Thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tiêu cực trong tuần 14 - 18/8. Đặc biệt, VN-Index đã mất mốc 1.200 điểm tại phiên cuối tuần với hàng trăm cổ phiếu giảm sàn. Rất nhiều nhà đầu tư cá nhân, nhất là các nhà đầu tư mới (F0) lo ngại trước diễn biến bất ngờ này của thị trường.
Trao đổi với người viết, ông Vicente Nguyen, Giám đốc Đầu tư (CIO) AFC Vietnam Fund nhận định "cú sập” vừa rồi hoàn toàn mang tính chất đầu cơ. Hiện tại chứng khoán trong giai đoạn thị trường tăng dài hạn, do đó số tiền đổ vào bắt đáy là rất cao. Chuyên gia cũng chia sẻ cách để nhà đầu tư có thể đứng vững trên thị trường chứng khoán.
Phiên 18/8 ghi nhận mức giảm sâu 55 điểm đối với VN-Index, cùng với việc hàng trăm cổ phiếu giảm sàn và thanh khoản cao đột biến. Theo ông, yếu tố nào đã kích hoạt diễn biến nói trên?
Ông Vicente Nguyen: Hiện nay xu hướng đầu tư theo dòng tiền đang là một “mốt”, rất nhiều nhà đầu tư mua theo một dòng cổ phiếu nào đó khi nhận thấy dòng tiền đầu cơ lao vào. Việc đầu tư theo phương thức này đã đẩy nhiều dòng cổ phiếu tăng giá mạnh trong thời gian gần đây bất chấp tình hình kinh doanh ảm đạm và triển vọng mờ mịt. Khi giá cổ phiếu đã tăng cao, động cơ chốt lời từ đỉnh bắt đầu, sau đó nhiều môi giới của công ty chứng khoán kêu gọi khách hàng bán cổ phiếu.
Kiểu làn sóng này mau chóng trở thành một cơn bán hoảng loạn và làm thị trường giảm mạnh. Cú giảm mạnh vừa rồi chẳng liên quan gì đến rủi ro kinh doanh, kinh tế hay một yếu tố chính trị nào, chỉ đơn giản nó là “trò chơi” của đầu cơ.
Ông đánh giá ra sao về yếu tố thanh khoản phiên 18/8, khi khối lượng giao dịch đạt kỷ lục (về khối lượng và giá trị giao dịch cũng ở mức cao (trên 42.100 tỷ đồng)?
Ông Vicente Nguyen: Lãi suất đã giảm mạnh so với cuối năm 2022, điều này kích hoạt dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán. Khi thị trường bị bán tháo như phiên 18/8 thì số lượng nhà đầu tư bắt đáy cũng không ít. Thông thường, khi VN-Index giảm hay tăng nhẹ thì thanh khoản cũng chỉ ở mức bình thường nhưng khi giảm mạnh, thì cũng có rất nhiều NĐT cảm thấy đây là cơ hội và họ lao vào bắt đáy. Không chỉ nhà đầu tư cá nhân trong nước mà các nhà đầu tư tổ chức, trong nước lẫn ngoài nước cũng mua vào đáng kể. Điều này đã đẩy thanh khoản của thị trường lên cao kỷ lục.
Trong thị trường con gấu (downtrend) thì dù VN-Index giảm mạnh, thanh khoản cũng sẽ không cao, bởi số nhà đầu tư lo lắng, thận trọng còn rất nhiều. Tuy nhiên, hiện tại thị trường trong giai đoạn thị trường con bò (uptrend) dài hạn, do đó chỉ cần “sập mạnh” thì số tiền đổ vào bắt đáy sẽ rất cao.
“Đi lên thang bộ còn đi xuống bằng thang máy” là một câu nói ví von trên thị trường chứng khoán, miêu tả việc giảm giá thường diễn ra rất nhanh so với khi tăng giá. Trước việc cổ phiếu lao dốc và lan tỏa toàn thị trường, nhiều nhà đầu tư cá nhân đang lo ngại sẽ đánh mất thành quả gầy dựng trước đó. Có lời khuyên nào cho các nhà đầu tư cá nhân vào lúc này, thưa ông?
