Khoa học

Giải cứu dữ liệu khoa học đang bị... xóa

Giải cứu dữ liệu khoa học đang bị... xóa ảnh 1
Vào tháng 1 năm nay, các vụ cháy rừng ở California đã làm ít nhất 30 người thiệt mạng

Không ai biết được khi nào thêm một phần dữ liệu khí hậu của chính phủ Mỹ sẽ biến mất. Những dữ liệu này, từ lâu đã có sẵn trực tuyến, liên tục bị chính quyền của Tổng thống Donald Trump gỡ xuống. Trong khoảng sáu tháng trở lại đây, bà Cathy Richards đã tham gia vào chiến dịch giải cứu này. Bà làm việc cho một trong số nhiều tổ chức quyết tâm tải xuống và lưu trữ dữ liệu công khai trước khi chúng bị xóa.

“Bạn nhận được tin nhắn lúc 11 giờ đêm nói rằng, ‘Ngày mai từng này dữ liệu sẽ biến mất’”, bà nói về quy trình làm việc. “Rồi bạn dành cả đêm để tải nó xuống”.

Bà Richards là chuyên gia về dữ liệu, đồng thời là nghiên cứu viên tại Dự án Dữ liệu Môi trường Mở (OEDP), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại New York. Tổ chức của bà là thành viên sáng lập của Dự án Dữ liệu Môi trường Công cộng (PEDP), được thành lập vào năm 2024 để bảo vệ tài nguyên trí tuệ dưới thời chính quyền Tổng thống Trump.

“Một số tin nhắn rất đau lòng”, bà Richards nói. “Các nhà khoa học liên lạc với tôi, tuyệt vọng tìm hiểu xem dữ liệu mà họ đã dành cả sự nghiệp thu thập có được cứu hay không. Bạn nghe được sự cấp bách. Bạn hiểu rằng đây là hàng năm nghiên cứu của ai đó và đây là đứa con tinh thần của họ. Đó là lý do vì sao chúng tôi hành động ngay lập tức”.

Trong những tuần gần đây, bà Richards và đồng nghiệp đã lưu trữ các tập dữ liệu chứa đầy thông tin về mối hiểm họa lũ lụt ở Mỹ, khí thải nhà kính, sản xuất năng lượng, công lý môi trường, cùng nhiều chủ đề khác. Các nhà nghiên cứu y sinh và sức khỏe làm việc với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã vội vã tìm cách sao lưu dữ liệu quan trọng sau khi lệnh hành pháp do Tổng thống Trump ban hành quyết định thông tin nào sẽ được phép công bố.

Các nhà khoa học đã bày tỏ lo ngại rằng nhiều nguồn tài nguyên có thể tiếp tục bị xóa – từ lịch sử thời tiết đến dữ liệu do vệ tinh NASA thu thập. Vào ngày 16/4, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Mỹ (Noaa) công bố danh sách dữ liệu liên quan giám sát đại dương được lên lịch xóa vào đầu tháng 5.

Nhiều tổ chức phi lợi nhuận bao gồm Internet Archive (Kho lưu trữ Internet) và dự án Bảo vệ Nghiên cứu và Văn hóa - Cứu hộ Dữ liệu đang hợp tác với OEDP để cứu vớt hàng thập kỷ nghiên cứu. Nhiều người tham gia là tình nguyện viên. “Đây là thư viện của tất cả chúng ta”, bà Richards nói. “Chúng ta phải lưu giữ từng cuốn sách cho thế hệ tương lai”.

Ngay sau lễ nhậm chức của Tổng thống Trump vào ngày 25/1, chính quyền của ông đã công bố một loạt thay đổi toàn diện đối với các bộ và cơ quan liên bang, nhằm giảm thiểu những thành phần họ coi là “lãng phí” và “kém hiệu quả”. Nhưng theo các nhà khoa học, nhiều chương trình và nguồn lực đang biến mất lại cực kỳ quan trọng, như nghiên cứu về biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan đe dọa tính mạng.

Mặc dù các nhà khoa học đã dự đoán được động thái này - chính phủ cũng đã xóa thông tin trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump, quy mô và phạm vi càn quét năm nay khiến họ bất ngờ. “Tôi chưa từng thấy điều gì như thế này trong gần 40 năm nghiên cứu khoa học”, ông Paul Bierman, nhà địa mạo học tại Đại học Vermont, cho biết. “Tôi nghĩ đây là một thảm họa toàn tập”.

Các nhà khoa học cũng lo ngại rằng những dữ liệu khí hậu mới sẽ bị phớt lờ. Một báo cáo của chính phủ vào tháng Ba cho biết chính quyền Tổng thống Trump đang cân nhắc hủy hợp đồng thuê văn phòng hỗ trợ cho một trạm nghiên cứu giám sát khí CO2 ở Hawaii. Đài quan sát Mauna Loa đã theo dõi nồng độ CO2 trong khí quyển kể từ năm 1958, và năm ngoái họ ghi nhận mức tăng lớn nhất từ trước đến nay.

