Thị trường chứng khoán vừa khép lại tháng 9 bằng một phiên giao dịch đầy kịch tính. VN-Index có thời điểm đã giảm hơn 26 điểm xuống dưới mốc 1.100 nhưng đã đảo chiều ngoạn mục để kết phiên với mức tăng hơn 6 điểm. Dù vậy, kết quả này gần như không thấm vào đâu so với những gì thị trường đã mất từ đầu tháng 9.
Như vậy, VN-Index đã kết thúc tháng 9 đầy sóng gió với mức giảm hơn 11,5% xuống còn 1.132,11 điểm, thấp nhất kể từ tháng 2/2021 (tính theo giá đóng cửa phiên cuối cùng của tháng). Đây cũng là mức giảm mạnh nhất trong một tháng của chỉ số trong vòng 30 tháng kể từ tháng 3/2020, thời điểm thị trường liên tục rơi sâu xuống đáy Covid.
VN-Index giảm mạnh nhất trong một tháng kể từ tháng 3/2020
Diễn biến không mấy khả quan trong tháng vừa qua trái ngược hoàn toàn với các con số thống kê tích cực trong quá khứ khi VN-Index có đến 14 lần tăng điểm trong 22 năm đã qua. Kết quả đáng thất vọng đã chấm dứt chuỗi 6 năm liên tiếp tăng trong tháng 9 của VN-Index. Con số 11,5% là mức giảm mạnh thứ 3 mà VN-Index từng ghi nhận vào các tháng 9 chỉ sau năm 2001 và 2008.
Mức giảm 11,5% cũng đã đưa chứng khoán Việt Nam rơi vào nhóm các thị trường giảm mạnh nhất thế giới trong tháng 9. Đây là một kết quả đáng quên khi chỉ đúng một tháng trước VN-Index còn lọt top các chỉ số tăng mạnh nhất thế giới. Đà giảm trong tháng 9 vừa qua thậm chí còn lấy đi nhiều hơn những gì mà nhịp hồi phục trước đó mang lại. Chỉ trong 1 tháng, vốn hóa HoSE đã bị “thổi bay” hơn 588.000 tỷ đồng (~25,13 tỷ USD), còn khoảng 4,5 triệu tỷ đồng.
Không chỉ giảm về mặt điểm số, thanh khoản thị trường trong tháng 9 cũng đã “teo tóp” đáng kể so với tháng trước. Mặc dù có nhiều phiên biến động mạnh nhưng giao dịch vẫn rất ảm đạm, giá trị khớp lệnh có phiên chỉ ở mức 7.500 tỷ đồng, thấp nhất kể từ tháng 11/2020. Tính chung trong tháng 9, giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên HoSE chỉ đạt chưa đến 11.900 tỷ đồng, giảm 16% so với tháng 8 và là con số thấp thứ 2 kể từ đầu năm 2021 chỉ sau giai đoạn tháng 7. Đây là điều khá bất ngờ khi chu kỳ thanh toán đã được rút ngắn về còn T+2 từ ngày 29/8.
Một trong những yếu tố khiến thị trường “hụt hơi” là động thái “quay xe” của khối ngoại. Trong tháng 9, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 3.000 tỷ đồng trên HoSE trong khi trước đó mua ròng khoảng 2.500 tỷ đồng sau 8 tháng đầu năm. Việc Fed tăng tốc hút tiền gây ra áp lực rút vốn trên toàn cầu, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi và cận biên, trong đó Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Tuy nhiên, khó khăn trên có thể sẽ không kéo dài. Theo Dragon Capital, Fed cũng đã phát đi tín hiệu cho thấy khả năng ngừng tăng lãi suất trong nửa đầu năm 2023 và đây là giai đoạn nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào chính sách tiền tệ của Việt Nam ổn định hơn. Với mặt bằng lãi suất trong nước, VNDirect cho rằng ít có khả năng có thêm một đợt tăng lãi suất điều hành nữa trong năm 2022 sau đợt tăng lãi suất vừa qua của Ngân hàng Nhà nước.
Về dài hạn, triển vọng của chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá khả quan nhờ tình hình vĩ mô ổn định và khả năng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết được đánh giá cao. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, GDP quý 3/2022 của Việt Nam ước tính tăng trưởng 13,67% so với cùng kỳ, vượt mọi dự báo trước đó. GDP 9 tháng đầu năm tăng trưởng 8,83% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng đầu năm tăng 1,88% so với cùng kỳ, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,73%).
Theo dự báo của PYN Elite Fund, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7,5% trong năm nay và lợi nhuận của các công ty niêm yết có thể tăng 25%. Quỹ ngoại này đánh giá, nền kinh tế ổn định và triển vọng thu nhập bền vững của Việt Nam sẽ thúc đẩy TTCK nhanh chóng tăng trở lại một khi bất ổn lắng xuống và “khi bão qua đi, trời sẽ lại bừng sáng”.