Thế hệ có trình độ học vấn cao nhất từ trước đến nay của Trung Quốc được kỳ vọng là sẽ mở ra con đường hướng đến lộ trình đổi mới nền kinh tế và tạo ra những công nghệ hiện đại hơn. Song, ước tính khoảng 15 triệu thanh niên Trung Quốc sắp rơi vào cảnh thất nghiệp và nhiều người cũng đang hạ mục tiêu đối với sự nghiệp của mình.
Người trẻ Trung Quốc thay đổi quyết định
Tỷ lệ thất nghiệp ở các khu vực thành thị Trung Quốc – từ 16 đến 24 tuổi, đã tăng lên mức kỷ lục là 19,3%, cao hơn gấp đôi so với nhóm tuổi tương đương ở Mỹ. Những đợt phong tỏa phòng dịch đã buộc nhiều doanh nghiệp sa thải bớt nhân sự, đợt siết chặt quy định với ngành giáo dục và bất động sản cũng gây ảnh hưởng tương tự đến khu vực tư nhân. Trong khi đó, một số lượng sinh viên kỷ lục sắp tốt nghiệp đại học và trường dạy nghề vào mùa hè này – khoảng 12 triệu người.
Trong bối cảnh đó, nhiều người trẻ đã hạ kỳ vọng đối với sự nghiệp của mình trong khu vực tư nhân và chấp nhận công việc có thu nhập thấp hơn ở khu vực nhà nước. Nếu xu hướng này tiếp tục, tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ bị ảnh hưởng.
Trước đại dịch, Xu Chaoqun (22 tuổi) đã có ý định làm việc trong ngành sáng tạo của Trung Quốc. Tuy nhiên, quá trình tìm việc kéo dài 4 tháng lại không mang lại kết quả mong muốn. Theo đó, anh đặt mục tiêu làm việc tại khu vực nhà nước. Xu theo học ngành nghệ thuật thị giác tại một trường đại học hạng trung. Anh chia sẻ: "Do sự bất ổn của khu vực tư nhân, nên tôi muốn làm việc ở một doanh nghiệp nhà nước."
Xu không phải là trường hợp duy nhất. Theo công ty tuyển dụng 51job, khoảng 39% sinh viên tốt nghiệp cho biết doanh nghiệp nhà nước là lựa chọn hàng đầu của họ vào năm ngoái, tăng từ 25% vào năm 2017. Hơn nữa, kỳ vọng đối với mức lương khởi điểm của sinh viên tốt nghiệp giảm hơn 6% so với năm ngoái, xuống còn 6.295 NDT (932 USD)/tháng, theo cuộc khảo sát hồi tháng 4 từ công ty tuyển dụng Zhilian.
Song, kỳ vọng thu nhập giảm sút và việc nhân tài né tránh khu vực tư nhân có thể sẽ hạ tăng trưởng kinh tế trong dài hạn của Trung Quốc. Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đặt mục tiêu mở rộng quy mô của nền kinh tế từ năm 2020 đến 2035 và vượt qua Mỹ.
Thời gian gần đây, cụm từ "tang ping" (nằm yên mặc kệ sự đời) đã được lan truyền rộng rãi trên các trang mạng xã hội. Đây là xu hướng của giới trẻ trong việc lựa chọn không tiếp tục cố gắng làm giàu nhờ làm việc chăm chỉ.
Hu Xiaoyue (24 tuổi), sở hữu bằng thạc sĩ tâm lý, chia sẻ cô thấy thoải mái khi làm theo khái niệm trên. Hu cho hay: "Với cách này, ngay cả khi bạn thất bại, mọi thứ cũng nhẹ nhàng hơn." Khi bắt đầu tìm việc vào tháng 8 năm ngoái, Hu nhận được nhiều lời mời phỏng vấn nhưng đến mùa xuân, chỉ 1 trong 10 công ty liên hệ với cô.
