Mong ước của tất cả các bậc cha mẹ trên thế giới này là đều hi vọng con mình khỏe mạnh, chăm ngoan học giỏi, lớn lên thành rồng, thành phượng. Không chỉ riêng ở Việt Nam, vấn đề giáo dục con trẻ cũng luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm của người dân Trung Quốc.
Ở quốc gia tỷ dân này, người ta đề cao "giáo dục hạnh phúc" và nghiêm cấm việc dùng đòn roi để dạy trẻ. Tuy nhiên, một bài diễn thuyết cách đây vài năm của giáo sư Tiền Văn Trung, giảng viên trường Đại học trọng điểm Phúc Đán đã khiến dư luận nước này dậy sóng khi cho rằng, cách giáo dục hiện nay là sai lầm của hầu hết các bậc cha mẹ.
Trong bài phát biểu của mình, vị giáo sư hàng đầu đã nêu lên quan điểm của bản thân: "Đối với việc giáo dục một đứa trẻ, cần phải có hình phạt, thậm chí là trừng phạt nghiêm khắc, nhất là đối với thế hệ là con một trong gia đình. Những thứ được gọi là "giáo dục tố chất" hay "giáo dục vui vẻ" hoàn toàn là khẩu hiệu sai lầm. Tôi hy vọng những lời này của mình có thể thức tỉnh một số phụ huynh, một số giáo viên và một số hiệu trưởng."
Dưới đây là trích đoạn trong bài phát biểu của Giáo sư Tiền Văn Trung được trình bày tại "Diễn đàn Cấp cao Giáo dục Gia đình Tân Đông Phương lần thứ 3, thu hút sự quan tâm của người dân Trung Quốc:
"Chúng ta đang nhượng bộ, bào chữa cho chính mình và bào chữa cho con cái của chúng ta. Tôi muốn nói rằng giáo dục không phải như thế này và cũng không nên như thế này.
Ngày nay chúng ta thường đề cao "giáo dục vui vẻ" và nói về những tuổi thơ mang màu hạnh phúc. Thế nhưng tuổi thơ của chúng ta có thực sự hạnh phúc không? Cá nhân tôi không hề cảm thấy thời thơ ấu của mình vui vẻ một chút nào. Ngày bé đến trường, chắc hẳn ai cũng từng một vài lần bị thầy cô đánh vài cái hay trách mắng. Tôi cho rằng, trong giáo dục nhất định phải có yếu tố "đau khổ".
Hiện nay, phương pháp giáo dục của chúng ta là khuyến khích và cổ vũ con trẻ, điều này không có gì sai cả. Vậy còn hình phạt thì sao? Giáo dục mà không có kỷ luật thì liệu nó có thể hoàn thành sứ mệnh chỉ với sự khuyến khích hay không? Tôi cũng không tin.
Trẻ em ngày nay nói không nghe, mắng không được, phê bình cũng chẳng xong, vậy nên đến khi vấp ngã một tý cũng đã không chịu nổi rồi. Lúc còn nhỏ, thầy của tôi cũng từng phạt tôi, thế nhưng cho tới bây giờ, tình cảm thầy trò giữa chúng tôi vẫn luôn rất tốt, chẳng có gì thay đổi.
Tôi nghĩ, giáo dục không thể càng ngày càng nhân nhượng, chúng ta phải thực sự có trách nhiệm với con em mình. Đừng chỉ đi theo những góc nhìn phiến diện trong xã hội về thứ gọi là "giáo dục tố chất", "giáo dục vui vẻ"…
Hiện nay tôi đang chủ trương khôi phục kỳ thi tuyển sinh đại học thống nhất trên toàn quốc, và đó là kỳ thi sát hạch trần, không cộng điểm. Nếu hệ thống thi tuyển sinh đại học không thể thay đổi, thì nền giáo dục của chúng ta không thể thay đổi. Lý do tại sao không thể thay đổi hệ thống thi tuyển sinh đại học là vì chúng ta không thể tìm thấy một hệ thống nào kém hơn hệ thống thi tuyển sinh đại học. Hệ thống thi tuyển sinh đại học không phải là hệ thống tốt nhất, nhưng nó là hệ thống ít tồi tệ nhất.
Bản thân tôi là một thầy giáo giảng dạy ở tuyến đầu, công việc hằng ngày đều cần tiếp xúc với các em học sinh. Tôi muốn nói với mọi người rằng chúng ta phải nghiêm túc khi nói đến giáo dục và đưa vấn đề này trở thành vấn đề cần được ưu tiên hàng đầu.
Giáo sư Tiền Văn Trung, giảng viên trường Đại học trọng điểm Phúc Đán
Do đó, tôi nghĩ, các bậc cha mẹ hãy thực sự nghiêm khắc với con cái. Trẻ em dù sao cũng chưa phải là người lớn nên nhất định phải được quản lý, nhất định phải cần tới kỷ luật để cho con biết được rằng giáo dục không đơn thuần chỉ có sự vui vẻ.
Nếu một người có thể vui vẻ trong học tập, thì rất có thể sẽ trở thành người tài giỏi! Thế nhưng hầu hết mọi người không học vì niềm vui mà đại đa số đang phải học vì một mục đích nào đó hoặc học vì biết tầm quan trọng của nó đối với cuộc sống của mình!
Chúng ta cần phải nói với con cái rằng ai cũng phải trả giá cho những sai lầm. Nếu một xã hội mà cha mẹ nào cũng nhượng bộ con cái thì tương lai của những mầm non này rất đáng lo ngại. Không chỉ thế, tương lai của chúng ta cũng rất đáng lo ngại. Nếu bây giờ bố mẹ, thầy cô, xã hội đều dùng cách nhượng bộ để dạy dỗ con cái thì làm sao mà giáo dục có thể tiến bộ được?
Cha tôi từng được thụ hưởng một nền giáo dục tốt đẹp nên ông cũng không thể chấp nhận được cách dạy con của tôi. Có một lần, chứng kiến tôi dạy dỗ con mình, cha tôi đứng cạnh tỏ ra rất không vui.
Khi đó, con trai của tôi nói: "Bố, sao bố lại nói với con như thế?"
Tôi nói: "Vì con sai".
Nó lại trả lời: "Cho dù con sai, bố cũng không nên nói con như thế!"
Tôi hỏi: "Con đã đọc qua ‘Tam tự kinh’ chưa?"
Nó nói: "Có phải bố muốn nói tới câu ‘nuôi mà không dạy là lỗi của cha’ hay không?"
Tôi đáp: "Đúng!"
Nó lại nói: "Hai hôm trước, bố vừa giảng "Đệ tử quy" còn gì. Trong đó có viết "trước kính trên, sau thủ tín". Bố làm cho ông không vui, vậy thì sao con lại phải làm cho bố vui lòng?".
Chỉ một câu chuyện nhỏ của bố con tôi thôi cũng đã cho thấy nền giáo dục truyền thống của chúng ta ngày nay đã hoàn toàn sụp đổ. Và chúng ta đang phải đối mặt với những mâu thuẫn cơ bản nhất. Là một phụ huynh, tôi mong rằng nếu cô giáo của con tôi thấy cháu chưa ngoan,cứ đánh cháu vài cái, phạt cháu ít lần để nó hiểu được đúng sai.
Bây giờ chúng ta đều khuyến khích trẻ tự tin bằng cách khen ngợi chúng, điều này đúng, nhưng làm quá sẽ thành sai. Những đứa trẻ sống dưới hình thức giáo dục này sau này sẽ bước vào xã hội và phải đối mặt với đủ mọi sự tương phản trong cuộc sống, rồi các con sẽ bị "tiêu diệt" bởi chính những điều đó.
Chúng ta nên nói cho trẻ biết xã hội này vốn tàn nhẫn và không công bằng, từ đó, sớm rèn luyện cho trẻ tinh thần chịu đựng bất bình, chịu những ấm ức trong cuộc sống, chỉ có thế trẻ mới được tôi luyện và vững càng hơn."
Hiện, quan điểm này của giáo sư Đại học trọng điểm Trung Quốc vẫn tiếp tục nhận về những luồng tranh cãi trái chiều và chưa có hồi kết.
(Theo kknews.cc)