Hoàng Thành Thăng Long không đơn thuần chỉ là một di tích lịch sử mà còn là "chứng nhân" cho quá trình dựng nước và giữ nước của người dân đất Việt.
Trải qua hơn 1.000 năm lịch sử, Hoàng Thành Thăng Long đã bị tàn phá rất nhiều. Dù vậy, ngày nay, khu vực này vẫn là một trung tâm di sản và văn hóa của cả nước, và là điểm du lịch quan trọng của Hà Nội.
Tầm vóc lịch sử
Theo ghi chép trong các tài liệu lịch sử, hiếm kinh đô nào có đặc biệt như Thăng Long - Hà Nội. Nét độc đáo của kinh thành nằm ở chỗ, dù đã trải qua hơn 1.000 năm, dù thế nước thịnh hay suy, nhưng khu vực Hoàng Thành Thăng Long hầu như không đổi gì nhiều về vị trí và quy mô.
Trên thực tế, khu vực Hoàng Thành Thăng Long ngày nay đã được bắt đầu xây dựng từ thế kỷ VII (thời kì tiền Thăng Long) đến triều đại Đinh - Tiền Lê. Vào năm 1010, vua Lý Công Uẩn ban Chiếu Dời Đô từ Hoa Lư về Đại La và cho xây dựng kinh thành cũng như một số cung điện, trong đó có Hoàng Thành Thăng Long. Sau này, người dân đã xem đây là dấu mốc để tính “tuổi” cho kinh đô Thăng Long.
Trong các tài liệu cổ, Kinh thành Thăng Long được xây dựng theo mô hình tam trùng thành quách, bao gồm: vòng ngoài cùng là La thành hay Kinh thành – nơi sinh sống của cư dân, vòng giữa là Hoàng thành – khu triều chính, là nơi ở và làm việc của các quan trong triều, vòng trong cùng là Tử Cấm thành – nơi dành cho vua, hoàng hậu và các thành viên hoàng tộc khác.
Khung cảnh Điện Kính Thiên của Hoàng Thành Thăng Long xưa. (Ảnh: Người Lao Động)
Ngày nay, Hoàng Thành Thăng Long chỉ còn là khu di tích lịch sử thuộc địa phận phường Điện Biên Phủ và Quán Thánh (quận Ba Đình) với tổng diện tích của khu vực trung tâm 18.395 ha. Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long bao gồm các khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu và các di tích khác còn sót lại trong khu di tích Thành cổ Hà Nội như Đoan Môn , cột cờ Hà Nội, điện Kính Thiên, nhà D67, Bắc Môn, Hậu Lâu, tường thành và 8 cổng hành cung dưới thời Nguyễn. Để tiện cho việc tìm đường, bạn có thể tới địa chỉ 19C Hoàng Diệu, đây là cửa chính của khu di tích.
Hoàng Thành Thăng Long nằm ở vị trí trung tâm chính trị của quận Ba Đình và rất gần các trung tâm cơ quan đầu não của đất nước như:
- Phía Bắc giáp: đường Phan Đình Phùng và đường Hoàng Văn Thụ.
- Phía Tây giáp: đường Hoàng Diệu, đường Độc Lập và khuôn viên Nhà Quốc hội mới.
- Phía Nam giáp: đường Bắc Sơn và khuôn viên Nhà Quốc hội mới.
- Phía Tây Nam giáp: đường Điện Biên Phủ.
- Phía Đông giáp: đường Nguyễn Tri Phương.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa mà Hoàng Thành Thăng Long mang lại, vào năm 2010, tổ chức UNESCO đã công nhận quần thể di tích này là Di sản Văn hóa thế giới.
Trước đó, vào những năm 2002-2003, một cuộc khai quật lớn được tiến hành tại 18 Hoàng Diệu, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một quần thể di tích vô cùng quý giá. Di tích này bao gồm tầng dưới cùng là một phần bên phía đông của thành Đại La, tầng trên là cung điện nhà Lý và nhà Trần, tiếp theo là một phần trung tâm của đông cung nhà Lê và trên cùng là một phần của trung tâm tòa thành tỉnh Hà Nội thế kỷ XIX.
Một cuộc khai quật lớn được tiến hành tại 18 Hoàng Diệu, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một quần thể di tích vô cùng quý giá. (Ảnh: Hoàng Thành Thăng Long)
Giới khoa học trong nước và quốc tế đánh giá rất cao những phát hiện tại khu di tích Hoàng Thành Thăng Long. Họ đều coi đây là phát hiện quan trọng có giá trị hàng đầu về lịch sử, văn hoá của dân tộc Việt Nam.
Đối với khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu, tính đến tháng 12/2009, trong tổng diện tích khai quật 33.000m2, các nhà khảo cổ học đã khai quật được 168 di tích, trong đó có 95 dấu tích nền móng kiến trúc, 16 di tích móng tường bao, 24 giếng nước... Các khu khai quật tại khu vực 18 Hoàng Diệu được sơ đồ hóa thành 5 khu là khu A, B, C, D và E. Khu E chính là tòa nhà Quốc hội hiện nay.
