Thông tin tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 3/3, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà đánh giá, khó khăn của thị trường bất động sản có nhiều nguyên nhân như pháp lý, mất cân đối cung cầu ở các phân khúc,… Liên quan đến vốn, thị trường bất động sản có nhiều nguồn, trong đó có nguồn vốn từ ngân hàng.
Sau khi phân tích với điều kiện hiện nay và cân nhắc với tình hình thực tế, ông Hà cho biết, NHNN đã bàn với 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank. Các ngân hàng đã thống nhất gói tín dụng quy mô 120.000 tỷ đồng (mỗi ngân hàng sẽ dành khoảng 30.000 tỷ đồng cho hai đối tượng là nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân). Trường hợp có thêm các ngân hàng thương mại đủ điều kiện tham gia thì quy mô gói này có thể tăng lên.
Về lãi suất, theo Phó Thống đốc, xuất phát từ mong muốn giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản, các ngân hàng đã dự kiến mức lãi suất cho vay gói này sẽ thấp hơn 1,5 - 2% so với mức cho vay thông thường của các ngân hàng.
Sau hội nghị của Chính phủ về giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản vừa qua, Bộ Xây dựng đang dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển.
“Trên cơ sở nội dung của Nghị quyết được ban hành, NHNN sẽ triển khai theo đúng chỉ đạo của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản với gói tín dụng nói trên", vị này cho biết.
Cùng ngày (sáng 3/3), Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng tham dự phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 và cho biết, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội và nhà ở công nhân sẽ được triển khai ngay sau khi có Nghị quyết của Quốc hội.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định sẽ chỉ có một gói tín dụng dành cho phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở công nhân trong giai đoạn thị trường bất động sản nói chung đang gặp khó khăn.
Trước đó, chiều 2/3, Thông tin từ Phòng thông tin của Bộ Xây dựng cho biết, sau khi Hội nghị trực tuyến về bất động sản được diễn ra, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước đã có buổi làm việc và thống nhất sẽ thực hiện gói đề xuất 120.000 tỷ đồng của NHNN do đây là gói có sẵn, có thể thực hiện được ngay. Do đó, Bộ Xây dựng không đề xuất gói 110.000 tỷ đồng nữa.
Còn nhớ, cũng tại Hội nghị này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, việc có một gói tín dụng riêng cho lĩnh vực nhà ở xã hội là cần thiết để tăng nguồn cung, giúp giảm tình trạng mất cân đối cung – cầu trên thị trường bất động sản.
“Nhưng nguồn vốn từ đâu cũng phải cân nhắc, tức là với nguồn vốn từ tái cấp vốn, là cung ứng tiền ra với thời gian dài hạn, có thể làm giảm tính linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ. Vì vậy, cần tính toán nguồn vốn tổng thể trên cơ sở chính sách tiền tệ cũng đang thực hiện nhiều chỉ đạo của Chính phủ về tái cơ cấu như tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng,…và ở các lĩnh vực, các ngành kinh tế khác”, Thống đốc đặt vấn đề.
Liên quan đến Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 (Đề án), mới đây, Bộ Xây dựng đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, sau khi tiếp thu ý kiến về tính khả thi của đề án, Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng điều chỉnh hạ mục tiêu xuống còn hơn 1 triệu căn nhà ở xã hội, giảm 354.500 căn nhà ở xã hội so với đề xuất ban đầu.
Trong đó, giai đoạn 2021-2025 bộ đề xuất sẽ xây dựng khoảng 428.000 căn, giai đoạn 2025-2030 xây dựng 634.200 căn.
Về nguồn lực thực hiện đề án, Bộ Xây dựng giải trình, theo dự thảo Luật nhà ở sửa đổi sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5 tới và dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm chính sách nhà ở xã hội, việc phát triển nhà ở xã hội sẽ hạn chế sử dụng nguồn lực nhà nước, tăng cường huy động nguồn lực xã hội hóa, có cơ chế ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội để bán, cho thuê, thuê mua.
Ngoài ra, việc cân đối ngân sách địa phương để thực hiện hỗ trợ, đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật về ngân sách, đầu tư công do địa phương chủ động. Do đó, các địa phương có thể căn cứ Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương để cân đối nguồn lực hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội.
Trên cơ sở góp ý của các bộ, ngành, cùng với việc điều chỉnh giảm số căn hộ dự kiến xây dựng trong đề án, Bộ Xây dựng đề xuất giảm nguồn lực thực hiện xuống còn 849.500 tỷ đồng (giảm khoảng 280.500 tỷ đồng so với đề xuất ban đầu).