PLX&OIL:
Chiều ngày 4/7, Liên Bộ Tài chính - Công Thương phát đi thông tin về việc điều hành giá xăng dầu. Theo đó, Liên Bộ quyết định tăng 450 đồng/lít với xăng E5 RON 92 lên 22.460 đồng/lít; tăng 540 đồng/lít đối với xăng RON 95, giá mới là 23.550 đồng/lít. Tương tự, giá dầu diesel cũng được điều chỉnh tăng 490 đồng/lít, giá bán ở mức 21.170 đồng/lít. Đây là đợt điều chỉnh tăng giá thứ 4 liên tiếp của mặt hàng quan trọng này.
Cùng ngày, cổ phiếu của hai nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất cả nước là Petrolimex (PLX) và PV Oil (OIL) cũng tăng mạnh. Thị giá PLX tăng 4,9% phiên 4/7 lên mức 43.900 đồng/cp trong khi OIL tăng đến 13,6% lên 14.200 đồng/cp. Đây đều là mức giá cao nhất của 2 cổ phiếu này trong hơn 2 năm trở lại đây.
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, cổ phiếu PLX đã tăng 32% qua đó đẩy vốn hóa thị trường của Petrolimex lên gần 56.000 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD). Tương tự, cổ phiếu OIL cũng tăng 42% sau nửa năm, đẩy vốn hóa lên 14.600 tỷ đồng (hơn 500 triệu USD). Dù vậy, những con số này vẫn còn kém xa mức kỷ lục mà hai doanh nghiệp từng đạt được.
Theo ước tính, Việt Nam hiện có hơn 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, cung cấp hàng chục triệu tấn sản phẩm cho người tiêu dùng mỗi năm. Khoảng gần 70% thị phần xăng dầu dựa trên doanh thu nội địa hiện nằm trong tay "bộ đôi" Petrolimex và PV Oil. Trong đó, Petrolimex dẫn đầu với thị phần 50% cùng 5.500 cửa hàng trên toàn quốc. PV Oil xếp thứ 2 với thị phần 18% cùng 700 cửa hàng trực thuộc.
Trong quý đầu năm 2024, tổng doanh thu của Petrolimex và PV Oil lên đến gần 105.000 tỷ đồng, cao nhất kể từ quý 2/2022. Bình quân mỗi ngày hai nhà bán lẻ xăng dầu này thu về 1.150 tỷ đồng. Petrolimex ghi nhận doanh thu quý 1 đạt hơn 75.000 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ 2023 trong khi doanh thu của PV Oil tăng đến hơn 44% lên 29.600 tỷ đồng.
Cùng bội thu trong quý đầu năm nhưng lợi nhuận của hai nhà bán lẻ xăng dầu này lại biến động trái chiều so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế quý 1 của Petrolimex tăng gần 70% lên hơn 1.300 tỷ đồng trong khi PV Oil lại báo lãi giảm hơn 8% so với cùng kỳ 2023, xuống mức 244 tỷ đồng.
Đánh giá về triển vọng kinh doanh quý 2, báo cáo mới đây của ACBS cho rằng Petrolimex có thể sẽ kém khả quan hơn so với quý 1. Trong tháng 5/2024, giá bán xăng dầu đang sụt giàm so với tháng 3&4/2024 do giá dầu giảm. Mức giảm này có thể khiến cho Petrolimex chịu bất lợi về tồn kho giá cao. Ngoài ra, thuế nhập khẩu xăng dầu từ 2024 giàm về 0% theo các hiệp định FTAcó thể làm giảm phần lợi thuế chênh lệch của doanh nghiệp này.
Tính chung cả năm 2024, cùng với nguồn xăng dầu ổn định, Petrolimex sẽ được hưởng lợi nhờ áp dụng chi phí định mức mới trong cả năm 2024 thay vì từ tháng 7/2023. Sản lượng tiêu thụ ước tính tăng 4% so với năm trước nhờ hoạt động sản xuất phục hồi.
Bên cạnh đó, theo nghị định 80/2023, các chi phí vận chuyển đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, chi phí bảo hiểm, premium trong công thức tính giá bán ra cũng được điều chình thường xuyên hơn, 3 tháng/lần (thay vì 6 tháng như trước đây) giúp làm giảm rủ ro đóng cửa của một số CHXD nhỏ như năm 2022. Ngoài ra, dự thảo sửa đổi Nghị định 80/2023 cũng có nhiều điểm hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu như Petrolimex.
Với PV Oil, tổng công ty vừa tổ chức sơ kết 6 tháng đầu năm với sản lượng kinh doanh xăng dầu ước đạt 2,8 triệu m3/tấn. Doanh thu và lợi nhuận trước thuế ước đạt lần lượt gần 64.000 tỷ và 390 tỷ đồng. Tính riêng quý 2, doanh thu PV Oil ước đạt 34.376 tỷ đồng, tăng 54% nhưng lợi nhuận trước thuế lại giảm 64% so với cùng kỳ 2023, ước đạt 91 tỷ đồng.