Ông Vicente Nguyen: Hãy bớt lướt sóng, giảm mức margin (nợ vay ký quỹ) và rời xa những công ty không có nền tảng. Trong thế giới đội lái hay các bầy “cá mập”, nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, tham lam và ít kiến thức chỉ như những “con mồi” béo ngậy. Họ xem những nhà đầu tư này là “con mồi” và sẵn sàng “xẻ thịt” bất kỳ lúc nào.
Nếu không muốn trở thành “con mồi” thì nhà đầu tư cần trưởng thành và bản lĩnh. Khi thị trường giảm, hãy mạnh tay mua vào những cổ phiếu chất lượng, nền tảng tốt, định giá hấp dẫn và triển vọng sáng cửa. Ngược lại khi thị trường hô hào, hưng phấn tột độ, hãy lạnh lùng bán ra. Khi đó không những không bị “xẻ thịt” mà thậm chí nhà đầu tư còn “rỉa thịt” được cá mập. Muốn chiến thắng, cần phải tự chủ, độc lập, lạnh lùng và quyết đoán.
Có quan điểm cho rằng sau giai đoạn hưng phấn do yếu tố dòng tiền, thị trường sẽ tìm về điểm cân bằng và chiến lược đầu tư theo yếu tố cơ bản “lên ngôi” trở lại. Ở góc nhìn nhà quản lý quỹ, ông đánh giá sao về nhận định này?
Ông Vicente Nguyen: Không hẳn như vậy, ở bất kỳ thời điểm nào, thì đầu cơ và đầu tư luôn song hành với nhau. Có lúc dòng tiền đầu cơ mạnh hơn, có lúc dòng tiền đầu tư mạnh hơn. Một thị trường thiếu đi một trong hai yếu tố này thì sẽ không còn hiệu quả và cũng mất đi vẻ hấp dẫn của nó.
Vần đề là nhà đầu tư thuộc trường phái nào, thì phải tuân thủ luật chơi của nó. Ví dụ, là người quản lý quỹ, tôi sẽ không bao giờ chạy theo kiểu đầu tư theo dòng tiền, bởi đó là một kiểu đầu tư mang tính đa cấp, nơi mà những người vào sau sẽ trở thành lợi nhuận của những người đi trước. Nó sẽ dễ dàng sụp đổ khi người đi trước rời bỏ cuộc chơi hay một yếu tố cơ bản bị đánh sập.
Do đó, tôi luôn tuân thủ phong cách đầu tư của chính mình, tập trung vào những công ty nền tảng, tăng trưởng bền vững, bởi tại một thời điểm ngắn cổ phiếu đó có thể chậm hơn những công ty mang tính đầu cơ nhưng trong dài hạn, nó sẽ chiến thắng. Hãy nhìn vào Hòa Phát (HPG) hay Vinhomes (VHM), các cổ phiếu này vẫn cứ “lầm lũi” đi lên.
Đâu sẽ là những nhóm ngành có nhiều triển vọng hoạt động kinh doanh giai đoạn cuối 2023 và qua 2024, thưa ông?
Ông Vicente Nguyen: Giai đoạn cuối 2023 hay chỉ trong 2024 theo tôi vẫn là tầm nhìn trong ngắn hạn. Nếu nói chiến lược trung và dài hạn thì nên có tầm nhìn 2023 - 2028. Ở góc nhìn cá nhân, khi trải qua nhiều cuộc khủng hoảng bất động sản trong quá khứ, tôi nhận ra rằng mỗi lần khủng hoảng xảy ra, dòng tiền tín dụng hay cung tiền toàn ngành sẽ giảm đột ngột vào bất động sản.
Thay vào đó, Chính phủ sẽ định hướng cung tiền vào trong những ngành tạo ra công ăn việc làm và tăng trưởng GDP. Đó là những ngành sản xuất, xây dựng và đầu tư công. Chính vì vậy, trong tầm nhìn 5 năm tiếp theo, chúng tôi (AFC Vietnam Fund) sẽ theo đuổi những ngành này
Xin cám ơn ông trả lời phỏng vấn!