"Doanh thu đến tháng 11 của công ty ghi nhận tăng trưởng gấp đôi so với cùng kỳ 2021. Việt Nam là thị trường rất quan trọng và tích cực", Ông Paul Loo, Giám đốc Điều hành Lalamove, chia sẻ trong lần đến Việt Nam mới đây.
Có được kết quả tích cực này, Lalamove cho biết nhờ chọn lối đi riêng và thị trường thương mại điện tử sôi động thời gian qua.
Theo báo cáo"E-Conomy SEA 2022" của Google, Temasek, Bain & Company, thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm nay đạt quy mô 14 tỷ USD, tăng 14% so với 2021 và sẽ đạt 32 tỷ USD vào 2025. Đà tăng này giúp mảng giao nhận vận tải và đồ ăn trực tuyến cũng phát triển 17%, từ quy mô 2 tỷ USD vào 2021 lên 3 tỷ USD năm nay và có thể đạt 5 tỷ USD sau 3 năm tới.
Cũng theo báo cáo, 85% người dùng được hỏi ở thành thị có dùng dịch vụ vận tải trực tuyến (đặt giao hàng qua các ứng dụng) và 25% người tiêu dùng kỹ thuật số nói chung ở Việt Nam có ý định tăng dùng dịch vụ này.
Nắm thời cơ trên, Lalamove vốn tham gia thị trường Việt Nam ở mảng vận chuyển nội đô, đã nhanh chóng mở rộng ra vận chuyển đường dài, liên tỉnh với độ phủ lên đến 40 tỉnh thành. "Hiện giao hàng liên tỉnh vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu doanh thu nhưng loại hình này đang có tốc độ phát triển rất nhanh", ông Paul nói.
Có trụ sở chính ở Hong Kong, Lalamove hoạt động ở hơn 350 thành phố tại Trung quốc đại lục. Tính trên toàn cầu, họ có mặt ở 11 thị trường và vào Việt Nam cuối năm 2017. Theo thông tin mới nhất từ công ty, nền tảng này có hơn một triệu người dùng, trên 100.000 đối tác tài xế và trên 20.000 đối tác kinh doanh ở Việt Nam.
Tuy nhiên, thị trường logistics Việt Nam vốn không dễ dàng, nhất là khi chịu ảnh hưởng của Covid-19 và mức độ cạnh tranh cao.
"Hai năm qua, chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn và luôn cố gắng linh hoạt nhất có thể", ông Paul chia sẻ. Theo ông, cách giúp công ty vượt qua là nhờ sự đa dạng phương tiện giao hàng, cộng với mạng lưới đối tác tài xế rộng khắp, mở rộng quy mô trong thời gian ngắn.
Trong nguy có cơ, điều này giúp công ty đáp ứng được nhu cầu khách hàng trong giai đoạn dịch và cả lúc phục hồi. Theo phân tích của ông Paul, hiện các chủ doanh nghiệp rất thận trọng trong việc đầu tư cố định vào một đội xe, tài xế chỉ để phụ trách các hoạt động vận tải vì chứa nhiều rủi ro trong tương lai bất định. Vì vậy, họ sẽ tìm đến các nền tảng giao hàng.
Tuy nhiên, thị trường giao nhận, nhất là chặng đầu cuối (last miles) vốn là thị trường đầy thách thức, dễ bị tổn thương bởi các biến động từ chi phí xăng dầu đến sức khỏe các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Bản thân Lalamove có khoảng 70-80% khách hàng là SME và đa phần đơn giao là các chuyến last miles.
Cách đây không lâu, giá nhiên liệu tăng cùng với biến động tỷ giá hối đoái tạo nên một áp lực rất lớn, dẫn tới ảnh hưởng đến chi phí vận hành của các tài xế, hoạt động của khách hàng doanh nghiệp của nền tảng, theo ông Paul. Cho đến nay, các yếu tố này hạ nhiệt thì lạm phát nhìn chung vẫn cao.
"Với tư cách là một nền tảng vận chuyển, điều chúng tôi có thể làm được là tiếp tục đầu tư vào công nghệ để cho các thuật toán kết nối giữa các phương tiện và khách hàng ngày một hiệu quả hơn", ông nêu giải pháp.
Ngoài ra, về dài hạn, mức độ cạnh tranh của ngành này vẫn rất cao. Theo E-Conomy SEA 2022, năm 2021 vốn đầu tư tư nhân không chảy vào các nền tảng vận tải trực tuyến của Việt Nam. Nhưng nửa đầu năm nay, trong khoảng 700 triệu USD rót vào, có khoảng 15% là dành cho mảng này.
Các nền tảng logistics trong ngành cũng rầm rộ mua bán sáp nhập, tung ra các giải pháp logistics trọn gói cho bán hàng đa kênh, hay phát triển thành siêu ứng dụng. Tuy nhiên, ông Paul Loo tin vào sự tăng trưởng tự nhiên, tự hoàn thiện mọi việc theo kiểu "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh".
"Quy mô cũng rất quan trọng đối với doanh nghiệp logistics nên việc nhiều đối thủ chọn con đường M&A là dễ hiểu", ông Paul nói. Riêng Lalamove, ông cho biết sẽ gia tăng quy mô bằng cách tập trung gia tăng năng lực cốt lõi, giảm chi phí logistics cho khách và tăng thu nhập tài xế.
"Tiềm năng của chiếc bánh trong ngành này còn rất lớn, miễn là chúng ta đáp ứng được đúng nhu cầu của khách hàng và gia tăng giá trị cho hệ sinh thái", ông chia sẻ.