Trong kịch bản thứ nhất, thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá tích cực hơn khi Chứng khoán BSC dự báoVN-Index cân bằng ở vùng đáy ngắn hạn và hướng đến vùng 1.250 – 1.270 điểm với tâm lý tích cực trở lại khi nền kinh tế tiếp tục cho thấy dấu hiệu tăng trưởng khả quan.
"Động lực đến từ quyết tâm của các cơ quan điều hành trong việc thực thi các biện pháp bình ổn giá cả, ổn định kinh tế vĩ mô hướng đến mục tiêu tăng trưởng bên cạnh nỗ lực trong việc triển khai các phương thức mới trong giao dịch, quản lý chứng khoán nhằm mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Thị trường sẽ phân hóa dựa trên kết quả kinh doanh quý II cũng như tình hình thế giới", báo cáo nêu.
Kịch bản thứ hai có phần kém sắc, tâm lý tiêu cực về nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ trước những hành động quyết liệt của Fed nhằm kiềm chế lạm phát cũng như sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc khi tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp bất chấp những biện pháp phục hồi kinh tế.
Giá cả hàng hóa ở mức cao gây áp lực lên các biện pháp điều hành của Chính phủ, tâm lý bi quan, thận trọng tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong bối cảnh thanh khoản không có nhiều cải thiện. VN-Index được dự báo dao động trong vùng 1.160 - 1.180 điểm.
Nói thêm về định giá thị trường hiện tại,P/E VN-Index kết thúc tháng 6 ở mức 13,04 lần, giảm gần 19% so với quý trước, và thấp hơn mức 16,33 lần P/E bình quân 5 năm. Mức P/E của VN-Index hiện đang ở mức định giá hấp dẫn khi đứng thứ 5 châu Á, trong khi P/E HNXIndex ở mức 14,69 lần – đứng thứ 11 khu vực châu Á.
Theo dự phóng của BSC, P/E của VN-Index vận động trong vùng 13,5 - 14 lần khi tâm lý tích cực trở lại khi nền kinh tế tiếp tục khởi sắc bên cạnh kỳ vọng kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp.
Phân tích về rủi ro của thị trường, trong bối cảnh thị trường bước vào giai đoạn “bear-market” Nhà đầu tư cần thận trọng trong việc phân bổ các danh mục dựa trên triển vọng ngành và k của kết quả kinh doanh quý II của từng doanh nghiệp, hạn chế đối với các cổ phiếu mang tính chất đầu cơ cao.
Một số nhóm ngành, cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, mang tính chất phòng thủ có thể cân nhắc đầu tư bao gồm nhóm năng lượng, tiện ích, nhóm cảng biển, nhóm cổ phiếu xuất khẩu, nhóm ngành tài chính, bảo hiểm, công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần theo dõi thêm tình hình lạm phát, chính sách điều hành lãi suất của FED các ngân hàng trung ương khác cũng như nguy cơ suy thoái kinh tế để hạn chế tối đa rủi ro.