Khi tiến hành khai quật tại đây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện dấu tích nền móng của các công trình kiến trúc cổ thuộc Hoàng Thành Thăng Long cùng nhiều hiện vật có giá trị, như vật liệu trang trí kiến trúc bằng đất nung, cột gỗ, đồ gốm sứ, đồ kim loại của các triều đại phong kiến Việt Nam và nhiều đồ dùng, vật dụng của nước ngoài như Tây Á, Trung Quốc, Nhật Bản…
Các nhà khảo cổ học đã phát hiện dấu tích nền móng của các công trình kiến trúc cổ thuộc Hoàng thành Thăng Long cùng nhiều hiện vật có giá trị. (Ảnh: Viện Khảo cổ học)
Nhà sử học Lê Văn Lan từng chia sẻ với Vovworld: "Các di tích phát hiện như một cuốn sách được mở ra, có lớp lang, trật tự. Dưới 4 mét là tầng văn hóa khảo cổ của thành Đại La, thời kỳ tiền Thăng Long. Ở độ sâu 3 mét là tầng văn hóa thời Lý thế kỷ 11-12, còn lên đến 2 mét là lớp văn hóa thời Trần (thế kỷ 13)."
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô, chia sẻ: "Tôi cho rằng, cái đặc biệt nhất chính là bề dày của truyền thống, lịch sử và văn hóa. Nhìn vào khu di tích này, chúng ta trông thấy lịch sử hơn 1000 năm và các tầng văn hóa của nó được tiếp nối một cách liên tục. Trên mặt là thời hiện đại, rồi phía dưới là thời Nguyễn, thời Lê, thời Trần, thời Lý… và dưới cùng là văn hóa Đại La."
Đặc biệt, tại lớp văn hóa thời Lý, các nhà khảo cổ đã tìm thấy những móng trụ sỏi và chân tảng đá kê chân cột là bằng chứng chứng minh sự hiện hữu của cung điện trong Hoàng cung Thăng Long. Từ những móng trụ sỏi này cho thấy kỹ thuật công trình của các kiến trúc thời Lý rất độc đáo. Kỹ thuật này chính là kết hợp giữa "cột dương" ở bên trong lòng nhà và "cột âm" ở hiên xung quanh nhà.
Hình ảnh cung điện Thăng Long thời nhà Lý được phục dựng 3D. (Ảnh: Viện Nghiên cứu Kinh thành)
Ngoài ra các nhà khảo cổ học còn xác định được các móng tường bao lớn là ranh giới giữa các khu kiến trúc. Do đó, bức tranh toàn cảnh về cung điện, lầu gác của thời Lý được tái hiện trên nền các vết tích dưới lòng khu di tích 18 Hoàng Diệu và khu vực xây dựng Nhà Quốc hội. Đến nay các chuyên gia đã phục dựng được hình ảnh của 64 công trình kiến trúc thời Lý trong Hoàng cung Thăng Long. Bao gồm 38 công trình kiến trúc cung điện và hành lang, 26 kiến trúc lục giác cùng hệ thống tường bao, đường đi và cổng ra vào công trình.
Theo đánh giá của các nhà sử học, đây là một quần thể kiến trúc cung điện, lầu gác cực kỳ đặc sắc. Chúng đều được quy hoạch rất bài bản, khoa học vào thời kỳ hưng thịnh nhất của triều Lý. Các công trình kiến trúc này đều làm bằng gỗ lớn, độ hoành tráng không thua kém so với các kiến trúc cung điện nổi tiếng ở châu Á.
Hiện nay, những bảo vật quốc gia phát lộ và được lưu giữ tại Hoàng Thành Thăng Long gồm có Lá đề chim phượng thời Lý, Bát thấu quang ngự dụng thời Lê Sơ và bộ thành bậc rồng Điện Kính Thiên.
Đến Hà Nội "không thể bỏ qua" Hoàng Thành Thăng Long
Hoàng Thành Thăng Long không chỉ là nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc. Đối với những người yêu thích tìm hiểu giá trị văn hóa truyền thống thì đây là địa điểm vô cùng thú vị để tận mắt chiêm ngưỡng những cổ vật quý hiếm và được trải nghiệm không gian một cách chân thực và sống động nhất.
Để thu hút du khách đến tham quan, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã xây dựng nhiều tour khám phá, trải nghiệm các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc đi cùng các hoạt động thú vị, trong đó phải kể đến tour "Giải mã Hoàng Thành Thăng Long".
Trưởng phòng Hướng dẫn - Thuyết minh, bà Nguyễn Thị Yến cho hay: “Mong muốn Hoàng Thành Thăng Long trở thành điểm đến không thể bỏ qua của mỗi du khách khi đến Hà Nội, chúng tôi sẽ giới thiệu tới du khách nhiều câu chuyện hấp dẫn về các triều đại tại Hoàng thành, mang đến sự khác biệt so với sản phẩm trước đây”.
Tour đêm "Giải mã Hoàng Thành Thăng Long" là một trong những điểm nhấn thú vị mà Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội dành cho du khách. (Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)
Tour này diễn ra từ 19h đến 20h30 vào các ngày thứ 6, thứ 7 và Chủ Nhật hàng tuần tại Hoàng Thành Thăng Long. Mục đích ra đời của tour "Giải mã Hoàng Thành Thăng Long" nhằm hướng đến những giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt của khu di sản văn hóa thế giới.
Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, ông Phùng Quang Thắng cho biết: "Hoàng thành Thăng Long như một bảo tàng mở nên có thể cung cấp trải nghiệm phù hợp với mọi đối tượng."
Đến với tour đêm, du khách sẽ được trải nghiệm một phần lịch sử của Hoàng Thành Thăng Long trải dài từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIX, xuyên suốt các triều đại: Đại La, Lý, Trần, Mạc, Lê và Nguyễn. Không gian và các hoạt động cung đình xưa được tái hiện trong tour đêm Giải mã Hoàng Thành Thăng Long.
Du khách sẽ được thưởng thức lễ thượng triều của nhà vua cùng điệu múa cung đình ngay trên dấu tích của con đường ngự đạo. (Ảnh: Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam)
Tổng thời lượng của tour đêm kéo dài 90 phút với lộ trình bắt đầu từ cửa Đoan Môn - cửa dẫn vào Cấm thành, nơi ở và làm việc của nhà vua. Và con đường ngự đạo cũng là điểm độc đáo mở đầu cho hành trình khám phá đầy thú vị này.
Trong không gian Hoàng thành, du khách được thưởng thức lễ thượng triều của nhà vua và điệu múa "Cung đình Thăng Long" ngay trên dấu tích con đường ngự đạo.
Sau màn múa, du khách có cơ hội trải nghiệm gần hơn với lịch sử khi được tận mắt chiêm ngưỡng những hiện vật gắn với các triều đại phong kiến Việt Nam. Tiếp đến là nghi lễ dâng hương tưởng niệm 52 vị tiên đế tại điện Kính Thiên mang đến nhiều cảm xúc cho khách tham quan.
Chia sẻ với báo Nhân dân, anh Chu Anh Hùng, một khách tham gia "Giải mã Hoàng thành Thăng Long" cho biết: "Hoàng thành về đêm cho tôi một cảm giác khác lạ. Tôi cảm nhận rõ không khí linh thiêng của một trung tâm quyền lực cao nhất của Việt Nam trong nhiều thế kỷ. Các câu chuyện liên quan đến hiện vật cũng hết sức thú vị".
Du khách thực hiện nghi lễ dâng hương trước thềm điện Kính Thiên. (Ảnh: Báo Lao Động)
Điểm tham quan cuối cùng trong lộ trình là Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu. Tại khu vực này, sau nhiều năm khai quật, các nhà khảo cổ đã tìm được hàng triệu hiện vật có niên đại xen lẫn nhau, chồng xếp lên nhau suốt 1.300 năm.
Ngoài ra, trong quá trình tham gia trải nghiệm tour Giải mã Hoàng Thành Thăng Long, du khách còn có cơ hội được tự tay hứng dòng nước từ giếng Vua. Giếng Vua không chỉ là dòng nước mát lành được hoàng cung sử dụng hàng ngày mà còn là biểu tượng của sự linh thiêng và phúc lành.
Du khách hứng nước chảy ra từ một trong những giếng cổ tại khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu. (Ảnh: Báo Tiền Phong)
Theo chia sẻ của chị Minh Thu, phó phòng Hướng dẫn - Thuyết minh, kể từ sau khi mở cửa trở lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng khách tới tham quan tại Hoàng Thành Thăng Long luôn duy trì trung bình ở mức 700 khách mỗi ngày. Còn như vào thời điểm Hoàng Thành Thăng Long được UNESCO trao Bằng công nhận là Di sản văn hóa thế giới là năm 2010, trung bình mỗi ngày, khu di sản có khoảng 20.000 đến 30.000 lượt nhân dân Thủ đô và du khách tới tham quan.
Đặc biệt, trong quá trình tham quan, hướng dẫn viên sẽ đưa ra những chi tiết thú vị và gợi ý giúp du khách giải mã các câu hỏi ở cuối chương trình. Nếu giải mã đúng, du khách sẽ nhận được những phần quà lưu niệm ý nghĩa của Hoàng Thành Thăng Long.
Tour đêm "Giải mã Hoàng Thành Thăng Long" đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng mỗi du khách. (Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân)
Kết thúc tour "Giải mã Hoàng Thành Thăng Long", nhiều du khách đã bày tỏ niềm xúc động và những ấn tượng với bày tỏ sự phấn khởi khi được trải nghiệm đêm Hoàng Thành Thăng Long.
Chia sẻ với báo Tin tức, ông Nguyễn Hải Nam, nhà ở huyện Kim Bảng (Hà Nam) - Từ quê lên Hà Nội thăm người thân, ông cho biết tour trải nghiệm đã mang lại cho ông nhiều ấn tượng.
Em Nguyễn Bảo Khuê, hiện đang học lớp 2 trường Tiểu học Nghĩa Tân, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ trên VOV Giao thông: Cảm nhận thú vị, hấp dẫn nhất là khi được đóng dấu giải mã Hoàng thành vào tờ phiếu được ban tổ chức phát.