Theo Cục Thống kê tỉnh Trà Vinh, 9 tháng năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh ước tính tăng 9,93% và tiếp tục duy trì vị đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long và thứ 7 cả nước. Vậy, trong 10 tháng, tình hình phát triển kinh tế của địa phương như thế nào?
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 37,73%
Trong tháng 10, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp so với tháng trước tăng 9,63% và tăng 22,45% so cùng kỳ năm trước .
Tính chung 10 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 37,73% so với cùng kỳ năm trước. Chia ra: ngành khai khoáng tăng 6,04%; ngành chế biến, chế tạo tăng 6,62%; sản xuất và phân phối điện tăng 48,25%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,97%.
Tổng vốn đăng ký mới đạt gần 2.300 tỷ đồng
Trong tháng 10, toàn tỉnh có 61 doanh nghiệp và 27 đơn vị trực thuộc đăng ký mới với tổng vốn đăng ký là 208 tỷ đồng và 244 lao động. Bên cạnh đó, có 71 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc bổ sung ngành nghề kinh doanh, bổ sung vốn và các thay đổi khác, vốn bổ sung 220 tỷ đồng và hoạt động trở lại 6 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đã có 13 doanh nghiệp và 6 đơn vị trực thuộc hoàn tất thủ tục giải thể; 8 doanh nghiệp và 4 đơn vị trực thuộc tạm ngừng hoạt động.
Tính chung 10 tháng, tỉnh có 454 doanh nghiệp và 256 đơn vị trực thuộc đăng ký mới với tổng vốn đăng ký là 2.282 tỷ đồng và 1.753 lao động. Bên cạnh đó, có 617 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc bổ sung ngành nghề kinh doanh, bổ sung vốn và các thay đổi khác, vốn bổ sung 14.165 tỷ đồng; hoạt động trở lại 71 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đã có 115 doanh nghiệp, 216 đơn vị trực thuộc hoàn tất thủ tục giải thể; 161 doanh nghiệp và 52 đơn vị trực thuộc tạm ngừng hoạt động.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,20%
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 ước tính đạt 5.290 tỷ đồng, tăng 1,42% so với tháng trước và tăng 11,38% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 51.722 tỷ đồng, tăng 12,20% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó: doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 37.259 tỷ đồng, tăng 17,89%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 7.519 tỷ đồng, giảm 6,35%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 39,6 tỷ đồng, giảm 0,69%; doanh thu dịch vụ khác đạt 6.905 tỷ đồng, tăng 7,50% so cùng kỳ.
Bình quân CPI tăng 2,8%
Trong tháng 10, giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng cùng với giá gạo tăng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,15% so với tháng trước. So với tháng 12/2023 tăng 1,59% và tăng 1,29% so với tháng 10/2024.
Bình quân 10 tháng, CPI tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, tăng mạnh ở nhóm hàng lương thực 21,48%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 5,41%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,69%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 3,77%; nhóm giao thông tăng 1,57%;…
Phục vụ lưu trú giảm 9,66%
Về hoạt động du lịch, trong tháng 10, lượt khách phục vụ lưu trú ước tính đạt 68,2 nghìn lượt khách, giảm 4,59% so với tháng trước và giảm 8,33% so với cùng kỳ năm trước và 64,2 nghìn ngày khách, giảm 4,86% so với tháng trước và giảm 19,76% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 10 tháng, lượt khách phục vụ lưu trú ước tính đạt 744,9 nghìn lượt khách, giảm 9,66% so với cùng kỳ năm trước và 802,9 nghìn ngày khách, giảm 11,02%. Số lượt khách phục vụ ở các cơ sở lưu trú giảm do khách du lịch đến tham quan trong ngày, ít sử dụng các dịch vụ lưu trú trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, lượt khách du lịch theo tour tháng 10 ước đạt 1.334 lượt khách, giảm 12,76% so với tháng trước và tăng 18,65% so với cùng kỳ năm trước và 3.801 ngày khách, giảm 12,76% so với tháng trước, và giảm 3,38% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 10 tháng, lượt khách du lịch theo tour đạt 11.776 lượt khách, giảm 3,32% so với cùng kỳ năm trước và 36.750 ngày khách, giảm 17,93% do người dân chủ yếu đi du lịch tự túc, ít đăng ký theo tour nên lượt khách phục vụ của các công ty du lịch trên địa bàn tỉnh giảm.