Giá xăng cao kỷ lục, tài xế tính chuyện bỏ việc
Mỗi lần đổ xăng, tài xế Hoàng Văn Khắc - chạy xe công nghệ lại “thắt ruột”. Ngày trước, anh chỉ cần đổ 300.000 đồng là có thể đi cả ngày, nhưng bây giờ phải đổ 500.000 đồng mới đủ. Chiếc xe ô tô trả góp là cần câu cơm của gia đình anh Khắc. Làm nghề chạy xe, tiền tươi thóc thật, thu nhập một ngày có thể tính ra tiền gạo, tiền rau, tiền thịt. “Xăng tăng, giá thực phẩm tăng, mỗi thu nhập là đi xuống”, anh Khắc ngán ngẩm.
Nghề lái xe xem xăng như máu. Những bác tài hóng giờ điều chỉnh xăng tăng giá nhiều hơn những người khác. Bởi đó là tiền nhà, tiền ăn, tiền sinh hoạt phí. Các hãng xe đều có thông báo giá cước điều chỉnh vì xăng tăng, thế nhưng với các tài xế điều đó không thấm vào đâu cả. Việc điều chỉnh giá xăng lần nào cũng khiến các tài xế thót tim.
Tài xế mỏi mòn chờ khách
"Nếu không được trợ giá xăng cho lái xe, chắc cánh lái xe chúng tôi phải nghĩ hướng rẽ khác, như đi làm công nhân", tài xế Nguyễn Văn Thanh trải lòng.
Hiện nay, chúng ta đang phải chứng kiến giai đoạn bùng nổ giá xăng trên thế giới với biên độ giao động mạnh. Giá xăng liên tiếp đạt đỉnh. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử giá xăng dầu tại Việt Nam. Theo Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, có 2 nguyên nhân chính khiến giá xăng dầu trong nước và thế giới tăng cao. Một là sự tăng cầu do kinh tế phục hồi vì quá trình kiểm soát dịch bệnh tốt hơn. Hai là nhu cầu tích trữ lớn để phục vụ chiến tranh trong khi đó nguồn cung truyền thống lại bị đứt gãy do ảnh hưởng của cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Đặc điểm của đợt tăng giá lần này là chưa rõ xu hướng, thời điểm khi nào giảm nhưng theo nhiều người dự đoán thì có thể cuối năm nay giá xăng sẽ giảm và đến năm sau, cơ bản giá xăng sẽ bình ổn trở lại.
Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu và rất nhạy cảm đối với mỗi quốc gia. Theo tính toán của các chuyên gia, xăng dầu chiếm từ 30 – 40% chi phí đầu vào của ngành vận tải. Do vậy, khi xăng tăng độ nhạy cảm và tác động tới các mặt hàng khác cũng tăng theo. Xăng tăng sẽ dẫn đến giá cước cũng tăng, lượng khách sử dụng dịch vụ vận tải thì giảm. Điều này khiến thu nhập và việc làm của tài xế bị giảm sút. Trong bối cảnh như vậy, họ chính là những người phải chịu tác động kép của việc tăng giá xăng dầu và những mặt hàng thiết yếu.
Giải pháp nào để kiềm chế giá xăng dầu?
Có thể nói, tài xế chính là tài sản của các doanh nghiệp vận tải. Vì vậy, các công ty taxi công nghệ và taxi truyền thống cần có giải pháp để hỗ trợ người lao động. Hiện nay, các công ty taxi công nghệ thường yêu cầu tài xế phải nộp 25% tổng doanh thu. Mức đóng này là quá cao. Khi nhà nước đã giảm thuế thì những công ty này cũng nên giảm nghĩa vụ đóng góp của tài xế. Cùng với đó là điều chỉnh giá cước một cách phù hợp nhất. Khi đã có sự đồng thuận giữa công ty, tài xế và khách hàng, mỗi người chịu lùi một bước thì vấn đề sẽ được giải quyết nhanh hơn, tạo sự đồng thuận giữa các bên.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong
Ngoài những giải pháp từ phía doanh nghiệp thì nhà nước cũng cần vào cuộc để kiềm chế giá xăng dầu trong nước. Ở nước ta, thời gian qua, dù giá xăng dầu tăng liên tiếp nhưng nguồn cung vẫn được đảm bảo. Tuy nhiên, ở nhiều nơi vẫn xảy ra tình trạng đầu cơ, tích trữ gây nhiễu loạn thị trường. Để giải quyết tình trạng này, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, nhà nước nên thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra nhanh, kịp thời, thông tin những đơn vị nào làm sai để tạo sức ép dư luận, thậm chí có thể xử phạt, tạm dừng hoặc rút giấy phép kinh doanh. Bên cạnh đó cũng cần có những nghiên cứu, phân tích cũng như công tác chuẩn bị dự trữ đảm bảo nguồn cung giúp thị trường ổn định.
So với các nước trên thế giới thì hiện nay mức thuế liên quan đến xăng dầu ở nước ta còn cao (khoảng 30-40%), nếu trong thời điểm này nhà nước thực hiện giảm thuế thậm chí không thu thuế nữa thì giá xăng sẽ giảm chỉ còn khoảng 20 nghìn/lít.
Tại dự án Luật giá sửa đổi đang được xin ý kiến của các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định về lập và sử dụng quỹ bình ổn giá và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, ông Nguyễn Công Hùng, chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội hoàn toàn ủng hộ.
Theo ông, quỹ bình ổn giá xăng dầu là một thể chế phi thị trường. Mỗi khi lập và trích quỹ đều có tác động không nhỏ đến thị trường, làm mất đi tính dự báo của thị trường. Hiện nay, cả nước có 10 đơn vị đầu mối có quy mô dự trữ khác nhau trong khi thời gian và mức xả quỹ thì giống nhau, nếu không xả hết sẽ dẫn đến tình trạng tham nhũng, thất thoát. Đồng tình với quan điểm này, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần điều chỉnh để đưa quỹ bình ổn giá xăng dầu vào quỹ an ninh năng lượng quốc gia.
Một giải pháp căn bản cũng cần được nhắc tới đó là Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng cần tiếp tục gia tăng lượng cung trong nước để bù lại lượng thiếu hụt của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, tăng cường nhập bổ sung xăng dầu từ những nguồn giá rẻ, tích cực điều phối các cơ sở đầu mối và hệ thống phân phối để tránh trường hợp bên thừa bên thiếu, và đặc biệt là tránh tâm lý ngộ nhận, tát nước theo mưa. Khi các giải pháp này được thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt, khi đó giá xăng dầu trong nước sẽ hạ nhiệt, công việc và thu nhập của tài xế sẽ được cải thiện./.