“Khoa học khí hậu chỉ khả thi nhờ các tập dữ liệu dài hạn”, bà Lilian Dove, nghiên cứu viên về biến đổi khí hậu toàn cầu tại Đại học Brown, cho biết. “Nếu không tiếp tục thu thập và bảo quản dữ liệu đó, lĩnh vực của chúng tôi sẽ gặp rắc rối lớn”.

“Tôi rất kinh ngạc. Vào thời điểm chúng ta chứng kiến các cơn bão ngày càng dữ dội, lượng mưa ngày càng cực đoan, hạn hán, cháy rừng ngày càng nhiều, tại sao lúc này chúng ta lại nghĩ đến việc cắt giảm khoa học, thứ vốn là chìa khóa để giải quyết những vấn đề đó và giữ an toàn cho mọi người?”.

Nhà địa mạo học Paul Bierman

Bảo vệ và thông báo

Tuy nhiên, việc tải thông tin vào các kho lưu trữ tư nhân hoặc phi chính phủ là một con dao hai lưỡi. Một mặt, nó cho phép các nhà lưu trữ tạo nhiều bản sao của dữ liệu đó. “Điều đó hạn chế khả năng dữ liệu bị phá hủy”, cô Lourdes Vera, một nhà xã hội học tại Đại học Buffalo, cho biết. Tuy nhiên, cô Vera chỉ ra rằng việc lưu dữ liệu trên các nền tảng có trụ sở tại Mỹ có thể rất rủi ro, nếu sau đó các công ty này bị chính phủ buộc phải xóa dữ liệu. Mặc dù nhiều người tham gia dự án ngần ngại thảo luận chi tiết, nhưng họ đề xuất các thông tin quan trọng nhất nên được lưu trữ bên ngoài nước Mỹ.

Một thách thức khác là khi dữ liệu biến mất khỏi các trang web chính phủ, người dùng Internet không phải lúc nào cũng nhận ra rằng có những tổ chức đang nỗ lực xuất bản lại dữ liệu đó. “Giờ bạn phải biết chính xác mình đang tìm kiếm điều gì và ở đâu, trong khi trước đây, bạn có thể dễ dàng tiếp cận một lượng dữ liệu lớn tập trung trên các trang web phổ biến và chính thức”, ông Eric Nost, một nhà địa lý tại Đại học Guelph ở Canada, cho biết.

Điều này có nghĩa là các nhà lưu trữ không chỉ có nhiệm vụ bảo vệ dữ liệu, mà họ cũng phải thông báo với công chúng biết dữ liệu đó vẫn tồn tại. Và các chuyên gia nhấn mạnh rằng mọi dữ liệu đều quan trọng. Khi biến đổi khí hậu trở thành một vấn đề nghiêm trọng hơn bao giờ hết, ông Bierman thấy tình hình hiện tại là “không thể hiểu nổi”.

Hà My (theo dailykos.com, ngày 26/4/2025)

Các tin khác

Công viên 65ha lớn bậc nhất Hà Nội đang thành hình

Khi Hà Nội ngày càng bị bê tông hóa, thiếu hụt nghiêm trọng không gian công cộng quy mô lớn, một công viên tích hợp cây xanh – mặt nước – thể thao ngoài trời đang dần hiện hữu tại quận Tây Hồ, mang đến kỳ vọng nâng tầm chất lượng sống cho cư dân khu vực.

Tổng Giám đốc Bách Hoá Xanh bán cổ phiếu Thế giới Di động

Sau khi cổ phiếu Thế giới Di động tăng gần 40%, ông Phạm Văn Trọng - thành viên Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động kiêm Tổng Giám đốc chuỗi Bách Hoá Xanh - đăng ký bán 200.000 cổ phiếu MWG để giảm sở hữu về 0,21% vốn điều lệ.

Giá vàng bật tăng

Vào lúc 9h sáng nay (19/5), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 116,8 - 119,3 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 900.000 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Không gian giàu sức sống bên trong khu phức hợp Charm City

Hệ tiện ích đã vận hành đồng bộ cùng cộng đồng hàng nghìn cư dân đang tạo nên một Charm City đầy sức sống, tạo nền tảng vững chắc để khách hàng cân nhắc lựa chọn căn hộ của The Infinity Dĩ An.

Trung ương "rót" vốn rất lớn cho nhiều dự án tại Phú Quốc

Trung ương sẽ hỗ trợ tới 70% vốn đầu tư công cho loạt dự án hạ tầng chiến lược phục vụ APEC 2027 tại Phú Quốc, phần còn lại ngân sách địa phương cân đối, gồm hồ chứa nước ngọt, Trung tâm hội nghị APEC, đại lộ APEC, tàu điện đô thị và các tuyến giao thông kết nối. Nhiều dự án có vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng, được yêu cầu hoàn thành trước giữa năm 2027.