Theo dữ liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) công bố, thị trường có thêm 196.198 tài khoản mới trong tháng 7, đánh dấu mức thấp nhất trong 6 tháng gần đây. Hai tháng liền trước đó, con số này là 476.711 tài khoản (tháng 5) và 466.483 tài khoản (tháng 6).
Đây cũng là lần thứ hai tài khoản mở mới trong nước xuống dưới 200.000 đơn vị, lần gần nhất vào tháng 2/2022, trùng với dịp nghỉ Tết nguyên đán dài ngày.
Theo quan điểm của ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ đầu tư & Quản lý tài sản, Công ty Chứng khoán Tân Việt, số lượng tài khoản mở mới mặc dù có giảm nhưng so với những năm trước con số này vẫn ở mức cao.
Cái quan trọng là thị trường chứng khoán cần thời gian để tái cơ cấu lại để chất lượng hàng hóa tốt hơn, sự minh bạch cao hơn để nhà đầu tư đến với thị trường ai cũng vui, ai cũng hạnh phúc và mang được tiền về.
“Chúng ta cứ kêu gọi nhà đầu tư lên sàn trong khi chất lượng hàng hóa chưa có sự cải thiện, nhà đầu tư đa số mất tiền ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân thì thà thị trường cứ tăng chậm, còn hơn tăng nhanh rồi lại sụp đổ”, ông Du nhận định.
Đây là khoảng trống thời gian mà cơ quan quản lý như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính, các công ty chứng khoán cần tìm ra giải pháp để xây dựng một thị trường công khai, minh bạch, bền vững hơn.
Thời gian gần đây, những hoạt động liên quan đến phát hành trái phiếu đang nhận được rất nhiều sự chú ý của nhiều nhà đầu tư. Mới đây, Nghị định 153 đã sửa đổi quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ được xem là cơ hội để các doanh nghiệp khơi thông dòng vốn đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản.
Theo số liệu vừa được công bố, trong tháng 7 vừa qua chỉ có duy nhất một doanh nghiệp bất động sản phát hành thành công trái phiếu. Đó là Công ty Cổ Phần Đầu tư kinh doanh Bất động sản Hà An với giá trị phát hành ở mức 210 tỷ đồng cùng với lãi suất 11% năm.
Tính từ đầu năm cho đến thời điểm hiện tại, khối lượng trái phiếu phát hành riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản giảm tới 98% so với cùng kỳ năm ngoái và đây là mức giảm gần như tuyệt đối. Điều này phản ánh rất ít doanh nghiệp thuộc nhóm này có thể huy động được vốn qua kênh trái phiếu.
Ông Du cho rằng Nghị định 153 sửa đổi sẽ tạo ra sự chặt chẽ cho thị trường trái phiếu có thể phát triển bền vững và an toàn hơn.
Đầu tiên, nghị định này giúp cho thị trường trái phiếu không xảy ra tình trạng tràn lan do trước đây các doanh nghiệp đều được thả lỏng và dễ dàng phát hành. Nhờ quy định trên, các doanh nghiệp phải minh bạch thông tin về tài sản để được phép phát hành trái phiếu. Hơn nữa, nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ được định nghĩa lại.
Ngoài ra, các doanh nghiệp phát hành cũng cần phải qua bước xếp hạng tín nhiệm. Hiện tại ở Việt Nam mới chỉ có Vingroup đang xây dựng những viện xếp hạng tín nhiệm thế nhưng tại thị trường quốc tế đã có rất nhiều nơi đảm nhận được công việc này.
Mặc dù trong ngắn hạn, Nghị định 153 đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường trái phiếu nhưng về mặt dài hạn thì đây là điều tương đối tích cực. Những quy định này tuy chặt chẽ hơn nhưng sẽ công khai minh bạch để doanh nghiệp và nhà đầu tư có thể nhìn thấy và tiếp tục phát hành.
Chuyên gia gợi ý nhà đầu tư cá nhân có thể cân nhắc mua chứng chỉ quỹ thay vì xuống tiền gom trái phiếu riêng lẻ. Lý giải cho điều này, ông Du cho rằng các quỹ đầu tư thường chọn lọc trái phiếu và gom thành 1 rổ sau đó phát hành chứng chỉ quỹ. Điều này khiến các chứng chỉ quỹ an toàn hơn so với trái phiếu đơn lẻ trong khi lãi suất không chênh lệch nhau quá nhiều.