Thời sự

Hà Nội: Tốn chục tỷ xây loạt trạm xử lý nước thải để... “đắp chiếu”

Hà Nội: Tốn chục tỷ xây loạt trạm xử lý nước thải để... “đắp chiếu” - 1

Bên trong trạm xử lý nước thải tại Cụm công nghiệp Đan Phượng, người dân đang tận dụng để... nuôi gà chọi

Trạm xử lý nước dùng… nuôi gà

Báo Giao thông vừa nhận được phản ánh của người dân khu vực ngoại thành Hà Nội phản ánh về việc nhiều trạm xử lý nước thải cụm công nghiệp được xây dựng xong bỏ hoang, nằm “đắp chiếu”.

Theo tìm hiểu của PV, cuối năm 2013, Sở Công thương Hà Nội có tờ trình và được TP Hà Nội phê duyệt đề án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2014 - 2015.

Trong 2 năm, 16 cụm công nghiệp được thực hiện đầu tư; trong đó, năm 2014 xây dựng và vận hành 7 cụm công nghiệp, năm 2015 là 9 cụm.

Nguồn vốn thực hiện đề án được cấp từ ngân sách thành phố và địa phương. Hồ sơ cung cấp của người dân thiếu bảng biểu đầu tư năm 2014.

Tuy nhiên, bảng biểu đầu tư 9 cụm năm 2015 khái toán vốn đầu tư là 65 tỷ đồng. Trong đó, 29,5 tỷ đồng xây dựng (chiếm 45%), 36,04 tỷ đồng là kinh phí lắp đặt thiết bị (chiếm 55%).

Đến nay, sau gần chục năm thực hiện đề án, nhiều trạm xử lý nước thải đã hoàn thiện nhưng… nằm “đắp chiếu”.

Ghi nhận tại Cụm tiểu thủ công nghiệp Liên Hà, huyện Đan Phượng, ngôi nhà 2 tầng ngay đường vào cụm công nghiệp nằm phơi sương.

Bể lọc, lắng khô hạn, mốc meo, sắt thép, lan can công trình gỉ sét. Bên trong, bùn đất be bét, một người dân đã tận dụng làm chuồng nuôi gà chọi.

Chủ đàn gà cho biết, công trình này được xây dựng xong từ năm 2016 nhưng không sử dụng: “Tôi thấy thấy kín đáo nên tận dụng nhốt gà!”.

Tương tự tại thị xã Sơn Tây, hệ thống xử lý nước thải Cụm tiểu thủ công nghiệp Phú Thịnh có khái toán đầu tư hơn 6,5 tỷ đồng bỏ không. Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, địa phương tận dụng làm nơi cách ly bệnh nhân dương tính.

Cùng chung số phận là hệ thống xử lý nước thải Cụm công nghiệp thị trấn Phúc Thọ. Khái toán đầu tư công trình 9,5 tỷ đồng, nhưng từ khi xây xong đến nay cũng nằm phơi sương.

Xây trạm xong, không có… nước thải để xử lý

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Viết Thái, Trưởng ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện Đan Phượng cho biết, hệ thống xử lý nước thải tập trung tại Cụm tiểu thủ công nghiệp xã Liên Hà được đầu tư hơn 4 tỷ đồng, trong đó hơn 2 tỷ đồng đầu tư xây lắp, 2 tỷ đồng còn lại là lắp đặt thiết bị.

Hiện nay nhà máy mới chỉ xây dựng công trình, chưa lắp đặt thiết bị. Dự án này được tổ chức đấu thầu và đã quyết toán xong chi phí từ năm 2016.

Lý giải nguyên nhân hệ thống này không đưa vào sử dụng, ông Thái cho biết, cụm tiểu thủ công nghiệp không có nước thải và hệ thống thu gom nước thải, chỉ có hệ thống xử lý nước sinh hoạt.

Do đó, huyện không đưa hệ thống xử lý nước thải vào vận hành, đồng thời xin TP Hà Nội không lắp đặt thiết bị xử lý nước thải.

Trả lời câu hỏi “vì sao không có nước thải vẫn xây dựng hệ thống xử lý nước thải?”, ông Thái khẳng định, đề án này do Sở Công thương đề xuất với thành phố triển khai thực hiện.

Ban quản lý đầu tư xây dựng huyện Đan Phượng không biết và không thực hiện xây dựng.

Tương tự, tại hệ thống xử lý nước thải Cụm Tiểu thủ công nghiệp Phú Thịnh, dù đã lắp đặt xong thiết bị, thanh toán hơn 4 tỷ đồng nhưng đến nay… không có nước thải để xử lý.

Ông Khuất Văn Học, Phó trưởng Phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây cho biết, trước khi xây dựng, Cụm tiểu thủ công nghiệp Phú Thịnh có khoảng 3 doanh nghiệp xả thải ra môi trường.

Thế nhưng, đến nay 1 doanh nghiệp không hoạt động, 1 doanh nghiệp tự xây dựng hệ thống xử lý nước thải nên gần như không có nước thải đầu vào để xử lý. Ông Học cho rằng, đầu tư như vậy là chưa hiệu quả.

Cùng có trạm xử lý nước thải nằm không, ông Vũ Văn Hải, Trưởng phòng quản lý Cụm công nghiệp thị trấn Phúc Thọ cho biết, mỗi năm đơn vị mất thêm khoảng 60 triệu đồng để thuê bảo vệ trông coi.

Công trình đang thiếu hơn 1 tỷ đồng để lắp đặt trạm quan trắc và đấu nối đường ống nhưng có đầu tư thì cũng không có nước thải để xử lý, tốn lại thêm tốn.

Sở Công thương đùn đẩy trách nhiệm?

Từ khảo sát thực tế, rất nhiều câu hỏi được đặt ra như: Số lượng hệ thống xử lý nước thải đã hoặc chưa đưa vào sử dụng là bao nhiêu? Ai chịu trách nhiệm cho sự lãng phí này? Sở Công thương Hà Nội có biện pháp gì để xử lý, khắc phục những bất cập này?...

Để có thêm thông tin, PV Báo Giao thông đã liên hệ đặt lịch làm việc với Sở Công thương Hà Nội và được thông báo đã chuyển nội dung phỏng vấn về Phòng Quản lý cụm công nghiệp.

Tuy nhiên, trao đổi với PV, ông Nguyễn Phương Thảo, Phó phòng Quản lý cụm công nghiệp, Sở Công thương cho biết, đến nay Sở chưa nhận được phản ánh về tình trạng hệ thống xử lý nước thải bỏ hoang.

Ông Thảo cũng cho rằng, trách nhiệm tiếp nhận phản ánh liên quan đến đề án này thuộc thẩm quyền UBND TP Hà Nội.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm