Theo đúng kế hoạch, ngày 1/12, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Hà Nội tổ chức vận hành thử Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, với công suất 100.000 m3/ngày đêm, nâng tỷ lệ xử lý nước thải của thành phố lên 40%.
Thời gian vận hành thử trong vòng 6 tháng. Dự kiến năm 2025, khi dự án hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc, với công suất 270.000 m3/ngày đêm, tỷ lệ xử lý nước thải sẽ đạt 50%, hoàn thành chỉ tiêu đề ra.
Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá được xây dựng tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội, với diện tích gần 14ha, được thi công từ năm 2019.
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá thành phố Hà Nội, do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ (2013-2025) nhằm cải thiện môi trường sống, hệ sinh thái tự nhiên và điều kiện vệ sinh tại các khu đô thị trung tâm của lưu vực sông Tô Lịch, tả ngạn sông Nhuệ và lưu vực sông Lừ.
Bằng việc đầu tư phát triển hệ thống thoát nước để thu gom và xử lý lượng nước thải do hoạt động của con người sinh ra, dự án góp phần nâng cao khả năng phát triển bền vững cho Thủ đô.
Báo cáo tiến độ 4 gói thầu xây lắp chính của Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội Chu Mạnh Tuấn cho biết gói thầu số 1 (xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá) do Liên danh JFE-TSK (Nhật Bản) thi công đã hoàn thành. Hiện, chủ đầu tư đang báo cáo thành phố gia hạn thời gian thực hiện của hợp đồng để phục vụ vận hành thử nghiệm nhà máy theo quy định.
Đối với Gói thầu số 2 (xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính) do Công ty TEKKEN (Nhật Bản) thi công, đến nay cũng hoàn thành khoảng 98%; trong đó, cơ bản hoàn thành toàn bộ tuyến ống. Nhà thầu đang hoàn trả mặt bằng và dự kiến hoàn thành toàn bộ gói thầu trong tháng 12/2024.
Riêng Gói thầu số 3 (xây dựng hệ thống cống thu gom nước thải dọc sông Lừ) có chiều dài hơn 7.660m, do bị chậm tiến độ (mới đạt 10% khối lượng), thành phố đã chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện các thủ tục chấm dứt hợp đồng với nhà thầu cũ; đồng thời khẩn trương lựa chọn nhà thầu khác để triển khai thi công.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội đã tiến hành các thủ tục chấm dứt hợp đồng với nhà thầu thi công; đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xin chấp thuận chủ trương điều chỉnh nguồn vốn từ ODA sang ngân sách thành phố để đảm bảo tiến độ.
Về Gói thầu số 4 (xây dựng hệ thống cống cho một phần khu vực Hà Đông và khu đô thị mới), liên danh nhà thầu Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại An Xuân Thịnh và Công ty Cổ phần sông Đà 9 đã được ký phụ lục hợp đồng gia hạn từ tháng 11/2023 và thi công trở lại từ tháng 2/2024. Đến nay, đã hoàn thành khoảng 22% khối lượng công việc. Chủ đầu tư đang tập trung đôn đốc đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành trong năm 2025.
Cũng theo Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội Chu Mạnh Tuấn, năm 2024, Dự án được bố trí vốn ODA là 1.083 tỷ đồng. Dự kiến, tháng 11/2024 giải ngân đạt khoảng 534,71 tỷ đồng (đạt 49,4%).
Mặc dù khối lượng công việc cơ bản đã hoàn thành, đảm bảo việc giải ngân hết vốn năm 2024 được giao; song, do nhiều khác biệt giữa quy định hợp đồng FIDIC (hợp đồng do Hiệp hội Các kỹ sư tư vấn quốc tế soạn thảo) và quy định của Việt Nam nên Ban đang nỗ lực phối hợp với nhà thầu, tư vấn để tháo gỡ các vướng mắc và phấn đấu giải ngân hết vốn giao 2024.
Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã có văn bản báo cáo Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua Nghị quyết về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Cũng theo chủ đầu tư, dự án vẫn còn vướng mắc chưa thống nhất việc áp dụng chi phí quản lý và tiền lãi của nhà thầu dẫn đến nhiều khối lượng hoàn thành nhưng chưa thể thanh toán. Ban đã có văn bản xin ý kiến tháo gỡ từ phía Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.
Để sớm phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội đề xuất thực hiện theo quy định về thẩm quyền được quy định tại Luật Thủ đô. Sau khi Luật Thủ độ có hiệu lực (vào ngày 1/1/2025), Ban sẽ tiến hành điều chỉnh dự án trên cơ sở ý kiến thông qua của Hội đồng Nhân dân tại kỳ họp tháng 12/2024. Cùng đó, Ban Quản lý dự án cũng kiến nghị thành phố xem xét giao cơ quan chức năng hướng dẫn Ban thanh toán theo quy định của pháp luật Việt Nam về vướng mắc các nội dung sai khác giữa quy định của Hợp đồng theo mẫu FIDIC và quy định của Việt Nam.
