Tài chính

Giá vàng thế giới giảm mạnh, rời xa mức kỷ lục 3.500 USD/ounce

Tóm tắt:
  • Giá vàng quốc tế giảm xuống khoảng 3.200 USD/ounce, thấp hơn giá vàng trong nước 20 triệu đồng/lượng.
  • Dù GDP Mỹ giảm 0,3% quý I, giá vàng vẫn chịu áp lực chốt lời sau đợt tăng mạnh trước đó.
  • Đồng USD phục hồi làm giá vàng thế giới tiếp tục giảm, USD-Index tăng 0,88%.
  • Giá vàng có thể tạm đi ngang, dự báo tăng nếu Fed giảm lãi suất tổng cộng 1% trong năm nay.
  • Vàng giữ vai trò tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn và lãi suất thấp.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng ngày 2/5 giao dịch tại 3.212 USD/ounce, giảm 81 USD so với phiên liền trước. Thậm chí, có thời điểm giá rơi thẳng xuống mức 3.203 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá chưa tính thuế, phí, giá vàng thế giới tương đương 101,3 triệu đồng/lượng.

Trước đó, dù giảm giá vào cuối tháng, kim loại quý quốc tế vẫn ghi nhận mức tăng gần 6% trong tháng 4, đánh dấu tháng tăng thứ 4 liên tiếp.

Trong khi đó, kết thúc phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại 119,3-121,3 triệu đồng/lượng (mua - bán). Như vậy, chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới là 20 triệu đồng/lượng, giá trong nước đắt hơn.

Giá vàng thế giới tiếp đà giảm do chịu ảnh hưởng từ sự phục hồi của đồng USD. USD-Index - thước đo sức mạnh của đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt khác dao động quanh mốc 100,35 điểm, tăng 0,88% so với trước đó.

Cục Phân tích Kinh tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ trước đó cho biết GDP nước này giảm 0,3% trong quý I. Diễn biến này ngược với quý IV/2024 là tăng 2,4%. Thông thường, dữ liệu kinh tế yếu kém thường hỗ trợ giá vàng, nhưng trong trường hợp này, một số chuyên gia lưu ý tâm lý thị trường vẫn bị chi phối bởi hoạt động chốt lời sau đợt tăng giá mạnh trước đó.

Giá vàng thế giới giảm mạnh, rời xa mức kỷ lục 3.500 USD/ounce - 1

Giá vàng thế giới bất ngờ rớt mạnh (Ảnh: Hải Long).

Trong phiên giao dịch đêm qua, giá vàng từng tăng nhẹ sau khi Mỹ công bố báo cáo việc làm ADP tháng 4, với 62.000 việc làm mới, chưa bằng một nửa so với kỳ vọng 134.000 và giảm mạnh so với con số 147.000 của tháng trước.

Tuy nhiên, Tai Wong, chuyên gia độc lập về thị trường kim loại, dự báo sau đợt tăng vọt gần đây, giá vàng có thể tạm thời đi ngang trong ngắn hạn. Thực tế, khi các dữ liệu kinh tế suy yếu chưa kịp phản ánh mạnh mẽ đến diễn biến thị trường vàng, áp lực chốt lời đã tiếp tục đẩy giá vàng lùi sâu.

Theo ông Tai Wong, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất tổng cộng 100 điểm cơ bản (1%) từ nay đến cuối năm như kỳ vọng của thị trường, giá vàng thế giới có thể trở lại ngưỡng 3.500 USD/ounce.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều bất ổn, từ suy yếu tăng trưởng tại Mỹ đến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, vàng tiếp tục phát huy vai trò tài sản trú ẩn an toàn. Đặc biệt, trong môi trường lãi suất thấp, nơi các kênh đầu tư sinh lời như trái phiếu trở nên kém hấp dẫn, vàng nổi lên như lựa chọn hàng đầu.

Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Fed - không thay đổi trong tháng 3. Tuy nhiên, PCE lõi trong quý I lại bất ngờ tăng tốc lên 3,5%, vượt xa mức 2,6% của quý trước. Diễn biến này tạo thế giằng co giữa áp lực kiềm chế lạm phát và nhu cầu hỗ trợ tăng trưởng của Fed.

Giới đầu tư đang dồn sự chú ý vào báo cáo việc làm tháng 4 của Bộ Lao động Mỹ sắp công bố. Đây được xem là dữ liệu có tác động lớn nhất tới chính sách điều hành lãi suất của Fed kể từ đầu năm đến nay.

Các tin khác

Ăn ít vào buổi tối có tốt không?

Tôi có thói quen ăn ít vào buổi tối, nhưng nhiều thông tin nói rằng bữa tối cũng rất quan trọng, vậy việc ăn ít đem lại lợi ích hay hại sức khỏe? (Đức, 38 tuổi, Hà Nội).

Giá vàng giảm mạnh

Sáng nay (2/5), giá vàng trong nước giảm mạnh. Vàng miếng SJC có nơi giảm còn 118,5 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn về 114,5 triệu đồng/lượng.