Tập đoàn hàng đầu về quản lý đầu tư và các dịch vụ chuyên nghiệp – vừa mới công bố Báo cáo Tổng quan Thị trường châu Á - Thái Bình Dương quý 1/2022. Báo cáo cho thấy các thị trường bất động sản lớn ở châu Á - Thái Bình Dương đang trên đà hồi phục, chủ yếu nhờ sự tăng trưởng của phân khúc bất động sản văn phòng và công nghiệp. Dự báo, giao dịch trong hai phân khúc này sẽ tiếp tục gia tăng trong các quý tới.
Việt Nam: Ông David Jackson, Tổng Giám Đốc, Colliers tại Việt Nam cho biết, số liệu từ Báo cáo Tổng quan Thị trường châu Á - Thái Bình Dương quý 1/2022 cho thấy các thị trường lớn trong khu vực đang trên đà hồi phục. Việt Nam là một ngôi sao sáng với phân khúc bất động sản công nghiệp đang phát triển mạnh cùng với xu hướng đa dạng hóa sản xuất và chuỗi cung ứng trong khu vực. Chính phủ có nhiều chính sách và chương trình khuyến khích nhằm kích thích tăng trưởng, các dự án đình trệ đang tái khởi động và có nhiều cơ hội đầu tư ở mọi phân khúc thị trường.
Australia và New Zealand: Nhu cầu bất động sản văn phòng tăng ở nhiều thành phố lớn sau khi Úc mở cửa biên giới, cùng với sự trở lại nơi làm việc của người đi làm. Trong năm nay, kì vọng khối lượng giao dịch sẽ còn gia tăng đáng kể tại Sydney và Melbourne, khi các công ty khuyến khích nhân viên trở lại nơi làm việc và các nhà đầu tư tìm cách mở rộng danh mục đầu tư. Nhu cầu mặt bằng bán lẻ và văn phòng tại Aukland (New Zealand) tăng chủ yếu do các nhà đầu tư đang tranh thủ đón đầu thị trường khi các hạn chế được nới lỏng và số ca nhiễm Omicron giảm dần. Nhu cầu đối với bất động sản thương mại và công nghiệp chất lượng cao cũng được kì vọng sẽ tăng lên vào cuối năm khi biên giới được mở, thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại.
Trung Quốc: Bắc Kinh ghi nhận tổng giá trị giao dịch bất động sản văn phòng đạt 2,94 triệu đô-la Mỹ, chủ yếu từ nguồn khách hàng nước ngoài. Tại Thượng Hải, 60% giao dịch chủ yếu tập trung ở phân khúc văn phòng và văn phòng trong cụm Business Park với tổng giá trị 939 triệu đô-la Mỹ. Giá trị giao dịch tại Thâm Quyến đạt 123 triệu đô-la Mỹ, còn tại Quảng Châu là 47 triệu đô-la Mỹ. Colliers ước tính nhu cầu văn phòng sẽ tiếp tục tăng mạnh tại các khu thương mại trung tâm (CBD) và các Business Park ở nhiều thành phố lớn, gồm cả Thành Đô và Tây An.
Hồng Kông: Hoạt động đầu tư giảm 46% so với quý trước và sụt 6% so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức 1,4 tỷ đô-la Mỹ trong quý 1/2022, do tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi số ca nhiễm Omicron gia tăng, căng thẳng địa chính trị toàn cầu và biến động thị trường chứng khoán. Đồng thời, các nhà đầu tư chuyển sang phân khúc khách sạn do tiềm năng doanh thu ổn định từ việc sử dụng làm nơi lưu trú chung hoặc cách ly. Khi các hạn chế được nới lỏng và các xu hướng vĩ mô được cải thiện, Colliers hy vọng lượng giao dịch sẽ hồi phục trong nửa sau của năm nay. Khách sạn sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư tổ chức. Bất động sản công nghiệp, bao gồm trung tâm dữ liệu và kho lạnh sẽ tái lập sức hút trong khi các nhà đầu tư địa phương có thể sẽ tiếp tục tập trung vào bất động sản bán lẻ.
Singapore: Hoạt động đầu tư bắt đầu khởi sắc trong quý 1/2022, tăng 34,4% so với quý trước lên 7,8 tỷ đô-la Mỹ, chủ yếu nhờ doanh số từ thương vụ bán Trung tâm mua sắm Tanglin cho Royal Golden Eagle của Indonesia với giá 645,6 triệu đô-la Mỹ trong tháng 2 vừa qua. Khi biên giới mở trở lại, hoạt động mua bán-sáp nhập doanh nghiệp và các hoạt động xuyên biên giới sẽ thúc đẩy tăng trưởng vốn, nhu cầu bất động sản bán lẻ và khách sạn sẽ gia tăng. Tuy nhiên, giá cả và lượng giao dịch sẽ bị giới hạn bởi lãi suất tăng và căng thẳng địa chính trị.
Hàn Quốc: Khối lượng giao dịch trên thị trường văn phòng Seoul đạt mức 3,6 tỷ đô-la, nhờ các giao dịch bất động sản lớn và cao cấp. Lãi suất tăng và nguồn cung giảm có thể kìm hãm số lượng giao dịch trong tương lai, nhưng các giao dịch lớn liên quan đến tài sản chính có thể duy trì tổng khối lượng ở mức cao, chẳng hạn như IFC thuộc sở hữu của Brookfield ở Khu thương mại Yeouido có giá trị khoảng 3,2 tỷ đô-la Mỹ. Giá văn phòng tiếp tục có xu hướng tăng, chủ yếu ở khu vực Gangnam nơi có nhiều công ty công nghệ.
Nhật Bản: Thị trường bất động sản Nhật Bản ghi nhận nhiều khoản đầu tư vào phân khúc văn phòng, nhà ở và hậu cần, lực đẩy chủ yếu đến từ các quỹ tín thác Nhật Bản (J-REITs). Các khoản đầu tư cũng rót vào lĩnh vực khách sạn và bán lẻ, vốn đã sẵn sàng cho sự phục hồi bền vững cùng với sự cải thiện tổng thể về triển vọng kinh tế khi quốc gia này tìm cách loại bỏ những lo ngại về Covid-19. Colliers kì vọng các giao dịch xuyên biên giới sẽ gia tăng sau khi Nhật Bản mở cửa trở lại. J-REITs sẽ tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực văn phòng và hậu cần, và sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài đang tăng lên - thể hiện qua việc GIC mua các khách sạn và thiết bị nội thất của tập đoàn Seibu với giá 1,2 tỷ đô-la Mỹ và KKR có kế hoạch mua lại tất cả cổ phiếu đang lưu hành của Mitsubishi Corporation-UBS Realty với giá 1,9 tỷ đô-la Mỹ.