặc biệt đối với tất cả các tuyến trong giai đoạn phân kỳ còn lại chưa thực hiện, dẫn đến người dân sinh sống sát cao tốc không đi lại được bắt buộc cắt hàng rào để đi vào cao tốc.
Riêng đối với một số tuyến cao tốc do Phòng CSGT địa phương đang quản lý cũng tồn tại một số những bất cập, khó khăn do điều kiện về hạ tầng và tổ chức giao thông chưa hoàn thiện.
Tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang có 24 điểm mở đầu nối vào cao tốc, hệ thống đường gom chưa đảm bảo, không có rào chắn, dẫn đến nhiều mô tô, xe máy, người đi bộ… đi vào đường cao tốc; một số đoạn vẫn cho xe mô tô đi vào cao tốc, đi chung với làn xe ô tô và không có làn dừng khẩn cấp…
Ngoài ra, trên một số tuyến cao tốc chưa bố trí được trụ sở làm việc, bãi tạm giữ phương tiện, nơi tiếp dân, xử lý vi phạm theo quy định... gây khó khăn cho hoạt động của lực lượng làm nhiệm vụ.
CSGT mỏng, thiếu camera giám sát
Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng CSGT gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, biên chế hiện nay của lực lượng CSGT làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông chỉ đáp ứng được một phần công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc.
Việc bố trí lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên các tuyến cao tốc hiện nay còn mỏng, phương tiện thiết bị kỹ thuật hỗ trợ công tác còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa phát huy hết hiệu quả, chưa kết nối đồng bộ và khai thác tối đa hiệu quả hệ thống dữ liệu phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật thông tin tại hội thảo.
Cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị phục vụ lực lượng CSGT làm nhiệm vụ còn hạn chế. Đa số các tuyến cao tốc không quy hoạch, bố trí địa điểm xây dựng trụ sở làm việc, nơi ăn, nghỉ cho lực lượng CSGT làm nhiệm vụ, chỉ bố trí trụ sở các đơn vị quản lý đường cao tốc, vì vậy không đáp ứng được yêu cầu công tác của CSGT hiện nay.
Tại một số đoạn trên tuyến đường cao tốc do Phòng CSGT địa phương quản lý, nhất là khu vực đường Vành đai 3 trên cao từ Cầu Thanh Trì đến Cầu vượt Mai Dịch (Hà Nội), không có vị trí đứng để dừng xe kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm.
Bên cạnh đó, việc bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường nối vào các tuyến cao tốc chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Hệ thống camera giám sát giao thông còn ít, chưa được lắp đặt hệ thống camera xử phạt.
"Do vậy, tại một số thời điểm vẫn để các hành vi vi phạm như xe khách đón, trả khách không đúng nơi quy định, xe ô tô đi vào làn khẩn cấp, xe mô tô đi vào đường vành đai 3 trên cao, đi vào đường cao tốc; xe ôm dừng đón trả khách tại các điểm lên, xuống, ra, vào đường Vành đai 3 trên cao và các tuyến đường nối vào cao tốc khác…", Đại tá Nhật nhấn mạnh.
Theo thống kê của Cục CSGT, năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024, trên các tuyến cao tốc xảy ra 267 vụ tai nạn, làm chết 91 người, bị thương 172 người.
So với thời gian trước liền kề tăng 2 vụ (0,75%), tăng 30 người chết (32,97%), tăng 56 người bị thương (32,56%).
Cục CSGT cho rằng nguyên nhân chủ yếu gây ra tai nạn giao thông là do ý thức chấp hành của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao, không tuân thủ nguyên tắc khi tham gia giao thông trên đường cao tốc, hạ tầng giao thông và hệ thống báo hiệu trên cao tốc chưa hoàn chỉnh và đồng bộ.