Năm ngoái, Trung Quốc đã thực hiện đợt siết chặt quy định đối với các lĩnh vực đã phát triển mạnh mẽ trong những năm qua. Các công ty công nghệ nhận án phạt vì hành vi độc quyền, nhà phát triển bất động sản gặp khó khăn về tài chính và lĩnh vực dạy thêm cũng gần như phải đóng cửa hoàn toàn. Theo hồ sơ quản lý, 5 công ty dạy thêm hàng đầu Trung Quốc đã cắt giảm 135.000 nhân sự trong năm ngoái.
Tốt nghiệp Đại học Kinh tế và Tài chính Trung Ương, Hu lựa chọn làm việc trong lĩnh vực công nghệ. Cô đã thực tập tại 3 công ty internet nhưng lại thay đổi quyết định vì cảm thấy mình có thể bị sa thải bất cứ lúc nào. Hu sau đó làm thực tập sinh tại một viện nghiên cứu thuộc Tập đoàn Viễn thông Trung Quốc – công ty thuộc sở hữu nhà nước. Giờ làm việc của Hu là từ 8h30 sáng đến 5h30 chiều và khối lượng công việc không quá lớn.
Theo Lu Feng – nhà kinh tế ngành lao động tại Đại học Bắc Kinh, khu vực nhà nước đã có khoảng 80 triệu nhân sự và có thể tăng thêm 2 triệu người trong năm nay. Ông nói: "Nhưng so với tổng nhu cầu việc làm, con số trên vẫn tương đối thấp. Trung Quốc vẫn cần các doanh nghiệp tư nhân tuyển dụng thêm."
Lao động trẻ chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị
Tuy nhiên, điều đó chỉ diễn ra nếu nền kinh tế tăng trưởng. Để đáp ứng mục tiêu về thị trường lao động, các nhà kinh tế dự báo Trung Quốc cần thúc đẩy GDP tăng từ 3% đến 5% trong năm nay. Nếu nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn theo đuổi chiến lược zero Covid thì các doanh nghiệp vẫn e ngại trong hoạt động tuyển dụng.
Ngay cả khi kinh tế Trung Quốc hồi phục mạnh mẽ trong nửa cuối năm nay, thì vấn đề thất nghiệp ở nhóm tuổi thanh niên vẫn tồn tại. Các nhà kinh tế chỉ ra 2 nguyên nhân, đó là lao động chủ yếu tập trung ở các khu đô thị và nhu cầu của người lao động không đồng đều.
Hàng trăm triệu người lao động chuyển từ nông thôn lên thành phố đã trở về quê nhà trong thời kỳ thị trường lao động co hẹp. Đây là một cú sốc với nền kinh tế. Giờ đây, lao động di cư trẻ tuổi ở lại thành phố ngày càng nhiều khi mất việc, đẩy tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị lên mức cao.
Ngoài ra, số lượng sinh viên tốt nghiệp hàng năm ở Trung Quốc cũng tăng gấp 10 lần trong 2 thập kỷ qua – tốc độ tăng nhanh nhất thế giới. Tỷ lệ thanh niên Trung Quốc theo học đại học hiện là gần 60%, tương đương với các nước phát triển. Song, số lượng sinh viên tốt nghiệp các trường nghề thấp hơn nhiều so với đại học.
Điều này khiến các công ty sản xuất chật vật vì thiếu nhân viên kỹ thuật có kỹ năng. Trong khi đó, các ngành khác lại quá tải lao động. Theo một nghiên cứu của trang web tìm việc Zhilian, khoảng 43% người xin việc muốn làm trong ngành IT, trong khi lĩnh vực này chỉ chiếm 16% trong số các bài đăng tuyển dụng.
Về lâu dài, chính phủ Trung Quốc có thể sẽ khuyến khích lĩnh vực tư nhân đẩy mạnh hoạt động tuyển dụng, cải cách lĩnh vực giáo dục và lực lượng thị trường để xoa dịu xu hướng này. Hiện tại, Trung Quốc đang nới lỏng quy định quản lý và luật giáo dục nghề nghiệp.
Tham Bloomberg