Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (Mã: HRT) tiếp tục có sự khởi sắc về quy mô hoạt động khi doanh thu quý II tăng 24% so với cùng kỳ đạt gần 780 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu hàng quý cao nhất trong 8 năm qua.
Trong đó, mảng hành khách và hành lý với doanh thu tăng thêm gần 108 tỷ và doanh thu vận tải hàng hóa cũng tăng 17 tỷ đồng. Các hoạt động khác đóng góp tăng gần 24 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù quy mô doanh thu mở rộng nhưng lợi nhuận của đơn vị này lại lao dốc gần 76% so với cùng kỳ, chỉ còn hơn 6 tỷ đồng, đồng thời cũng kém xa khoản lãi 34 tỷ đồng quý đầu năm.
Lãnh đạo công ty trình bày nguyên nhân cơ bản là do tăng chi phí điều hành giao thông vận tải, bởi đơn giá nhiên liệu tăng gần 11%. Bên cạnh đó các chi phí khác cũng cao hơn như phí sử dụng kết cấu hạ tầng, chi phí các sản phẩm tác nghiệp liên quan đến tổ chức chạy tàu...
Tình cảnh tương tự cũng diễn ra tại Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn (Mã: SRT). Doanh thu trong quý vừa qua tăng gần 24% lên 525 tỷ đồng; tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại giảm mạnh 57% xuống dưới 5 tỷ đồng, kém xa khoản lãi 33 tỷ đồng quý đầu năm.
Công ty vận tải nói giá nguyên vật liệu tăng do lạm phát, chiến tranh nhiều nơi trên thế giới; phát sinh thêm chi phí chuyển tải, phục vụ hành khách trong 2 sự cố sạt lở hầm Bãi Gió và Chí Thạnh. Chi phí nhiên liệu của doanh nghiệp cũng tăng 7% từ 17.114 đồng/lít lên 18.355 đồng/lít.
Dù bị bào mòn lợi nhuận trong quý II nhưng kết quả quý đầu năm tốt vẫn giúp hai đơn vị có bức tranh kinh doanh tốt. Lợi nhuận bán niên HRT đạt hơn 25 tỷ và SRT gần 38 tỷ đồng, lần lượt gấp 2 lần và 3,5 lần kế hoạch năm.
Đường sắt Hà Nội và Đường sắt Sài Gòn là hai thành viên có quy mô lớn nhất thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), mang lại nguồn thu lớn và đóng góp quan trọng về lợi nhuận cho tổng công ty.
Thực tế, hoạt động của VNR đã có những thay đổi theo hướng tích cực, cả về hình ảnh mới năng động hơn và kết quả kinh doanh tiến triển, tạo tiền đề quan trọng để đón dòng vốn hàng trăm tỷ USD đầu tư mạng lưới đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị trong dài hạn.
Năm 2023, VNR ngắt mạch 3 năm lỗ liên tiếp trước đó khi có lãi trở lại hơn 100 tỷ đồng. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2023 - 2025 là 327 tỷ đồng (giai đoạn 2021 - 2022 bị lỗ gần 1.200 tỷ đồng).
Trong nửa đầu năm, VNR báo doanh thu hợp nhất đạt trên 4.500 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ 2023. Đây là mức doanh thu bán niên kỷ lục của VNR và cao hơn mức thu cả năm của giai đoạn 2019-2021. Lợi nhuận sau thuế gần 77 tỷ đồng, giảm gần 42%.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam gồm 25 công ty con, 17 công ty liên doanh, liên kết với tổng số lao động là 22.041 người. VNR đang được Nhà nước giao quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng tổng chiều dài 3.143 km, gồm 15 tuyến đường sắt đi qua 34 tỉnh, thành phố.
Trong Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, hai đơn vị thành viên chủ lực là HRT và SRT sẽ hợp nhất thành một đơn vị mới Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt (VRT) với vốn điều lệ hơn 1.300 tỷ đồng, hoàn thành trước cuối năm 2024.
Đại hội đồng cổ đông của 2 công ty cũng đã thông qua nội dung liên quan đến việc hợp nhất và HĐQT 2 công ty đã có quyết định thông qua nội dung, ký kết hợp đồng hợp nhất. Hai đơn vị đang triển khai các thủ tục tiến tới hợp nhất.
Cổ phiếu HRT và SRT cũng được chú ý với nhiều phiên tăng trần và có thanh khoản tốt trở lại. Hai mã chứng khoán này đều đã vượt mệnh giá sau nhiều năm vắng giao dịch lình xình, thị giá lần lượt 12.700 đồng/cp và 12.400 đồng/cp, cao hơn 80-110% so với đầu năm.
Kỳ vọng dòng vốn tỷ USD
Vào đầu tháng 7, Thủ tướng Phạm Minh Chính có đề nghị Hàn Quốc thúc đẩy khoản vay trị giá 2 tỷ USD và điều kiện vay không ràng buộc đối với các khoản vay Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế để phát triển hạ tầng chiến lược, như xây đường sắt cao tốc.
Hay tại cuối tháng 6, tại hội nghị của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết nhu cầu vốn cho phát triển giao thông của Việt Nam từ nay đến năm 2045 rất lớn.
Mạng lưới đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị của Hà Nội và TP HCM được quy hoạch theo tổng nhu cầu vốn xấp xỉ 4,8 triệu tỷ đồng (khoảng 188 tỷ USD), trong đó nguồn vốn xã hội hóa của doanh nghiệp xấp xỉ 1 triệu tỷ đồng.