Thị trường chứng khoán hôm nay gặp điều chỉnh giảm trong phiên 6-12, sau chuỗi tăng hồi phục - Ảnh: BÔNG MAI
Áp lực bán chi phối toàn bộ thị trường trong phiên giao dịch chứng khoán hôm nay 6-12. Cổ phiếu ngành tài chính và bất động sản trở thành tâm điểm bán tháo.
Trong top 10 mã gây ảnh hưởng tiêu cực lên chỉ số chứng khoán của sàn TP.HCM (HoSE), có tới sáu gương mặt thuộc ngành ngân hàng, gồm: VCB (Vietcombank), BID (BIDV), VPB (VPBank), CTG (Vietinbank), TCB (Techcombank) và MBB (MBBank).
Các mã thuộc ngành bất động sản cũng chứng kiến cảnh bị nhà đầu tư bán ra mạnh. Trong bộ ba cổ phiếu "họ Vin", mã VHM (Vinhomes) và VIC (Vingroup) bị rớt giá với sắc đỏ, còn mã VRE (Vincom Retail) bị giảm sàn.
Nhiều cổ phiếu khác trong ngành này cũng bị giảm sàn như HPX (Đầu tư Hải Phát), HQC (Địa ốc Hoàng Quân), EVR (EverLand), DXG (Đất Xanh)...
Mới thoát cảnh nằm sàn chưa lâu, hôm nay cổ phiếu NVL (Novaland) và PDR (Bất động sản Phát Đạt) lại bị nhà đầu tư mang ra bán tháo, trở lại sắc xanh lơ giảm sàn.
Thị trường còn bị áp lực bán ra bởi hàng loạt mã có vốn hóa lớn, đặc biệt là các mã như HPG (Hòa Phát), GAS (PetroVietnam Gas)...
Dù không chiếm ưu thế, thị trường vẫn ghi nhận được nhiều cổ phiếu tăng trần trong sắc tím như VHC (Vĩnh Hoàn), VCF (Vinacafé Biên Hòa), HAG (Hoàng Anh Gia Lai), HNG (Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai)...
Đến cuối phiên, toàn bộ chỉ số ngành đều rơi xuống mức âm, trong đó top năm ngành bị giảm mạnh gồm tài chính, bất động sản, nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin và dịch vụ tiện ích.
Diễn biến giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trở thành điểm sáng hiếm hoi trong phiên hôm nay, khi tiếp tục mua ròng hơn 817 tỉ đồng, nâng tổng số phiên mua ròng liên tiếp lên 22 phiên với tổng giá trị hơn 22.160 tỉ đồng.
Đáng chú ý, tổng giá trị mua bán cổ phiếu trong phiên hôm nay đã bùng nổ với xấp xỉ 26.980 tỉ đồng (tương đương hơn 1,12 tỉ USD).
Mặc dù xuất hiện dòng tiền đổ vào mua, cung vẫn chiếm áp đảo cầu. Chỉ số chứng khoán VN-Index chính thức khép phiên với mức giảm 44,98 điểm (-44,11%) lùi về 1.048,69 điểm. Thanh khoản sàn chứng khoán TP.HCM tăng vọt lên hơn 23.533 tỉ đồng.
Cả sàn HNX và UpCOM cũng không thoát khỏi cảnh đỏ lửa, khi ghi nhận mức giảm lần lượt 7,16 điểm (-3,26%) xuống còn 212,8 điểm và 2,22 điểm (-3,03%) xuống 71,02 điểm.
Theo Chứng khoán MB (MBS), nhịp điều chỉnh là cơ hội để nhà đầu tư cơ cấu danh mục.
Ngay khi vừa chốt phiên, đội ngũ phân tích của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) do ông Trần Minh Hoàng Mai làm trưởng Phòng phân tích và Nghiên cứu nhận định, về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index kết phiên với rủi ro điều chỉnh ngắn hạn đã xuất hiện rõ ràng hơn.
Tuy nhiên, việc chỉ số này chịu sự rung lắc, chốt lời trong nhịp phục hồi là hoàn toàn bình thường. Do đó, phía VCBS cho rằng nhà đầu tư có thể tiếp tục duy trì tỉ trọng cổ phiếu ở mức hợp lý, có thể bán lướt sóng với những cổ phiếu đã bắt đáy thành công và mua lại trong những phiên rung lắc mạnh.
Fitch Ratings hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023
Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings công bố hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 xuống 1,4% từ mức 1,7% trước đó.
“Dự báo GDP toàn cầu năm 2023 được điều chỉnh giảm một lần nữa, khi các ngân hàng trung ương đẩy mạnh cuộc chiến chống lạm phát và triển vọng thị trường bất động sản Trung Quốc xấu đi", Fitch Ratings cho hay.
Đơn hàng xuất khẩu của Trung Quốc tới Mỹ giảm sâu
Theo dữ liệu mới nhất của hãng tin CNBC, do nhu cầu sụt giảm nên số đơn hàng của Trung Quốc xuất khẩu tới Mỹ đã giảm 40%. Các hãng vận tải biển thông báo hủy chuyến và tạm dừng các dịch vụ để cân bằng cung với cầu.
Ông Joe Monaghan - giám đốc điều hành của Worldwide Logistics Group, cho biết: “Sự sụt giảm không ngừng về giá cước vận tải container từ châu Á (do nhu cầu sụt giảm mạnh) đang buộc các hãng vận tải biển phải hủy chuyến nhiều hơn bao giờ hết khi mức sử dụng tàu đạt mức đáy mới”.
Worldwide Logistics cũng dự báo các nhà máy Trung Quốc sẽ đóng cửa sớm hơn thường lệ khoảng hai tuần để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán (ngày 22-1-2023).