Đồng thời, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có ý kiến với JICA sớm trả lời ý kiến về việc áp dụng "Thủ tục hoàn trả" đối với các khoản tạm ứng vốn đối ứng để thanh toán cho khối lượng xây lắp và tư vấn, giải quyết khó khăn vướng mắc về nguồn vốn thanh toán cho nhà thầu trong thời gian chờ thực hiện thủ tục đàm phán, thương thảo, ký kết Hiệp định vay số 2; phối hợp với Chính phủ Việt Nam rút ngắn quy trình thủ tục vay Hiệp định 2 cho phần còn thiếu của dự án sau khi nhận được yêu cầu từ phía Việt Nam.
Giải quyết vướng mắc, xử lý triệt để ô nhiễm môi trường
Tại buổi kiểm tra thực tế tiến độ triển khai thực hiện Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá cuối tháng 11 vừa qua, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông chỉ đạo, trong 3 gói thầu thu gom nước thải, gói thầu số 2 đã cơ bản hoàn thành nhưng khi nhà máy vận hành sẽ chưa thể thu gom triệt để nước thải vào sông, nhất là đoạn thượng lưu do còn 8 cửa xả chưa được thu gom vào hệ thống.
Vì vậy, Sở Xây dựng Hà Nội tham mưu bổ sung thu gom ngay 8 cửa xả vào hệ thống để đấu nối, xử lý triệt để ô nhiễm môi trường. Nếu không kịp, phải có phương án bịt hết các cửa, tuyệt đối không để xả thải trực tiếp vào sông Tô Lịch chưa qua xử lý; đồng thời có phương án bổ cập nước sạch để cải thiện môi trường sông Tô Lịch.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng lưu ý khi Nhà máy vận hành sẽ phát sinh sơ bộ khoảng 200 tấn bùn thải/ngày nên các đơn vị phải tính đến vị trí đổ bùn thải phục vụ nhà máy này và các nhà máy xử lý khác. "Sở Xây dựng Hà Nội cần sớm đề xuất xây dựng Nhà máy xử lý bùn tại huyện Thường Tín nhằm đáp ứng nhu cầu xử lý bùn thải; phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ xử lý nước thải đô thị đạt 100%," Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông chỉ đạo.
Đáng chú ý trong thời gian vận hành thử nghiệm, Sở Xây dựng Hà Nội sớm tham mưu xây dựng và ban hành đơn giá xử lý nước thải để tổ chức đấu thầu, vận hành nhà máy xử lý nước thải hiệu quả; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất dự án cải tạo cảnh quan dọc bờ sông Tô Lịch, đảm bảo khi sông đã được xử lý môi trường, cảnh quan phải sạch, đẹp.
Về điều chỉnh chủ trương đầu tư, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị tiếp tục trình Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua và hoàn thiện các thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, phải đảm bảo phê duyệt sớm, báo cáo Bộ Tài chính để có Hiệp định vay thứ 2. Vì vậy, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cùng các sở, ngành liên quan vừa trình các quy trình vừa làm song song các thủ tục liên quan Hiệp định vay thứ 2 để Bộ Tài chính sớm có ý kiến chỉ đạo.
Mới đây, tại buổi làm việc của Tổng Bí thư Tô Lâm với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội (27/11), Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, thành phố đã quan tâm quyết liệt chỉ đạo vấn đề xử lý ô nhiễm nước thải. Đến nay, thành phố đã có 6 nhà máy/trạm xử lý nước thải tập trung theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành, chủ yếu tập trung tại vùng đô thị trung tâm phía Nam sông Hồng-lưu vực sông Tô Lịch và một phần lưu vực Tả Nhuệ với tổng công suất xử lý là 314.300 m3/ngày đêm; đạt tỷ lệ 30,9% nước thải được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Cùng với việc đưa vào vận hành chạy thử Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, Hà Nội đang chỉ đạo, hoàn thiện, phê duyệt Đề án "Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ và Sét." Trên cơ sở thu gom triệt để nước thải xả vào sông Tô Lịch, vận hành tốt hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, đầu tư cải tạo, nâng cấp cảnh quan dọc 2 bờ sông, dự kiến trong năm 2025, môi trường, cảnh quan sông Tô Lịch sẽ chuyển biến tích cực, phục vụ hiệu quả nhân dân Thủ đô.