Quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 64,7 triệu đồng/lượng.
Trưa 8-3, Công ty SJC niêm yết giá bán vàng ở mức 81,5 triệu đồng/lượng, mua vào 79,5 triệu đồng/lượng, giảm 300.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua.
Công ty PNJ vẫn giữ nguyên giá bán vàng miếng SJC ở mức 81,8 triệu đồng/lượng, mua vào 79,85 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn 9999 niêm yết tại Công ty SJC tiếp tục lập kỷ lục mới, ở mức 68,3 triệu đồng/lượng, mua vào 67,05 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua.
Như vậy, giá vàng nhẫn 9999 đã có chuỗi tăng liên tiếp trong thời gian gần đây. Nếu chỉ so với giá vàng ngày Thần tài, giá vàng nhẫn 9999 tăng 3,8 triệu đồng/lượng.
Tại Công ty PNJ giá bán vàng nhẫn 9999 trưa nay niêm yết ở mức 68,25 triệu đồng/lượng, mua vào 66,9 triệu đồng/lượng.
Mức tăng này khiến vàng trở thành kênh đầu tư quá hấp dẫn trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi lãi suất tiết kiệm tại ngân hàng đã xuống mức rất thấp.
Theo giới phân tích, việc giới đầu tư đặt cược vào lãi suất giảm là động lực khiến giá vàng tăng không ngừng nghỉ trong suốt thời gian qua.
Hiện đang có hàng loạt tín hiệu chỉ báo đã đến lúc lãi suất giảm.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dù giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức cao kỷ lục 4% nhưng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Eurozone hạ dự báo lạm phát năm 2024 về 2,7% từ mức 2,3%. Đây là động thái "dọn đường" để ECB có thể bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 6.
Thị trường cũng đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 6 tới.
Vàng là tài sản không mang lãi suất, nên lãi suất giảm đồng nghĩa chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng giảm xuống.
Ngoài ra, việc Fed tiến tới giảm lãi suất cũng gây áp lực mất giá lên đồng USD, từ đó giúp giá vàng tăng.
Kể từ khi chiến tranh Israel - Hamas nổ ra vào tháng 10-2023 tới nay, giá vàng thế giới đã tăng hơn 300 USD/ounce (tương đương 9 triệu đồng/lượng).