Thời sự

Hà Nội đề xuất mức thu phí sử dụng 1.900 đồng/km đường Vành đai 4

Theo UBND thành phố Hà Nội, sau khi Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định đánh giá tính khả thi khi triển khai theo hình thức PPP, dự án thành phần 3 được phê duyệt, việc lựa chọn Nhà đầu tư dự án thành phần 3 phụ thuộc rất lớn vào tình hình kinh tế trong nước và thế giới.

Tuy nhiên, trong trường hợp lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức PPP sẽ có một số lợi thế so với hình thức khác do huy động được nguồn lực từ xã hội, giảm áp lực vốn ngân sách Nhà nước đối với công trình có quy mô lớn như dự án thành phần 3. Bên cạnh đó còn giảm đáng kể nguồn ngân sách nhà nước cần bố trí để phục vụ quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình.

Trên thực tế, chi phí quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ cao tốc hiện nay trung bình khoảng 3 tỷ đồng/km/năm. Tính riêng 112,8 km trên tuyến đường Vành đai 4, mỗi năm ngân sách nhà nước tốn khoảng 300 tỷ đồng, chưa bao gồm các chi phí để thành lập, duy trì hoạt động của bộ máy quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình.

 Sơ đồ dự án đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội (Ảnh: TTXVN).

Mặt khác, đây là dự án đầu tư tuyến mới nên có sự lựa chọn cho người sử dụng dịch vụ, thu phí theo chiều dài sử dụng nên đảm bảo tính công bằng cho người sử dụng. Khung phí sử dụng dịch vụ đường bộ của dự án tham chiếu áp dụng theo khung giá vé của dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 theo hình thực hợp đồng BOT đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt. Với thời gian dự kiến đưa vào khai thác năm 2027, mức thu phí cơ sở là 1.900 đồng/xe/km (dưới 9 chỗ ngồi, xe tải dưới 2 tấn).

Giá dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc được điều chỉnh tăng 3 năm/1 lần với mức giá vé tính cho xe tiêu chuẩn, phù hợp theo khung giá được quy định tại Thông tư 35/2016/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải.

UBND thành phố Hà Nội cho biết, tính theo khung giá này sẽ đảm bảo khả năng thu hồi vốn và có lợi nhuận cho Nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án. Mặc khác, mức thu phí này phù hợp với sức chi trả của người sử dụng phương tiện.

Dự án thành phần 3: Đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Được biết, nhóm dự án thành phần số 3 (làm đường cao tốc lõi) theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã được Hội đồng thẩm định Nhà nước họp và cơ bản thông qua nội dung đầu tư theo hình thức này. Tổng mức đầu tư của dự án là khoảng 56.000 tỷ đồng, thời gian thu phí 25 năm.

Dự án đầu tư đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án đầu tư quan trọng quốc gia, có quy mô lớn, tính chất phức tạp, đi qua nhiều địa phương, giao cắt nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật hiện trạng (đường cao tốc, quốc lộ, đường sắt…) và liên quan đến nhiều quy hoạch (đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị, quy hoạch đô thị,…), trên tuyến bố trí nhiều công trình cầu vượt sông lớn, áp dụng nhiều giải pháp thiết kế, giải pháp kỹ thuật; liên quan đến các dự án thành phần đường song hành hai bên…

Vành đai 4 – vùng Thủ đô có tổng chiều dài toàn tuyến là 112,8km, trong đó đoạn đi qua Hà Nội là 56,5km, Hưng Yên là 20,3km, Bắc Ninh là 21,2km. Điểm đầu tại km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội), điểm cuối trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).

Cùng chuyên mục

Đọc thêm