Giám đốc CIA: Không thể coi thường đe dọa triển khai vũ khí hạt nhân của Nga
Hãng tin Reuters ngày 14/4 đưa tin, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns cảnh báo: Mỹ không thể coi thường mối đe dọa về việc Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc hiệu suất thấp ở Ukraine. Tuy nhiên, CIA vẫn chưa nhận thấy nhiều bằng chứng thực tế củng cố mối quan ngại đó.
Theo Reuters, đây là bình luận bao quát nhất mà ông Burns đưa ra kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi cuối tháng 2 và điều này cho thấy sự lo ngại trước nguy cơ cuộc chiến leo thang tới mức sử dụng vũ khí hạt nhân.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns. Ảnh: Reuters
"Không ai trong chúng ta có thể xem nhẹ mối đe dọa gây ra bởi việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp", ông Burns nói.
Vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp và chiến thuật là những vũ khí được thiết kế để sử dụng trên chiến trường, trong đó một số chuyên gia ước tính, Nga sở hữu khoảng 2.000 vũ khí có thể được chuyển giao cho các lực lượng không quân, hải quân và lục quân.
Trước đó, ông Dmitry Medvedev - Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga đã cảnh báo rằng: Moscow sẽ tái triển khai vũ khí hạt nhân và tên lửa siêu thanh nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh Bắc Đại Tây Dương.
Bộ Quốc phòng Nga: Hơn 1000 quân Ukraine đã đầu hàng ở Mariupol
The Guardian (Anh) dẫn nguồn Bộ Quốc phòng Nga cho biết, hơn 1000 lính thủy đánh bộ Ukraine ở Mariupol đã đầu hàng và cảng này đã bị chiếm.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, hôm thứ Tư (14/4), 1026 binh sĩ thuộc Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 36 của Ukraine, bao gồm 162 sĩ quan, đã "tự nguyện hạ vũ khí" gần xưởng gang thép Ilyich tại thành phố Mariupol.
Bộ Quốc phòng Nga cũng tuyên bố "cảng biển thương mại" của Mariupol hiện đã nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của các lực lượng quân đội Nga.
Chiến sự diễn ra ác liệt tại thành phố Mariupol, Ukraine. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, theo The Guardian, Bộ Quốc phòng Ukraine cho hay, họ không có thông tin về việc binh sĩ đầu hàng; và chỉ huy quân đội Ukraine chỉ nói rằng quân đội Nga đang tấn công khu công nghiệp Azovstal và cảng.
RT: Nổ liên tiếp, nhiều khu vực ở thủ đô Kiev chìm trong bóng tối
Hãng tin RT (Nga) ngày 15/4 đưa tin, có nhiều báo cáo về các vụ nổ ở Kiev - nhiều khu vực ở thủ đô của Ukraine được cho là đã chìm trong bóng tối sau khi mất điện khắp thành phố.
Moscow trước đó đã cảnh báo rằng, họ sẽ nhắm vào "các trung tâm đầu não" của Ukraine nếu các cuộc tấn công vào Nga vẫn tiếp diễn.
Tướng Igor Konashenkov - phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, nói: "Chúng tôi đã chứng kiến các nỗ lực phá hoại và tấn công do quân đội Ukraine tiến hành nhằm vào các cơ sở trên lãnh thổ Nga. Nếu các nỗ lực này vẫn tiếp tục, các Lực lượng vũ trang Nga sẽ tấn công vào các trung tâm đầu não, bao gồm cả Kiev - điều mà đến nay chúng tôi vẫn kiềm chế".
Nga cảnh báo tái triển khai vũ khí hạt nhân nếu Thụy Điển, Phần Lan vào NATO
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: Sputnik
Hãng tin Reuters và CNBC của Mỹ ngày 14/4 đồng loạt đưa tin, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev cùng ngày đã cảnh báo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rằng, nếu Thụy Điển và Phần Lan tham gia liên minh quân sự do Mỹ cầm đầu này, Nga sẽ buộc phải tăng cường sức mạnh hải quân, lục quân và hải quân trong khu vực, bao gồm cả việc triển khai vũ khí hạt nhân, và Moscow sẽ có "nhiều kẻ thù chính thức hơn".
Ông Medvedev nói rằng "tình trạng phi hạt nhân hóa" của Biển Baltic không có gì đáng bàn cãi và tình hình "phải được đưa trở lại trạng thái cân bằng".
"Cho đến nay, Nga chưa thực hiện một biện pháp như vậy, và cũng không có ý định làm như vậy. Nếu chúng tôi buộc phải làm như vậy... xin lưu ý, đây không phải là điều chúng tôi muốn", ông Medvedev nói.
Ông Medvedev cũng nhắc nhở: "Những người biết nghĩ sẽ không muốn thấy giá cả tăng vọt, thuế tăng, căng thẳng biên giới, tên lửa Iskander và tàu vũ trang hạt nhân đậu ngay trước cửa nhà. Hãy hy vọng các nước láng giềng phía Bắc có ý thức chung".
Theo tờ RT (Nga), Nga đang nhấn mạnh rằng "việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO có nghĩa là một sự thay đổi trong thế trận hạt nhân".
Sau khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ, Phần Lan và Thụy Điển - hai quốc gia trung lập ở châu Âu - đã thay đổi quan điểm đáng kể về việc gia nhập NATO. Trong đó, biên giới giữa Phần Lan và Nga dài 1.300 km. Cuộc họp tuần trước của các ngoại trưởng NATO đã trực tiếp thảo luận về triển vọng hai nước này gia nhập NATO.
Cả Phần Lan và Thụy Điển đang nghiêm túc xem xét quá trình để gia nhập NATO. Ảnh: Foreign Policy
Ngày 3/4, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với truyền thông Mỹ rằng, NATO đã đối thoại với các nhà lãnh đạo Phần Lan và Thụy Điển, nếu Phần Lan và Thụy Điển quan tâm đến việc gia nhập NATO, chỉ cần họ nộp đơn đăng ký là sẽ nhận được sự phê chuẩn của tất cả 30 quốc gia thành viên NATO, từ đó gia nhập NATO "tương đối nhanh chóng".
Tờ The Times của Anh ngày 11/4 dẫn lời một số quan chức Mỹ cho biết, Phần Lan và Thụy Điển có thể gia nhập NATO sớm nhất là vào mùa hè năm nay. Phần Lan dự kiến sẽ nộp hồ sơ vào tháng 6; và Thụy Điển cũng sẽ theo sau.
Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin ngày 13/4 cho biết, Phần Lan sẽ đưa ra quyết định trong vài tuần tới.
Về vấn đề này, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov từng cảnh báo thông qua truyền thông Anh rằng, nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, xét về an ninh của chính mình, Nga sẽ phải thực hiện các biện pháp để "tái cân bằng tình hình", và đến lúc đó, tình hình phía Tây của Nga sẽ càng phức tạp hơn.
Ở một góc độ khác, ứng cử viên tổng thống cực hữu của Pháp Marine Le Pen tuyên bố vào ngày 13/4 rằng, nếu bà được bầu làm tổng thống, bà sẽ giữ Pháp trong NATO, nhưng sẽ rút Pháp khỏi Bộ Chỉ huy quân sự của NATO giống như cựu Tổng thống Charles de Gaulle , đồng thời cố gắng hết sức để NATO đạt được một "hòa giải chiến lược" với Nga.