Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 8/11/2022.
Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hà Tĩnh rà soát, bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ trên địa bàn và các quy hoạch không còn phù hợp, sau đó thông báo công khai danh mục các quy hoạch được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh hết hiệu lực.
Đến năm 2025, Hà Tĩnh phải hoàn thành việc rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị, nông thôn, các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.
Theo Kế hoạch, các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh Hà Tĩnh bao gồm: Hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; Chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ cao; Nguồn điện và lưới điện; Hạ tầng logistics, hệ thống cảng biển, bến cảng đường thủy nội địa; Các khu nông, lâm nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao; Cấp nước sạch; Các khu đô thị, khu du lịch, khu thể thao; Cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, thương mại, dịch vụ.
Để thu hút các nguồn vốn đầu tư, Hà Tĩnh sẽ ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng.
Hạ tầng Khu kinh tế Vũng Áng và Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là các đô thị động lực đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh... là những dự án nằm trong danh mục ưu tiên thực hiện.
Việc đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng của tỉnh sẽ giúp phát huy hiệu quả đầu tư của các công trình hạ tầng đã và đang được thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công, qua đó đẩy mạnh thu hút đầu tư mở rộng, nâng cao năng suất, hiệu quả các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, đê điều, cấp nước, xử lý rác thải, nước thải, hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững, đồng thời quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới của tỉnh.
Tỉnh Hà Tĩnh đặt mục tiêu trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất cả nước.
Tầm nhìn đến năm 2050, Hà Tĩnh là tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững, trở thành một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước.
Tăng trưởng GRDP Hà Tĩnh nửa đầu năm tăng 20 hạng, đứng thứ hai khu vực Bắc Trung Bộ
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ hai khu vực Bắc Trung Bộ vàxếp thứ 20 cả nước. Trong đó, khu vực nông - lâm nghiệp - thủy sản tăng 2,64%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 10,7%, khu vực dịch vụ tăng 6,75%, thuế sản phẩm trừ trở cấp sản phẩm tăng 5,06%.
Tính từ đầu năm đến nay, Hà Tĩnh đã chấp thuận chủ trương 16 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 1.745 tỷ đồng (cùng kỳ chấp thuận 10 dự án với tổng vốn 1.254 tỷ đồng). Lũy kế toàn tỉnh hiện có gần 1.500 dự án, với quy mô 517.000 tỷ đồng.
Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 9.490 tỷ đồng, đạt 54,2% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt 4.848 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu đạt 4.642 tỷ đồng. Giải ngân đầu tư công đạt 2.060 tỷ đồng, bằng 39,2% kế hoạch. Trong đó, vốn Trung ương quản lý đạt 283 tỷ đồng, vốn địa phương quản lý đạt 1.779 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nửa đầu năm 2024, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tỉnh Hà Tĩnh giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 25,34%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 10,18%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 35,63%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 16,21%.
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đánh giá, công nghiệp tăng trưởng chủ yếu nhờ sự đóng góp của một số ngành như điện sản xuất, bia, pack pin. Trong khi đó, một số sản phẩm chủ lực như thép, sợi lại có xu hướng giảm do khó khăn về thị trường đầu ra và sự cố tại dây chuyền cán nóng của Formosa từ ngày 1 - 15/4 vừa qua.
Khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm kim loại và xuất nhập khẩu của Formosa cũng là nguyên nhân chính khiến trong nửa đầu năm nay, các khoản thu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài của địa phương này chỉ đạt 558,54 tỷ đồng, giảm 69,03% so với cùng kỳ; thu từ cân đối hoạt động xuất nhâp khẩu đạt 2.233,60 tỷ đồng, giảm 7,25% so với cùng kỳ năm 2023.