Giáo sư Douglas Cumming (trái) thảo luận với Tiến sĩ Dương Thị Thùy An tại Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM - Ảnh: BÔNG MAI
Giáo sư Douglas Cumming (Đại học Florida Atlantic - Mỹ), vừa trao đổi với Tuổi Trẻ Online bên lề "Hội thảo quốc tế về Tài chính ISAFE-2022" do Hiệp hội các nhà khoa học và chuyên gia Việt Nam cùng Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM phối hợp tổ chức, về các điểm nóng trên thị trường tài chính chứng khoán Việt Nam.
Thưởng lớn cho người tố giác kẻ thao túng chứng khoán
* Vừa qua giới đầu tư không khỏi rúng động khi chủ tịch Tập đoàn FLC bị bắt do thao túng chứng khoán. Trên thực tế, hành vi này cũng diễn ra ở nhiều doanh nghiệp khác. Vậy giải pháp nào để ngăn chặn, thưa giáo sư?
Tuyến phòng thủ đầu tiên luôn luôn đến từ bên trong. Doanh nghiệp cần có Phòng Tuân thủ (Compliance Departments) để phát hiện thao túng. Triển khai công nghệ giám sát nội bộ trước khi để một sai phạm nhỏ trở nên lớn.
Tuyến phòng thủ thứ hai là cơ quan quản lý thị trường. Ủy ban Chứng khoán cần có công nghệ và nhân sự tốt để phát hiện hành vi thao túng.
* Trong trường hợp người thao túng chứng khoán lại đứng đầu doanh nghiệp thì phải làm thế nào?
Việc ngăn chặn sẽ khó khăn, điển hình là vụ bê bối của Enron. Dĩ nhiên, trong vụ FLC, việc bắt giam lãnh đạo sai phạm chắc chắn giúp răn đe.
Enron - công ty năng lượng ở Mỹ, từng là ngôi sao sáng trên sàn chứng khoán. Bằng việc "xào nấu" báo cáo tài chính, lãnh đạo công ty đã che giấu hàng tỉ USD thua lỗ và nợ nần.
Sự việc vỡ lỡ, từ đỉnh cao 90 USD vào giữa năm 2000, đến cuối năm 2001 cổ phiếu Enron bị tuột dốc còn chưa tới một USD. Bị điều tra, tổng giám đốc Enron bị phạt tù hơn 24 năm. Với khối tài sản 63,4 tỉ USD, Enron trở thành vụ phá sản lớn nhất lịch sử Mỹ tính đến thời điểm đó. Hơn 20.000 nhân viên bị mất việc và mất sạch tiền tích góp.
Để ngăn chặn hành vi thao túng, nhiều quốc gia tạo cơ chế khuyến khích tố giác. Lưu ý, nhiều khả năng người tố giác sẽ bị mất việc, nên cũng có cơ chế thưởng lớn về tài chính cho họ.
Phạt tù do sai phạm trái phiếu thôi chưa đủ
* Gần đây sai phạm phát hành trái phiếu Tân Hoàng Minh và trái phiếu An Đông (Vạn Thịnh Phát) bị phanh phui. Làm cách nào chặn trái phiếu "dỏm" và bảo vệ nhà đầu tư?
Khi thua lỗ và nợ nần chồng chất, không ít công ty tìm cách phát hành trái phiếu với lãi cao để huy động vốn, dịch chuyển rủi ro (Risk Shifting) sang người mua trái phiếu.
Hành vi dịch chuyển rủi ro thể hiện rõ trong hoạt động kinh doanh của các công ty cho vay thế chấp dưới chuẩn, tạo nên bong bóng nhà ở tại Mỹ, gây ra cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu những năm 1930.
Để thị trường trái phiếu lành mạnh, cần:
(1) Thẩm định ai đang thực sự phát hành trái phiếu, đưa ra quy định cụ thể doanh nghiệp được và không được phép làm, ai được sử dụng tiền. Sau đó giám sát những gì họ làm và không làm.
(2) Vì là chủ nợ nên trái chủ cần được cập nhật thường xuyên thông tin. Các tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán, đại lý phát hành... (thường là công ty chứng khoán) nắm rất chắc hồ sơ nên cần cung cấp dữ liệu cho trái chủ, theo dõi và giám sát doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
(3) Tổ chức bảo đảm thanh toán, ngân hàng cần có trách nhiệm thẩm định doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Tuy nhiên vẫn có nhiều trường hợp lơ là hoặc nhắm mắt cho qua.
Điển hình như vụ bê bối ở Sino Forest - công ty lâm sản lớn bậc nhất Trung Quốc, từng có vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán Canada. Họ huy động tiền dựa trên đất rừng Trung Quốc, nhưng thực chất không có rừng. Mọi người thậm chí thay vì gọi Sino Forest - "Rừng Trung Quốc", thì đùa là xem "Noah Forest" - "Rừng Nô-ê" (theo Kinh thánh, rừng bị nhấn chìm trong trận đại hồng thủy thời ông Nô-ê - PV).
Những kẻ tiếp tay cho trái phiếu sai phạm phải bị phạt khoản tiền lớn và chịu trách nhiệm pháp lý (phạt tù).
Sino Forest bị phá sản, các trái chủ đòi quyền lợi bằng cách kiện tập thể, trong đó có nhắm đến đơn vị bảo lãnh phát hành. Vì vậy tạo cơ chế khởi kiện tập thể dễ dàng cũng rất quan trọng.
(4) Không chỉ ban hành luật mà còn cần thực thi luật. Chính phủ cần chi nhiều tiền để phát triển công nghệ, tuyển người được đào tạo từ trường luật và trường kinh doanh vào cơ quan giám sát.
Giám sát chặt chẽ thị trường trái phiếu sẽ giúp doanh nghiệp tốt có cơ hội huy động vốn sản xuất kinh doanh - Ảnh: BÔNG MAI
Không để doanh nghiệp ỷ lại
* Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang khó do tắc nghẽn vốn ở kênh trái phiếu lẫn kênh ngân hàng. Vậy Chính phủ có nên làm gì?
Chính phủ có vai trò ổn định thị trường tài chính. Tuy nhiên nếu doanh nghiệp biết rằng "Chính phủ sẽ bảo lãnh cho tôi khi tôi gặp rắc rối", thì trong tương lai các sai phạm sẽ trầm trọng hơn, vì họ sẵn sàng phát hành trái phiếu với mức rủi ro cao hơn.
Các công ty công nghệ tài chính (Fintech) có thể lấp khoảng trống. Ở Mỹ, hoạt động cho vay của ngân hàng truyền thống giảm sút nghiêm trọng thời COVID-19, trong khi phía cho vay Fintech lại mạnh mẽ và kiên cường. Vì họ phát hiện ai là người vay tốt và ai không, bằng cách xem xét rất nhiều dữ liệu mà ngân hàng truyền thống và cá nhân không thể làm.
Các quốc gia đang đổi mới công nghệ tài chính sẽ có cơ hội phát triển tốt hơn. Tương lai của tài chính là công nghệ tài chính.