Mặc dù chuẩn bị bước vào mùa cao điểm du lịch, song nhiều khách sạn tại Đà Nẵng đang ồ ạt rao bán, thậm chí lượng bán khách sạn lúc này được đánh giá nhiều hơn khi chưa xuất hiện dịch bệnh. Các tòa khách sạn đang được rao bán hầu hết có mức giá từ vài trăm tỷ đến nghìn tỷ đồng. Do giá trị của các tòa khách sạn đều rất cao nên việc tìm kiếm khách mua cũng khá khó khăn.
Đơn cử, một căn khách sạn 5 sao trên đường Võ Nguyên giáp đang được rao bán với mức giá 950 tỷ đồng. Theo người bán cho biết, khách sạn có diện tích 900m2, diện tích sàn là 18.000 m2 với 27 tầng nổi và 2 tầng hầm. Khách sạn thiết kế 164 phòng kinh doanh và trong đó có 3 phòng hội nghị, 1 phòng gym, massage, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, hồ bơi bơi,...
Tòa khách sạn này được xây dựng trong 3 năm và đã có pháp lý đầy đủ, rõ ràng. Theo người bán, khách sạn vẫn đang hoạt động, doanh thu hiện tại khoảng 8 tỷ đồng/tháng, giá phòng đã giảm khoảng 30% so với thời điểm chưa dịch.
Cũng trên đường Võ Nguyên Giáp, một tòa khách sạn 4 sao có view biển, diện tích 600m2 đang được rao bán với mức giá 350 tỷ đồng, tương đương 583 triệu đồng/m2. Người bán cho biết, tòa khách sạn được xây dựng 19 tầng, có 115 phòng khách sạn. Người bán cho biết thêm, hiện khách sạn có doanh thu khoảng 25 - 30 tỷ đồng/năm. Do chủ khách sạn đang gặp vay nợ tại ngân hàng nên cần bán đi để trả nợ.
“Hàng loạt khách sạn tại Đà Nẵng đang phải rao bán trước mùa cao điểm du lịch. Nguyên nhân do lãi suất tăng cao, họ không đủ tài chính để chi trả. Nếu một khách sạn nhỏ không vay ngân hàng thì công suất phòng phải đạt khoảng 30% trở lên mới đủ chi phí hoạt động. Còn khách sạn vay ngân hàng thì ít nhất tỷ lệ lấp đầy khoảng 50% số phòng mới đủ tiền vận hành”, người môi giới này nói thêm.
Thực tế, hiện nhiều khách sạn tại Đà Nẵng từ 2 - 5 sao đang được rao bán rầm rộ tại nhiều nơi. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Đức Toản nói: “Sau một trận ốm nặng, con người cần thời gian để phục hồi. Nhưng hậu quả của trận ốm để lại mới quan trọng, giống như việc du lịch mới trải qua đại dịch Covid - 19.
Tuy nhiên, việc đầu tư khách sạn cần số tiền rất lớn nên đa phần chủ đầu tư phải sử dụng đòn bẩy tài chính. Một tòa khách sạn khoảng 100 phòng kinh doanh, nguyên tiền xây dựng đã khoảng 200 tỷ đồng, cộng thêm tiền đất và các chi phí vận hành, dịch vụ,... số tiền là rất lớn”.
Theo đó, ông Toản cho rằng, các chủ khách sạn có thể gồng trong giai đoạn dịch bệnh diễn ra vì lãi suất thời điểm đó thấp và có một lượng tiền dự trữ nhất định. Tuy nhiên, hiện nay lãi suất liên tục tăng cao, áp lực tài chính lớn khiến các chủ khách sạn không thể “gồng” nổi, nên phải rao bán.
“Bộ phận M&A của chúng tôi ghi nhận lượng bán khách sạn hiện nay cao hơn khi dịch bệnh diễn ra. Trong đó, Đà Nẵng là khu vực có lượng khách sạn rao bán nhiều top đầu”, ông Toản nói.
Theo vị này, mặc dù Việt Nam mở cửa du lịch sớm nhưng chủ yếu vẫn chỉ có một số khách du lịch từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản,... và trong nước. Dù lượng khách có tăng hơn thời điểm trước nhưng không nhiều và chưa bằng trước dịch. Do đó, việc tiếp tục kinh doanh để duy trì được bộ máy, trả lãi ngân hàng rất khó khăn.
“Tôi cũng có một khách sạn đang kinh doanh tại Đà Nẵng nên rất hiểu tình trạng hiện nay. Một khách sạn 4 sao có khoảng 150 phòng chi phí một tháng khoảng vài tỷ đồng, lượng phòng lấp đầy khoảng 45% trở lên chỉ đủ tiền để vận hành.
Nếu tiếp tục hoạt động cũng vẫn rất khó khăn, nhưng nếu không hoạt động còn khổ hơn. Một số chủ khách họ chuyển sang cho các đơn vị khác thuê để khai thác nhưng tiền thu về không đủ để trả ngân hàng nên đành phải bán khách sạn”, ông Toản nói.
Vị này cho rằng, ngay sau dịch, khách nội địa là nguồn cứu cánh của các khách sạn nhưng đến nay giữa bối cảnh kinh tế khó khăn chung, nên nhu cầu không cao như trước kia. Tuy nhiên, ông Toản cho rằng, các khách sạn rao bán hiện nay đều có vị trí không tốt, hoặc tự vận hành nên không chuyên.
“Với những khách sạn ở vị trí tốt và có chiến lược vận hành chuyên nghiệp hoặc thuê một đơn vị vận hành riêng có hệ thống chuỗi vẫn có lượng khách ổn định định và kinh doanh tốt”, ông Toản nhận định.